Các chuyên gia nhận định Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi thế giới đạt tỷ lệ tiêm chủng, song "chưa rõ khi nào điều này xảy ra".

Kể từ khi Covid-19 bước sang năm thứ hai, giới chuyên gia nhận định virus sẽ tồn tại lâu dài trong cộng đồng. Các nước khó loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh, song các ca nhiễm sẽ không vượt tầm kiểm soát, bệnh viện không có nguy cơ quá tải. Nhiều người dự đoán Covid-19 sẽ giống với cúm mùa, bùng phát hàng năm nhưng không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Song các nhà khoa học chưa rõ khi nào điều đó xảy ra. "Chẳng có phép đo lường phân định được thế nào là dịch bệnh, thế nào là đại dịch. Tất cả tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, và đó cũng là vấn đề", giáo sư dịch tễ học Arnold Monto, Đại học Michigan, Mỹ, cho biết.

"Vì vậy, tất cả các quyết định đưa ra không dựa trên quy tắc. Nó dựa trên những gì có thể làm để kiểm soát đợt lây nhiễm. Điều đặc biệt duy nhất ở đây là vaccine hiệu quả hơn nhiều so với mong đợi", ông nói thêm.

Dù vậy, virus thay đổi và phát triển theo thời gian. Giới chuyên gia không dự đoán được tương lai. Sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm như Delta đã thay đổi quỹ đạo đại dịch.

"Khi hàng loạt biến thể tranh nhau xuất hiện, dịch lây lan rộng rãi và đồng đều hơn trên toàn cầu. Điều này khiến việc tuyên bố đại dịch kết thúc trở nên khó khăn. Vì toàn bộ mô hình lây lan đã thay đổi, vẫn có thể còn một số nơi chưa thực sự trải qua sóng Covid-19 giống phần còn lại của thế giới", ông Monto nói.

Ông cho rằng thế giới cần "nín thở chờ đợi" đến giai đoạn Covid-19 trở thành mầm bệnh đặc hữu thông thường. Đây là dạng bệnh xuất hiện phổ biến trong cộng đồng, nhưng không ảnh hưởng đến nhiều người, để lại tình trạng báo động như đại dịch. Ngay đầu năm 2020, khi Covid-19 đang leo thang, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dự đoán nó "có thể trở thành mầm bệnh đặc hữu trong cộng đồng" và không bao giờ biến mất.

Hành khách đeo khẩu trang xếp hàng tại Sân bay Quốc tế Denver, ngày 24/8. Ảnh: AP

Hành khách đeo khẩu trang xếp hàng tại Sân bay Quốc tế Denver, ngày 24/8. Ảnh: AP

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nhận định Covid-19 không bị tiêu diệt hoàn toàn, song không còn tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng.

"Nếu có đủ người tiêm chủng, một thời gian tới, chúng ta sẽ ở giai đoạn mà dịch thỉnh thoảng bùng phát, nhưng không còn chi phối chúng ta nhiều như hiện tại nữa", ông nói.

Theo tiến sĩ Philip Landrigan, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Boston, để Covid-19 chuyển thành dịch bệnh thông thường, quốc gia phải xây dựng hàng rào miễn dịch cộng đồng, tiêm phòng cho càng nhiều người càng tốt.

Tại Mỹ, khoảng 58% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Để kiểm soát đại dịch lây lan, nước này phải đạt tỷ lệ trên 95%. Sau đó, Mỹ vẫn sẽ đón những đợt bùng phát lẻ tẻ, xảy ra ở cộng đồng chưa chủng ngừa do virus nhập cảnh từ nước ngoài. Hiện quốc gia này vẫn còn nhiều việc phải làm để kiểm soát virus lây lan.

"Chúng ta còn mùa đông trước mắt. Hãy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa đã biết, hãy tiêm chủng, đeo khẩu trang nơi công cộng, tự cách ly khi ốm và rửa tay thường xuyên", Kristen Nordlund, người phát ngôn của CDC, cho biết. Theo CDC, sau này, cuộc chiến chống Covid-19 có thể giống với cuộc chiến phòng ngừa cúm hàng năm.

Bước vào mùa đông thứ hai của đại dịch, các chính phủ một lần nữa đối mặt với nhiệm vụ khó khăn: Nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm, cứu sống bệnh nhân, bảo vệ hệ thống y tế vốn mong manh, đồng thời tránh áp đặt hạn chế quá hà khắc ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe tinh thần người dân. Trong bối cảnh đó, chiến lược tiêm nhắc lại liều vaccine thứ ba được coi như vũ khí hữu hiệu giúp kiềm chế Covid-19 không bùng phát tàn khốc.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đề xuất tiêm liều thứ ba cho tất cả người trưởng thành. Song Ủy ban Tiêm chủng Quốc gia vẫn giới hạn chương trình cho người cao tuổi, người có bệnh nền.

Kể từ ngày 5/11, Hy Lạp mở rộng chương trình tiêm liều thứ ba bắt buộc cho tất cả mọi người. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết chính phủ cũng đang xem xét thêm ngày hết hạn vào giấy chứng nhận tiêm chủng 6 tháng sau liều thứ hai.

Tại Anh, hơn 9 triệu người đã tiêm nhắc lại. Thủ tướng Boris Johnson hôm 8/11 cho biết nhiều người cao tuổi nhập viện do vaccine suy giảm hiệu quả, kêu gọi người dân tiêm liều thứ ba càng sớm càng tốt. Bộ Y tế Anh cuối tuần trước thông báo mở đặt chỗ sớm một tháng cho những người sắp đủ thời hạn tiêm mũi tăng cường, nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai vaccine trước mùa đông. Người dân Anh trước đó phải chờ tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine để đặt lịch tiêm liều tăng cường.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.