Group News: Tin copy

Hải cảnh Trung Quốc vừa cắm cờ chủ quyền tại một bãi cạn ở Trường Sa. Động thái này diễn ra trùng với khoảng thời gian ông Tập Cận Bình đi thăm Hà Nội và Việt Nam đang tập trung cho các hoạt động kỷ niệm 30/4.

Hình ảnh lực lượng Hải cảnh Trung Quốc giăng cờ tuyên bố chủ quyền tại đá Hoài Ân thuộc Trường Sa được Tân Hoa Xã công bố hôkm 25/4

Hình ảnh lực lượng Hải cảnh Trung Quốc giăng cờ tuyên bố chủ quyền tại đá Hoài Ân thuộc Trường Sa được Tân Hoa Xã công bố hôm 25/4.

Tân Hoa Xã và một loạt trang mạng tiếng Trung Quốc hôm nay 25/4 đã đăng tải hình ảnh Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên một bãi cạn tại cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực mà Việt Nam gọi là huyện đảo Trường Sa.

Trước đó một ngày, Hoàn cầu Thời báo cũng đăng bộ ảnh tương tự.

Nơi Trung Quốc đổ bộ có tên tiếng Anh là Sandy Cay và tên tiếng Trung là Thiết Tuyến. Việt Nam gọi đây là đá Hoài Ân.

Hải cảnh là lực lượng an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc, tương đương Cảnh sát biển của Việt Nam.

Bản tin của Tân Hoa Xã dẫn lại video của chương trình quân sự Đài truyền Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho thấy bốn nhân viên Hải cảnh mặc đồng phục đen đang căng một lá cờ đỏ 5 ngôi sao của Trung Quốc. Nơi họ đứng là một bãi cát rộng nhô lên giữa một vùng biển xanh ngắt dưới ánh nắng rực rỡ. Xa xa có những ngọn sóng bạc đầu khi va vào rạn đá san hô bao quanh bãi cát.

Ở một vài hình chụp khác, có thể thấy năm nhân viên Hải cảnh đang khảo sát bãi cát này.

Bài viết trên Tân Hoa Xã có nhan đề: Hình ảnh độc quyền: Hải cảnh Trung Quốc đổ bộ lên đá Thiết Tuyến và giương cao lá cờ đỏ năm sao để tuyên bố chủ quyền.

Thời điểm của cuộc đổ bộ được Tân Hoa Xã cho biết là "vào giữa tháng Tư", trong một chuyến "kiểm soát hàng hải và thực hiện quyền tài phán đối với vùng chủ quyền".

Một phần nhiệm vụ của chuyến đi là "quay phim để thu thập bằng chứng về các hoạt động phi pháp của Philippines".

Nói thêm, đảo Thị Tứ là một trong những thực thể nổi tự nhiên (không kể các đảo được bồi đắp nhân tạo) có diện tích lớn nhất Trường Sa. Philippines kiểm soát Thị Tứ, nhưng một số bãi cạn trong cụm đảo này chưa có lực lượng thường trực của nước nào. Do đó, hành động "tuyên bố chủ quyền" có thể hiểu là Trung Quốc có thể đang hướng tới việc thiết lập sự đồn trú thường xuyên tại đây.

Các bãi cát tại Trường Sa trong báo cáo do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố hôm 25/4

Các bãi cát tại Trường Sa trong báo cáo do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố hôm 25/4.

Còn hành động nào nữa?

Trong ngày 25/4, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố Báo cáo về hệ sinh thái Thiết Tuyến Tiêu và Ngưu Ách Tiêu.

Thiết Tuyến Tiêu là tên Trung Quốc chỉ rạn san hô có tên tiếng Việt là đá Hoài Ân thuộc cụm Thị Tứ.

Ngưu Ách Tiêu là tên Trung Quốc đặt cho rạn san hô mà phía Việt Nam gọi là đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn.

Đá Ba Đầu là nơi Trung Quốc thường tập trung tàu bè trong những năm gần đây, có thời điểm (tháng 3/2021), Trung Quốc đưa tới đây gần 200 tàu cùng lúc, ở lại trong nhiều ngày.

Đá Hoài Ân và đá Ba Đầu là hai thực tể tại quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Các bên tranh chấp toàn bộ hoặc một phần Trường Sa còn có Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc, dựa trên vệ tinh viễn thám và khảo sát thực địa, cho biết bốn bãi cát trên các rạn san hô "Thiết Tuyến" và "Ngưu Ách" đều được hình thành tự nhiên, nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều lên. Ở mức thủy triều trung bình, các bãi cát này cao hơn mặt nước chừng 1,1 đến 1,47 mét.

Việc Trung Quốc tuyên bố các thực thể nổi lên trên mặt nước một cách tự nhiên khi thủy triều lên cao là một trong những bước nhằm tuyên bố chủ quyền. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), các thực thể tự nhiên cao hơn mặt nước khi thủy triều cao được coi là đảo hoặc đá, có thể tuyên bố chủ quyền nếu không đang thuộc chủ quyền của nước khác.

Trái lại, các thực thể nửa nổi nửa chìm (low-tide elevations - LTE) không thể là cơ sở để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay vùng biển riêng nếu chúng nằm ngoài lãnh hải của một quốc gia ven biển. LTE là các thực thể hình thành tự nhiên, chỉ nổi lên mặt nước khi thủy triều thấp.

'Năm giao lưu nhân văn'

Tổng Bí thư Tô Lâm (trái) đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội vào ngày 14/4

Tổng Bí thư Tô Lâm (trái) đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội vào ngày 14/4.

Theo các nguồn tin chính thức nói trên, Hải cảnh Trung Quốc thực hiện hành vi giương cờ tuyên bố chủ quyền tại đá Hoài Ân vào "giữa tháng Tư".

Đây cũng là khoảng thời gian Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (ngày 14 và 15/4).

Xung quanh chuyến thăm của họ Tập, hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức rầm rộ các hoạt động giao lưu giữa quân đội, thanh niên và nhân dân.

Biên đội tàu hộ vệ 015 Trần Hưng Đạo và 016 Quang Trung thuộc Lữ đoàn 162 (Vùng 4 Hải quân) cũng có chuyển thăm Trung Quốc và tham gia tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ lần thứ 38 trong khoảng thời gian này. Hải quân Trung Quốc cử các tàu hộ vệ số hiệu 628 và 630 tham gia sự kiện.

Những sự kiện nói trên diễn ra trong "Năm giao lưu nhân văn", kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950 - 2025) được miêu tả là nhằm thúc tình hữu nghị, hợp tác, làm sâu sắc thêm mối quan hệ "Cộng đồng chia sẻ tương lai".

Trong tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên đã "nhất trí kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng, giữ gìn đại cục hữu nghị Việt – Trung".

"Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm các giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, phù hợp với 'Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc', luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển," thông cáo chung viết.

Mừng chiến thắng

Tiêm kích Sukhoi Su-30 của Việt Nam diễn tập tại TP HCM chuẩn bị cho lễ 30/4

Tiêm kích Sukhoi Su-30 của Việt Nam diễn tập tại TP HCM chuẩn bị cho lễ 30/4

Trong những ngày này, Việt Nam đang rầm rộ chuẩn bị cho ngày 30/4, ngày kết thúc Chiến tranh Việt Nam mà tên gọi chính thức tại Việt Nam là "Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước".

Vào hôm nay, cùng ngày với việc Tân Hoa Xã đăng tin Hải cảnh đổ bộ "Thiết Tuyến Tiêu" căng cờ "tuyên bố chủ quyền", một máy bay quân sự Xian Y-20 chở 118 quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất để tham gia diễu binh trong dịp lễ 30/4.

Sự tham gia diễu binh của quân đội Trung Quốc được thực hiện theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Phan Văn Giang.

Máy bay vận tải quân sự Xian Y-20 chở 118 quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 25/4 để tham gia diễu binh trong dịp lễ 30/4.

Máy bay vận tải quân sự Xian Y-20 chở 118 quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất hôm 25/4 để tham gia diễu binh trong dịp lễ 30/4.

Việt Nam luôn khẳng định "không quên ơn Trung Quốc", nhà bảo trợ chính của Hà Nội trong Chiến tranh Việt Nam.

"Chúng tôi vui mừng với sự tham dự của quân đội Lào, Campuchia, Trung Quốc trong lễ diễu binh diễu hành, thể hiện tình hữu nghị hợp tác ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và các nước," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói hôm 24/4.

Dù là đồng minh ý thức hệ cộng sản, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra chiến tranh đẫm máu và nhiều cuộc đụng độ chết người ở biên giới trên bộ và biển đảo trong vòng 50 năm trở lại đây.

Hiện hai nước còn nhiều tranh chấp chưa được giải quyết, đặc biệt là vấn đề liên quan tới Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong quá khứ, Trung Quốc từng thực hiện hành vi tiến chiếm biển đảo trong thời điểm Việt Nam đang "có chuyện". Chẳng hạn, vào giữa tháng 3/1988, khi miền Bắc Việt Nam đang thiếu đói và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng vừa qua đời, đang tổ chức tang lễ thì Trung Quốc tiến chiếm bãi đá Gạc Ma, nổ súng tấn công vào lực lượng Việt Nam khiến 64 quân nhân tử trận.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.