Dự báo mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên còn kéo dài đến hết ngày 18 Tháng Mười, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, người dân phải tản cư khẩn cấp.
Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 17 Tháng Mười, ông Lê Văn Thành, phó thủ tướng VN, đã ký công điện gửi các bộ ngành và các tỉnh về việc “Tập trung ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.”
Do đó, Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố, Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn, Bộ Quốc Phòng “chỉ đạo Quân Khu 4, Quân Khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020.”
Báo VNExpress cho hay chiều 17 Tháng Mười, tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, không mưa song do thủy điện ở thượng nguồn xả lũ khiến nước đổ về sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua địa phương dâng cao.
Nước đục ngầu tràn vào làng mạc ven sông, khiến nhiều khu dân cư ở 17 xã và một thị trấn ngập sâu 1 mét. Nhà dân ở ven sông Vu Gia và Thu Bồn ngập từ 0.2 đến 0.5 mét, nhiều xã bị chia cắt.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, phó chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết nước đến đỉnh 9.36 mét trên báo động 3 là 36 cm. Với mực nước này, các xã vùng thấp trũng ven sông bị ngập song chưa thống kê cụ thể.
“Nước lên nhanh là vì thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ, thời điểm cao nhất hơn 3,000 khối/giây,” ông Mẫn cho biết.
Theo phúc trình nhanh của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Về Phòng Chống Thiên Tai, mưa lũ đã làm hai người đi vớt củi trên sông ở Nghệ An bị lũ cuốn chết, một người ở Quảng Trị bị cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn.
Hiện có 12 đường giao thông ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk… bị sạt lở, ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Hàng trăm ngôi nhà ở các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng… bị ngập, phải tạm thời di tản.
Theo Tr.N/NV
Comments powered by CComment