Group News: Tin copy
 Chiến dịch toàn cầu của Trung Quốc nhằm thu phục bạn bè và gây ảnh hưởng chính sách đã nở rộ ở một nơi đáng ngạc nhiên: Utah, một tiểu bang bảo thủ và hết sức sùng đạo ít có quan hệ với quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới.
Ảnh được chụp vào ngày 13/2/2023 cho thấy một bức thư của giáo sư Utah Taowen Le gởi cho Thống đốc Utah Spencer Cox vào năm 2022 thúc đẩy ông này gặp đại sứ Trung Quốc. Ông Le nằm trong số những ủng hộ Trung Quốc nhất tại Utah.

Một cuộc điều tra của AP phát hiện rằng Trung Quốc và những người ủng hộ tại Hoa Kỳ đã dành nhiều năm để xây dựng mối quan hệ với các quan chức và nhà lập pháp của tiểu bang Utah. AP nhận thấy rằng những nỗ lực đó đã mang lại hiệu quả trong và ngoài nước: Các nhà lập pháp trì hoãn luật mà Bắc Kinh không thích, hủy bỏ các nghị quyết thể hiện sự không hài lòng với hành động của Bắc Kinh và bày tỏ sự ủng hộ theo cách nâng cao hình ảnh của chính phủ Trung Quốc.

Công việc của họ ở Utah là biểu tượng cho nỗ lực rộng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm có được các đồng minh ở cấp địa phương khi mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đã trở nên chua chát. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng các nhà lãnh đạo địa phương có nguy cơ bị Trung Quốc thao túng và coi chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Ông Frank Montoya Jr., một nhân viên phản gián của FBI đã nghỉ hưu sống ở Utah, nói: Thành công của Bắc Kinh ở Utah cho thấy “Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào và dai dẳng như thế nào”.

Ông nói: “Utah là một chỗ đứng quan trọng.” “Nếu người Trung Quốc có thể thành công ở Thành phố Salt Lake, thì họ cũng có thể thành công ở New York và những nơi khác.”

Các chuyên gia an ninh nói chiến dịch của Trung Quốc lan rộng và được điều chỉnh cho phù hợp với cộng đồng địa phương. Tại Utah, AP nhận thấy, Bắc Kinh và những người ủng hộ Trung Quốc đã kêu gọi các nhà lập pháp liên kết với Nhà thờ Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-Su Ki-Tô, hay còn gọi là nhà thờ Mormon, là tôn giáo thống trị của tiểu bang và là tôn giáo từ lâu mong muốn được mở rộng ở Trung Quốc.

Chiến dịch của Bắc Kinh ở Utah đã gây lo ngại cho các nhà lập pháp tiểu bang và liên bang, đồng thời thu hút sự chú ý của Bộ Tư pháp.

Một nhà lập pháp tiểu bang nói với AP rằng ông đã được FBI phỏng vấn sau khi đưa ra một nghị quyết vào năm 2020 bày tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc ngay từ đầu trong đại dịch virus corona. Một giáo sư ở Utah, người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Washington và Bắc Kinh, nói với AP rằng ông đã bị FBI thẩm vấn hai lần. FBI từ chối bình luận.

‘Lừa đảo và ép buộc’

Mối quan tâm của Bắc Kinh đối với các chiến dịch gây ảnh hưởng chú trọng vào địa phương không phải là một bí mật. Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã nói trong chuyến đi tới Hoa Kỳ vào năm 2015 rằng “nếu không có sự hợp tác thành công ở cấp địa phương thì sẽ rất khó đạt được kết quả thiết thực cho sự hợp tác ở cấp quốc gia.”

Phát ngôn viên của tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington nói với AP rằng Trung Quốc “đánh giá cao mối quan hệ của họ với Utah” và bất kỳ “lời nói và hành động nào bêu xấu và bôi nhọ các hoạt động trao đổi với tiểu bang này đều có mục đích chính trị thầm kín”.

Không có gì lạ khi các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, có hoạt động ngoại giao địa phương. Các quan chức và chuyên gia an ninh Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng nhiều hoạt động trao đổi văn hóa và ngôn ngữ của Trung Quốc không có ẩn ý gì. Tuy nhiên, họ nói, rất ít quốc gia tích cực ve vãn các nhà lãnh đạo địa phương theo cách gây lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong đánh giá mối đe dọa hàng năm được công bố vào đầu tháng này, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phúc trình rằng Trung Quốc đang “tăng gấp đôi” các chiến dịch gây ảnh hưởng tại địa phương trước sự kháng cự gay gắt ở cấp quốc gia. Phúc trình nói, Bắc Kinh tin rằng “các quan chức địa phương mềm mỏng hơn các quan chức liên bang”.

Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia vào tháng 7 đã cảnh báo các quan chức tiểu bang và địa phương về các hoạt động gây ảnh hưởng “lừa đảo và cưỡng ép” của Trung Quốc. Giám đốc FBI Christopher Wray năm ngoái đã cáo buộc Trung Quốc tìm cách “vun đắp nhân tài sớm—thường là các quan chức cấp tiểu bang và địa phương—để đảm bảo rằng các chính trị gia ở tất cả các cấp chính quyền sẽ sẵn sàng nhận lời kêu gọi và vận động thay cho chương trình nghị sự của Bắc Kinh.”

Nhà chức trách ở các quốc gia khác, bao gồm Úc, Canada và Vương quốc Anh, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tương tự.

Những lo ngại đó đã nảy sinh trong bối cảnh tranh chấp leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại, nhân quyền, tương lai của Đài Loan và sự hỗ trợ ngầm của Trung Quốc đối với Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn vào tháng trước khi một khinh khí cầu do thám tình nghi của Trung Quốc bị phát hiện và bị bắn hạ trong không phận Hoa Kỳ.

Chiến thắng lập pháp và chiến thắng quảng bá hình ảnh

Các quan chức Hoa Kỳ đã cung cấp rất ít thông tin chi tiết về các tiểu bang và địa phương mà chính phủ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu. AP tập trung điều tra vào Utah vì Trung Quốc dường như đã xây dựng được một số lượng đáng kể các đồng minh ở tiểu bang này và những người ủng hộ họ đều nổi tiếng với các nhà lập pháp.

Dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với những nhân vật chủ chốt và xem xét hàng trăm trang hồ sơ, tin nhắn văn bản và email thu được thông qua các yêu cầu hồ sơ công khai, AP nhận thấy Trung Quốc thường xuyên giành được chiến thắng về mặt lập pháp và quan hệ công ở Utah.

Ví dụ, các nhà lập pháp thân thiện với Trung Quốc đã trì hoãn hành động trong một năm để cấm các Viện Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ tại các trường đại học tiểu bang, theo nhà bảo trợ của luật. Các chương trình văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc đã được các quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ mô tả là công cụ tuyên truyền. Đại học Utah và Đại học Nam Utah đã đóng cửa các viện này vào năm ngoái.

Phóng viên Sam Metz của AP tường thuật rằng bất chấp những cảnh báo rằng giao lưu văn hóa có thể nhằm mục đích thao túng các nhà lập pháp, Trung Quốc đã điều chỉnh cách tiếp cận của mình ở Utah, thiết lập quan hệ với các nhà lãnh đạo có liên kết với nhà thờ Mormon.

Vào năm 2020, Trung Quốc đã gây được ấn tượng mạnh khi ông Tập gửi một bức thư cho một lớp bốn ở Utah để cảm ơn các em về những tấm thiệp chúc Tết Nguyên đán. Ông khuyến khích các em “trở thành những ‘đại sứ’ trẻ tuổi cho tình hữu nghị Trung-Mỹ.”

Các email mà AP có được cho thấy Tòa đại sứ Trung Quốc và giáo viên tiếng Hoa của các em đã phối hợp trao đổi thư, dẫn đến việc các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc đưa tin rầm rộ.

Một hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng các học sinh Utah đã reo lên vui mừng: “Ông Tập thực sự đã hồi âm cho em. Ông ấy thật tuyệt!” Miêu tả nhà lãnh đạo độc đoán nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên như một người ông tốt bụng là điều thường thấy trong tuyên truyền của Trung Quốc.

Bức thư của ông Tập cũng đã thu hút được sự chú ý tích cực ở Utah. Một nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã phát biểu tại Thượng viện tiểu bang rằng ông “không thể không nghĩ rằng thật tuyệt vời biết bao” khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dành thời gian để viết một lá thư “đáng chú ý” như vậy. Một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác đã nói trên chương trình phát thanh bảo thủ của mình rằng lá thư của ông Tập “rất tử tế và rất riêng tư.”

Ông Dakota Cary, một chuyên gia về Trung Quốc tại công ty an ninh Krebs Stamos Group, nói khi đưa ra những nhận xét như vậy, các nhà lập pháp Utah “về cơ bản đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc” và hợp pháp hóa các ý tưởng và câu chuyện của họ.

Ông nói: “Những tuyên bố như thế này chính xác là mục tiêu của Trung Quốc trong các chiến dịch gây ảnh hưởng.”

Quan tâm của cơ quan gián điệp

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với Utah không chỉ giới hạn ở các quan chức và những người ủng hộ đang tham gia vào lĩnh vực ngoại giao, thương mại và giáo dục. Các quan chức Hoa Kỳ đã lưu ý rằng cơ quan gián điệp dân sự của Trung Quốc, Bộ An ninh Nhà nước (MSS), đã cho thấy sự quan tâm đến Utah, theo hồ sơ tòa án.

Vào tháng 1, cựu sinh viên Ji Chaoqun đã bị kết án 8 năm tù giam với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc. Sinh viên Chicago nói với một đặc vụ chìm rằng anh ta được những người điều khiển gián điệp của mình giao nhiệm vụ “gặp gỡ mọi người, một số người bạn Mỹ”. Anh ta đã được làm lễ báp-têm tại một nhà thờ Các Thánh hữu Ngày sau và nói với đặc vụ chìm rằng anh ta “gần đây đã đến Utah thường xuyên hơn” trước khi bị bắt, theo trang Facebook của anh ta và hồ sơ tòa án.

Ông Ron Hansen, cựu quan chức tình báo Hoa Kỳ từ Utah, đã nhận tội nỗ lực bán thông tin mật cho Trung Quốc. Ông Hansen cho biết cơ quan gián điệp của Trung Quốc đã giao nhiệm vụ cho ông đánh giá quan điểm của các chính trị gia Hoa Kỳ khác nhau đối với Trung Quốc. FBI đã tìm thấy tên của các quan chức được bầu ở Utah trong số các hồ sơ nhạy cảm mà ông này lưu trữ trên máy tính xách tay của mình, hồ sơ tòa án cho thấy. Ông Hansen đã bị kết án vào năm 2019 với mức án 10 năm trong nhà tù liên bang.

Ông Hansen nổi tiếng trong giới chính trị Utah và đã giúp tổ chức Diễn đàn Thống đốc Quốc gia Hoa Kỳ-Trung Quốc hàng năm đầu tiên, được tổ chức vào năm 2011 tại Thành phố Salt Lake, theo hồ sơ tòa án và các cuộc phỏng vấn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hủy bỏ các diễn đàn đó vào năm 2020 do lo ngại về các nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

‘Utah không như Washington DC’

AP đã tìm thấy các nhóm lên tới 25 nhà lập pháp Utah thường xuyên có các chuyến đi đến Trung Quốc mỗi năm kể từ năm 2007. Các nhà lập pháp đã sử dụng một phần tiền quyên góp của chiến dịch tranh cử để chi trả cho các phái đoàn thương mại và trao đổi văn hóa, trong khi dựa vào Trung Quốc và các nhóm chủ trì để thanh toán các chi phí khác.

Trong các chuyến đi, họ đã tạo dựng được mối quan hệ với các quan chức chính phủ và được các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn theo những cách ủng hộ chương trình nghị sự của Bắc Kinh.

“Utah không giống như Washington DC,” Chủ tịch Hạ viện Utah lúc bấy giờ là Greg Hughes, một người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump, nói với cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc vào năm 2018 khi cựu tổng thống gia tăng áp lực lên Bắc Kinh về thương mại. “Utah là một người bạn của Trung Quốc, một người bạn cũ có lịch sử lâu đời.”

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước với AP, ông Hughes cho biết các chuyến đi đến Trung Quốc khiến ông “lạc quan” về đất nước này và triển vọng cải thiện thương mại. Tuy nhiên, ông cho biết giờ đây ông tin rằng các chuyến thăm là cái cớ để các quan chức Trung Quốc gây ảnh hưởng đến ông và các nhà lập pháp khác.

“Đó là một chuyến đi không đáng,” ông Hughes nói.

Utah không yêu cầu các quan chức nhà nước báo cáo chi tiết về chuyến du lịch nước ngoài hoặc tài chính cá nhân của họ, vì vậy rất khó để xác định mối quan hệ tài chính của nhà lập pháp với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp thân Trung Quốc nhất của Utah, có các quan hệ kinh doanh với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Curt Bramble nói với tờ Courthouse News Service vào năm ngoái rằng vai trò của ông với tư cách là nhà lập pháp bán thời gian và nhà tư vấn kinh doanh đôi khi chồng chéo lên nhau và rằng ông “có khách hàng ở Trung Quốc - có lúc cả chục người - một số trong các chuyến công tác lập pháp, một số trong các chuyến đi tư vấn.”

Trong một cuộc phỏng vấn với AP, ông Bramble cho biết không có khách hàng nào của ông có trụ sở ở Trung Quốc; họ chỉ kinh doanh ở đó. Ông từ chối nêu tên cho họ.

Ông Bramble, một đảng viên Cộng hòa đại diện cho một quận bảo thủ, cũng bác bỏ những lo ngại về ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc ở Utah.

Mối quan hệ do hai cư dân Utah tạo ra

Nhiều mối quan hệ giữa Utah và Trung Quốc đã được tạo ra bởi hai cư dân tiểu bang có liên kết với chính phủ Trung Quốc hoặc với các tổ chức mà các chuyên gia cho là các nhóm bình phong cho Trung Quốc, bao gồm cả cơ quan gián điệp dân sự của nước này, AP phát hiện.

Hai người đàn ông đó ủng hộ và chống lại các nghị quyết, tổ chức các cuộc gặp giữa các nhà lập pháp Utah và các quan chức Trung Quốc, tháp tùng các nhà lập pháp trong các chuyến đi đến Trung Quốc và đưa ra lời khuyên về cách tốt nhất để xây dựng các quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, theo các email và các cuộc phỏng vấn.

Khi xem xét những phát hiện của AP, các chuyên gia pháp lý cho biết mối quan hệ của những người đàn ông này với các quan chức Trung Quốc cho thấy họ nên đăng ký với Bộ Tư pháp theo Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài, được gọi là FARA. Luật này thường yêu cầu bất kỳ ai làm việc thay mặt cho một thực thể nước ngoài để gây ảnh hưởng đến các nhà lập pháp hoặc nhận thức của công chúng, nhưng phạm vi của nó là chủ đề gây tranh cãi lớn và việc thực thi không đồng đều.

Ông Joshua Ian Rosenstein, một luật sư chuyên thụ lý các hồ sơ như vậy, nói: “Nếu tôi đại diện cho một trong những cá nhân này, tôi sẽ có những lo ngại đáng kể về việc phơi bày với FARA.”

Một trong hai người đó, tên là Taowen Le, đã bảo vệ Trung Quốc trước các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị ở Utah trong nhiều thập niên. Ông Le, một công dân Trung Quốc, chuyển đến Utah vào những năm 1980 và là giáo sư công nghệ thông tin tại Đại học Weber của Tiểu bang từ năm 1998. Ông Le cải đạo sang đạo Mormon vào năm 1990.

Từ năm 2003 đến năm 2017, ông Le có một công việc khác -- là đại diện được trả lương của chính quyền tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc. Chính quyền cấp tỉnh phần lớn do Bắc Kinh kiểm soát và Liêu Ninh đã có mối quan hệ “chị em” lâu đời với Utah.

Sự vận động của ông Le vẫn tiếp tục sau khi ông nói rằng ông đã rời khỏi biên chế của Liêu Ninh, email và các cuộc phỏng vấn cho thấy. Ông thường xuyên chuyển tiếp tin nhắn từ các quan chức chính phủ Trung Quốc tới các nhà lập pháp Utah và giúp Tòa đại sứ Trung Quốc tổ chức các cuộc gặp với các quan chức tiểu bang.

Sau khi các quan chức Tòa đại sứ cố gắng thuyết phục nhân viên của Thống đốc tiểu bang Utah, Spencer Cox, sắp xếp một cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ nhưng không thành công, ông Le đã đích thân gửi cho thống đốc một lời kêu gọi tham gia cuộc gặp.

“Tôi vẫn nhớ và trân trọng những gì bạn đã nói với tôi tại bữa tiệc năm mới được tổ chức tại nhà của bạn,” ông Le viết trong một lá thư được trang trí bằng những bức ảnh ông và ông Cox chụp chung. “Bạn nói với tôi rằng bạn tin tưởng tôi là sứ giả tốt và là người xây dựng tình hữu nghị giữa Utah và Trung Quốc.”

Chủ tịch Thượng viện tiểu bang, ông Stuart Adams, đã tìm đến ông Le khi Utah đang tranh giành để có được số lượng lớn thuốc mà ông Adams cho rằng có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị tiềm năng chống lại virus corona vào đầu năm 2020, email và các cuộc phỏng vấn cho thấy.

Ông Le, người thuộc cùng hội thánh với ông Adams, đã nói trong một email gửi cho một nhà lập pháp khác rằng ông ta có thể yêu cầu Tòa đại sứ quán Trung Quốc chỉ định hai nhân viên làm việc “không mệt mỏi” cho đến khi yêu cầu đó được đáp ứng.

Yếu tố tôn giáo

Một điểm nổi bật trong cách tiếp cận của ông Le là sử dụng tôn giáo của mình trong các bài thuyết trình trước các nhà lập pháp. Ông đã trích dẫn câu thánh thư trong Kinh thánh và Sách Mormon trong email, tin nhắn, văn bản và thư từ của mình, đồng thời đưa ra những bình luận tích cực mà ông Russell Nelson, chủ tịch kiêm nhà tiên tri của nhà thờ, đã đưa ra về Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc đã cố gắng vun đắp mối quan hệ thân thiện với nhà thờ. Khi đến thăm Utah, các nhà ngoại giao và quan chức Trung Quốc thường gặp các thành viên hàng đầu của nhà thờ cũng như các nhà lập pháp, email và các hồ sơ khác cho thấy.

Mở rộng sang Trung Quốc là mục tiêu hàng đầu của nhà thờ vốn nơi đóng một vai trò quan trọng trong chính trị Utah và bản sắc chung của tiểu bang. Nhiều cư dân của tiểu bang đã sống ở nước ngoài với tư cách là những người truyền giáo, và một số trường công lập của Utah có các chương trình hòa nhập tiếng Trung từ lớp mẫu giáo tới lớp 12.

Trong khi nhà thờ Mormon có lịch sử ủng hộ thẳng thắn cho tự do tôn giáo, ông Le đã tìm cách ngăn chặn các nhà lập pháp Utah ủng hộ các nhân vật hoặc nhóm tôn giáo bị chính phủ Trung Quốc phân biệt đối xử.

Khi một nhà lập pháp tiểu bang Utah bảo trợ cho một nghị quyết vào năm 2021 lên án cuộc đàn áp tàn bạo và được ghi chép đầy đủ của Trung Quốc đối với người Uighur theo đạo Hồi thiểu số, ông Le đã đả kích nhà lập pháp này bằng các tin nhắn và so sánh việc đưa tin không mấy tốt đẹp của giới truyền thông về chính phủ Trung Quốc với việc đưa tin của người sáng lập nhà thờ, Joseph Smith Jr.

“Hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh khi bạn suy ngẫm về những vấn đề này thay vì chỉ dựa vào những báo cáo thiên vị đó của các phương tiện truyền thông,” ông Le nói.

Nghị quyết đã thất bại vào năm đó và một giải pháp tương tự được đưa ra vào tháng 1 đã không được đưa ra điều trần.

‘Lợi thế’ của Trung Quốc

Ông Le từng là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Hữu nghị Hải ngoại Trung Quốc, có quan hệ với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất - một tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà chính phủ Hoa Kỳ cho là tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng nước ngoài bí mật và ác ý.

Một ấn phẩm của Mặt trận Thống nhất đã mô tả ông Le vào năm 2020 sau khi ông tham dự một cuộc họp ở Bắc Kinh của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn có uy tín do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.

“Tôi cảm nhận sâu sắc những lợi thế của hệ thống Trung Quốc,” ông Le nói với ấn phẩm.

Ông Le nói với AP rằng ông đã được FBI thẩm vấn vào năm 2007 và 2018 về các mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Ông nói rằng sự ủng hộ của ông luôn là tự định hướng.

“Tôi không coi mình là người vận động hành lang vì tôi không phải là người vận động hành lang. Tôi chỉ là người trân trọng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” ông Le nói trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng Weber State của ông.

Ông Adams, chủ tịch Thượng viện, cho biết ông cảm thấy khác.

“Tôi tin rằng ông ấy đang vận động hành lang,” ông Adams nói. “Ông ấy ủng hộ mạnh mẽ đối với Trung Quốc.”

Con trai nhà lập pháp trở thành người ủng hộ Trung Quốc

Một cư dân khác của Utah mà các nhà lập pháp cho biết thường xuyên ủng hộ quan hệ tốt hơn với Trung Quốc là Dan Stephenson, con trai của một cựu thượng nghị sĩ tiểu bang và là nhân viên của một công ty tư vấn có trụ sở tại Trung Quốc.

Các email và các hồ sơ khác cho thấy ông Stephenson đã tư vấn cho chủ tịch thượng viện tiểu bang Utah về cách tạo ấn tượng tốt với đại sứ Trung Quốc và hỗ trợ một tỉnh của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng bảo tàng gốm sứ ở Utah nhưng không thành công.

Ông Stephenson đã quảng bá về Trung Quốc ở Utah trong vài năm và khoe khoang là có quan hệ tốt với các quan chức chính phủ ở đó.

Ông Stephenson nói với các nhà lập pháp tại một phiên điều trần của ủy ban: “Tôi đã nhiều lần nghe từ miệng của các quan chức chính phủ Trung Quốc rằng Trung Quốc đang ưu tiên mối quan hệ của họ với Utah.” Lời khai chứng đó được đưa ra ngay sau khi ông Stephenson tháp tùng Thượng nghị sĩ tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa, Jake Anderegg, trong chuyến đi tới Thượng Hải và Bắc Kinh, bao gồm các cuộc gặp với các quan chức tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Vài tháng sau chuyến đi đó, ông Stephenson đã cung cấp cho ông Anderegg dự thảo cho một nghị quyết thân Trung Quốc mà thượng nghị sĩ tiểu bang đã đưa ra vào năm 2020, bày tỏ tình đoàn kết với Trung Quốc trong đại dịch, ông Anderegg nói với AP.

Nghị quyết được thông qua gần như nhất trí.

Những nỗ lực của một nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm giành được sự thông qua một nghị quyết tương tự ở Wisconsin đã thất bại, với việc chủ tịch thượng viện của tiểu bang này đã công khai coi đó là một trò tuyên truyền.

Ông Anderegg nói với AP rằng ông đã được các đặc vụ FBI phỏng vấn để tìm kiếm thông tin về nguồn gốc của nghị quyết Utah.

“Đối với tôi, nó có vẻ vô thưởng vô phạt,” ông Anderegg nói về quyết định của mình. “Nhưng có lẽ không phải vậy.”

Ông Stephenson cho biết FBI chưa liên lạc với ông và không có quan chức chính phủ Trung Quốc nào đóng vai trò trong nghị quyết đó.

Mối quan hệ với các nhóm bị cáo buộc là bình phong

Ông Stephenson có liên kết với các nhóm người Trung Quốc bị cáo buộc tham gia trong các hoạt động gây ảnh hưởng bí mật ở nước ngoài, các tài liệu cho thấy.

Ông là đối tác của công ty tư vấn Economic Bridge International có trụ sở tại Thượng Hải. Giám đốc điều hành của công ty, William Wang, là một công dân Trung Quốc và là thành viên hội đồng của Quỹ Hữu nghị vì Hòa bình và Phát triển Trung Quốc, theo một tiểu sử trực tuyến. Nhóm này có liên kết với Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Stephenson, cũng từng làm việc cho Học viện Hội họa Trung Quốc, nơi được Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc sử dụng làm bình phong để gặp gỡ và gây ảnh hưởng bí mật đến giới tinh hoa và quan chức ở nước ngoài, theo ông Alex Joske, tác giả của cuốn sách mới xuất bản “Gián điệp và Dối trá: Các hoạt động bí mật vĩ đại nhất của Trung Quốc đã đánh lừa thế giới như thế nào.”

Ông Stephenson cho biết ông chỉ làm việc một thời gian ngắn — không lương — cho Học viện Hội họa Trung Quốc. Ông nói thêm rằng ông không chứng kiến bất kỳ sự tham gia nào của cơ quan gián điệp.

Công việc phù hợp với mong muốn của chính phủ Trung Quốc

Ông Stephenson nói ông chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động nào theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc và chưa bao giờ nhận tiền từ chính phủ đó.

Ông Stephenson nói: “Tôi làm việc để thúc đẩy nền kinh tế của Utah, giúp các công ty Mỹ thành công ở Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các mối quan hệ thương mại và giao lưu lành mạnh giữa con người với con người.”

Công việc của ông đôi khi phù hợp với những gì các quan chức chính phủ Trung Quốc đang tìm kiếm và theo cách mà các chuyên gia cho rằng có thể giúp ích cho thông điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Stephenson kêu gọi các quan chức dân cử của Utah làm video phát sóng trên truyền hình Thượng Hải để nâng cao tinh thần của cư dân thành phố đó vào đầu năm 2020 khi họ chiến đấu với COVID-19, theo email mà AP có được.

Ông Stephenson nói trong một email giới thiệu các video: “Bạn không thể mua được kiểu quảng cáo tích cực này cho Utah ở Trung Quốc.”

Yêu cầu bắt nguồn từ chính quyền Thượng Hải, theo email của ông Stephenson, và được đưa ra khi các quan chức ở Trung Quốc đang cố gắng dập tắt cơn giận dữ của công chúng đối với nhà cầm quyền cộng sản vì đã khiển trách một bác sĩ trẻ, người sau đó đã chết, vì những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của ông về sự nguy hiểm của căn bệnh này.

Nhiều nhà lập pháp đã thu hình đọc các kịch bản mẫu mà ông Stephenson cung cấp và một tập hợp các video đó đã được tải lên một trang web truyền thông xã hội của Trung Quốc. Phần tổng hợp kết thúc với việc hàng chục nhà lập pháp đồng thanh hô vang “jiayou!” - một cách thể hiện sự khích lệ của người Trung Quốc - trên các tầng của Hạ viện và Thượng viện Utah.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.