Từ vụ mua bán dâm trái pháp luật, cảnh sát phát hiện ra đường dây cho vay nặng lãi qua hình thức bốc bát họ.
Nạn nhân trong vụ án là cô gái trẻ N. T. N. (quê Nghệ An), khi cảnh sát bắt quả tang hành vi bán dâm và có dấu hiệu môi giới mại dâm, N. khai phải làm "nghề" để lấy tiền trả lãi vay "bốc bát họ".
Từ lời khai của N., lần theo manh mối, Công an quận Nam Từ Liêm là rõ từ cuối tháng 12/2020, Nguyễn Thị Vân Anh (29 tuổi) cùng chồng là Đào Quốc Huy và hai bị can khác là Bùi Ngọc Thủy (37 tuổi), Khương Thị Tuyến (29 tuổi) tham gia các nhóm kín về mua bán dâm trên mạng xã hội để quảng cáo cho vay lãi nặng theo hình thức "bốc bát họ ".
Vân Anh đề nghị người có nhu cầu phải chụp chứng minh thư cùng ảnh chân dung, ảnh giao diện tài khoản mạng xã hội và đặc biệt là ảnh khỏa thân. Ai không đáp ứng được các điều kiện trên thì phải cung cấp mật khẩu điện thoại thế chấp hoặc tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản mạng xã hội, tài khoản icloud.
N. T. N. vay của Vân Anh 7 lần với tổng số tiền 163 triệu đồng, lãi suất 10.000-20.000 đồng/triệu mỗi ngày (khoảng 365-730%/năm), mỗi ngày trả lãi và gốc 150.000-200.000 đồng hoặc trả lãi 10 ngày một lần. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ khoản vay này là hơn 131 triệu đồng. Cô gái đã bị Vân Anh đe dọa sẽ tung ảnh, video nhạy cảm lên mạng xã hội và gửi cho người thân nếu không trả đủ.
Theo cảnh sát, nhóm Vân Anh cho 989 người vay lãi nặng với số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 146-730%. Họ đã thu lãi cùng gốc của 779 người, hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo dõi sự việc, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hành động của nhóm bị can xuất phát từ sự tham lam, thiếu hiểu biết pháp luật. Với những tài liệu hiện có, việc cơ quan công an khởi tố các bị can về 2 tội danh "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" và "Cưỡng đoạt tài sản là đúng quy định".
Trích dẫn Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015, luật sư Giáp cho biết lãi suất vay trong giao dịch dân sự là do các bên thỏa thuận, song không được quá 20%/năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu các bên thoả thuận mức lãi suất theo thỏa thuận vượt giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Do vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh cho vay với lãi suất lên tới 730% mỗi năm (gấp gần 40 lần mức lãi suất giới hạn), việc họ bị khởi tố về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là có cơ sở. Theo Khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất theo quy định trong giao dịch dân sự mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến một tỷ đồng hoặc đối diện mức án tối đa 3 năm tù.
Còn luật sư Hà Công Tâm (Giám đốc Công ty Luật Onekey) nhận định ngoài hành vi này, việc các bị can đe dọa đăng tải hình ảnh nhạy cảm của con nợ lên mạng còn có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản. Trích dẫn Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Tâm cho biết người nào dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù 1-5 năm. Trường hợp tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, tùy thuộc các tình tiết định khung, mức án tối đa người phạm tội phải đối mặt là 20 năm tù.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng trong trường hợp người cho vay tiền hoặc người đòi nợ sử dụng hình ảnh nhạy cảm của người vay tiền để đe dọa, uy hiếp tinh thần họ nhằm đòi nợ không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức. Hành vi này được xác định là động cơ đê hèn, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Để hạn chế những tình huống nguy hiểm tương tự có thể xảy ra, chuyên gia khuyến cáo đối với những người có nhu cầu cấp bách về tài chính cần nhận thức rõ hành vi và lường trước những hậu quả có thể xảy ra để có cách lựa chọn, quyết định đúng đắn, tránh rơi vào cạm bẫy của những đối tượng cho vay nặng lãi.
Theo CafeBiz
Comments powered by CComment