Group News: Tin copy

Sau Nike, đến lượt Adidas và Puma có thể sẽ tăng giá giày chạy bộ và quần áo thể thao tại Mỹ vì thuế quan nước này đánh vào hàng nhập khẩu đang đẩy chi phí của các nhà bán lẻ lên cao, giới phân tích và đầu tư nói với Reuters.

Cửa hàng Nike

 

 

Nike đã thông báo sẽ tăng giá vào tuần tới, có thể tăng tới 10 USD đối với những đôi giày đang có giá hơn 150 USD, trong khi giữ nguyên giá các sản phẩm dưới 100 USD. Nike hiện là công ty đồ thể thao lớn nhất tính cả về doanh thu và vốn hóa thị trường.

"Đó chính là thời điểm mà Adidas và Puma đang chờ đợi," Robert Krankowski, nhà phân tích ngành hàng thể thao tại ngân hàng đầu tư UBS, nhận định.

Cả hai thương hiệu đồ thể thao của Đức gần đây đều cho hay họ sẽ không đi tiên phong trong việc tăng giá mà sẽ chờ xem đối thủ làm gì.

Khoảng 50% lượng giày dép và 28% lượng quần áo của Nike được sản xuất tại Việt Nam trong năm tài khóa 2024, theo báo cáo thường niên. Đối thủ Adidas ít bị ảnh hưởng hơn một chút khi dựa vào Việt Nam cho 39% lượng giày dép và 18% lượng quần áo.

 

Ông Krankowski nói thêm:

"Chúng ta có lẽ nên nghĩ sẽ có một quyết định tương tự từ cả Adidas và Puma vì đây không phải là vấn đề riêng của Nike, mà là của toàn ngành. Ai cũng đều bị ảnh hưởng do thuế quan."

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu, riêng hàng Trung Quốc bị đánh mức thuế cao hơn là 30%.

Điều đáng lo ngại hơn đối với các thương hiệu đồ thể thao là Việt Nam – trung tâm sản xuất giày dép và quần áo chủ chốt - đang đối mặt với nguy cơ bị áp lại mức thuế rất cao, lên đến 46% vào tháng Bảy.

Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành một trung tâm sản xuất giày chạy bộ công nghệ cao, đồ thể thao và quần áo dã ngoại khi các thương hiệu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Lululemon, Columbia Sportswear và Amer Sports (công ty sở hữu Salomon và Arc'Teryx) coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất hàng đầu của họ.

Nike tuyên bố rằng việc tăng giá là một phần trong kế hoạch theo mùa vụ bình thường của hãng mà không đề cập gì đến thuế quan.

Hôm 22/5, hãng Puma cho biết họ đang đàm phán với các đối tác tại Mỹ nhưng chưa quyết định có điều chỉnh giá hay không và điều chỉnh như thế nào. Adidas chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận về kế hoạch định giá của mình.

"Trong lịch sử, khi thương hiệu dẫn đầu điều chỉnh giá, các đối thủ cạnh tranh có xu hướng làm theo ngay sau đó," Federico Borin, nhà phân tích tại Janus Henderson, bình luận.

Mức tăng giá của các thương hiệu khác sẽ phụ thuộc vào đánh giá của họ về khả năng chi trả của người tiêu dùng Mỹ - điều thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu đối với giày thể thao của họ.

Simon Jaeger, giám đốc danh mục đầu tư tại Flossbach von Storch ở Cologne, Đức (đơn vị đang nắm giữ cổ phần của Adidas và Nike) cho hay rằng Adidas, thương hiệu đã có doanh số tăng vọt nhờ những đôi giày cổ điển hợp thời trang như Samba (100 USD) và Gazelle (120 USD), rất có khả năng tăng giá bán.

Việc tăng giá của Nike tương đối khiêm tốn, nhưng "điều tôi lo ngại hơn là người tiêu dùng Mỹ nói chung không còn chi mạnh như vài năm trước", ông Jaeger nói thêm.

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng Năm trong khi kỳ vọng lạm phát cả năm tăng vọt, theo Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan hôm 16/5.

Với nhu cầu yếu hơn, các thương hiệu đồ thể thao sẽ phải quản lý chặt chẽ hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ, ông Jaeger cho biết, để tránh tình trạng cung vượt cầu và bị buộc phải giảm giá.

Puma, thương hiệu đang chứng kiến doanh số bán hàng tại Mỹ chững lại, có thể có ít dư địa để tăng giá hơn Adidas, ông Krankowski từ UBS nhận xét.

Puma đã đặt mục tiêu bán được 4 - 6 triệu đôi giày Speedcat có giá 100 USD, lấy cảm hứng từ Công thức 1, trong năm nay nhưng doanh số đang chậm hơn dự kiến, đặt ra câu hỏi liệu hãng có nên tăng giá đôi giày này hay không.

"Puma không có lợi thế tiên phong lớn vì các thương hiệu khác đang có nhiều động lực hơn," ông Krankowski nói.

Nike từ Việt Nam

Các thương hiệu đắt tiền hơn cũng đang thích nghi khi Nike tăng giá.

On, thương hiệu chuyên về giày thể thao cho người lớn, có giá từ 130 USD trở lên, đang lên kế hoạch tăng giá một số sản phẩm tại Mỹ vào tháng Bảy.

Hãng cho hay đây là một phần trong tham vọng trở thành thương hiệu đồ thể thao "cao cấp nhất" toàn cầu chứ không phải là phản ứng với thuế quan.

Trong năm 2024, khoảng 90% giày dép và 60% quần áo và phụ kiện thương hiệu On được sản xuất tại Việt Nam.

Phương án chuyển sản xuất khỏi Việt Nam cũng là thách thức vì các nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Indonesia cũng đối mặt nguy cơ bị áp thuế cao và chi phí sản xuất ở đó lại đang tăng.


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.