Số ca F0 trong cộng đồng được ghi nhận ở các tỉnh, thành miền Tây tăng nhanh trong những ngày qua. Có địa phương từ vùng xanh đã chuyển màu thành vàng.
Tình hình dịch Covid-19 tại miền Tây bắt đầu căng thẳng trở lại từ đầu tháng 10 đến nay, khi số lượng rất lớn người từ TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đổ về quê.
Trong 5 ngày qua, Bạc Liêu là tỉnh có số ca F0 cao nhất miền Tây.
Sáng 31/10, Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, trong 24h qua, địa phương ghi nhận đến 414 ca F0 - đây là số ca F0 kỷ lục của tỉnh được ghi nhận trong 1 ngày. Trong đó, có 143 ca trong cộng đồng. Trong 414 ca nói trên, có 81 trường hợp dưới 18 tuổi.
Trước đó 1 ngày, Bạc Liêu cũng ghi nhận 404 ca F0; trong đó 149 ca trong cộng đồng. Những ca F0 trong cộng đồng đa phần được ngành y tế Bạc Liêu phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Những ngày qua, Bạc Liêu ghi nhận hơn 1.000 F0. Trong ảnh chốt kiểm dịch ở TP Bạc Liêu. Ảnh: Báo Bạc Liêu |
Thông cáo báo chí của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho thấy, ngày 27/10 (ghi nhận từ 6h ngày 26 đến 6h ngày 27/10) có 242 F0, trong đó 157 ca cộng đồng; tương tự ngày 28/10, có 224 ca F0, trong đó 108 ca cộng đồng; ngày 29/10, có 175 F0, trong đó 104 ca cộng đồng.
Như vậy, chỉ từ 6h ngày 26/10 đến nay, Bạc Liêu đã ghi nhận hơn 1.400 F0, trong đó số lượng ca dương tính trong cộng đồng rất lớn.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ sung một phần quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Trong đó, yêu cầu 100% người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa vào Bạc Liêu phải khai báo y tế đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin. Nếu khai báo không trung thực, để phát sinh dịch sẽ bị xử lý theo quy định.
Đối với người về từ vùng dịch ở cấp độ 1, 2: Bạc Liêu quy định không yêu cầu xét nghiệm và cách ly. Trong đó, người chưa tiêm vắc xin phải theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày.
Người về từ vùng 3, 4, phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 72h. Trong đó, người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi Covid-19 thì theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Người tiêm 1 liều phải cách ly 7 ngày và sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.
Người chưa tiêm vắc xin phải cách ly 14 ngày; sau đó theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.
Chính quyền tỉnh quy định việc cách ly được thực hiện tại cơ sở cách ly tập trung hoặc tại nhà, nơi lưu trú (nếu đảm bảo điều kiện).
An Giang, trong ngày 30/10, tỉnh ghi nhận đến 342 F0. Trong đó, có nhiều ca F0 trong cộng đồng tập trung ở TP Long Xuyên, Châu Đốc; các huyện Tri Tôn, Chợ Mới.
Trước tình hình dịch diễn phức tạp, chính quyền TP Long Xuyên đã quyết định tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các dịch vụ ăn uống từ 5h ngày 31/10.
UBND TP cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ người ngoài tỉnh về địa phương; đặc biệt đối với các tỉnh/thành có ca mắc Covid-19 cao như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và khu vực cấp độ 3, 4.
Khu vực phong tỏa ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ |
Trong những ngày qua, TP Cần Thơ ghi nhận các ổ dịch lớn ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương; tại phường Cái Khế, An Cư, An Nghiệp (quận Ninh Kiều); trong hai công ty ở KCN Thốt Nốt và KCN Trà Nóc 2.
“Khi chuyển qua trạng thái bình thường, TP Cần Thơ với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế của vùng nên tiếp nhận lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành đến công tác, khám chữa bệnh. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trên địa rất lớn. Bệnh cạnh đó, xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan của người dân…”, UBND TP Cần Thơ cho biết.
Do tình hình dịch phức tạp, TP Cần Thơ đã cập nhật cấp độ dịch từ cấp độ 1 (vùng xanh) lên cấp độ 2 (vùng vàng).
UBND thành phố cũng vừa có kế hoạch xét nghiệm tầm soát cộng đồng phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Trong đó, yêu cầu UBND các quận, huyện chủ động xét nghiệm 100% các trường hợp có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… tại cộng đồng. Nếu có quả dương tính thì xử lý như ổ dịch nhỏ.
Đồng thời xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các điểm có nguy cơ cao, tập trung đông người như: cơ sở khám, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị, các ổ dịch cũ, khu dân cư có điều kiện sống chật hẹp, môi trường dễ phát sinh dịch bệnh và các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ: lái xe, xe ôm, shipper, bán hàng rong, vé số dạo…
UBND TP Cần Thơ lưu ý không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Người tiêm đủ liều vắc xin cũng nhiễm Covid-19
UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, những ngày qua tỉnh ghi nhận nhiều ổ dịch mới; trong đó có những trường hợp dương tính là người về từ địa phương khác, đã tiêm đủ liều vắc xin. Những trường hợp này, sau khi về địa phương chưa chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn đã lây bệnh cho người thân và người xung quanh, làm lây lan dịch trong cộng đồng.
Trước tình hình này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải khẩn trương rà soát tất cả người về từ tỉnh, thành phố có ca mắc Covid-19 cao để tăng cường chủ động, giám sát chặt chẽ; xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, người về từ ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, khẩn trương thiết lập lại các chốt để kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn quản lý, hướng dẫn người dân ra/vào huyện (từ các tuyến quốc lộ).
Các chốt kiểm soát vào nội tỉnh cho ô tô đi qua, hướng dẫn khai báo tại trạm y tế; còn xe máy dừng lại, hướng dẫn khai báo y tế, nhắc người dân khi ra vào tỉnh nếu đến/đi qua vùng dịch về sẽ thực hiện xét nghiệm, cách ly tập trung…
Ngoài ra, các tỉnh như: Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau… những ngày qua đều ghi nhận các ca F0 trong cộng đồng.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment