Group News: Tin copy

Theo đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Hồng Thạch, nói với BBC, cho tới ngày 07/03/2022 hơn 3.000 người có hộ chiếu Việt Nam đã rời Ukraine sang các nước châu Âu.

Quá tải người tị nạn ở biên giới Ukraine với Châu Âu

EU: 300.000 người tị nạn Ukraine sang các nước châu Âu

Vợ chồng Ryan Reynolds quyên góp triệu USD cho người tị nạn Ukraine

Làn sóng người Việt rời khỏi Ukraine bắt đầu từ ngày 28/2 và tới nay được cho là hầu hết những người muốn rời đều đã đi thoát, chỉ trừ tại hai thành phố phía nam nước này là Kherson, hiện đã bị Nga chiếm giữ, và Mariupol, đang trong tình trạng bị bao vây.

Đặc thù của cộng đồng người Việt tại Ukraine

BBC Tiếng Việt đã hỏi ông Nguyễn Hồng Thạch, Đại sứ Việt nam tại Ukraine, về tình hình sơ tán người Việt khỏi Ukraine kể từ khi cuộc chiến bùng nổ, ông cho biết cộng đồng người Việt tại Ukraine có đặc thù riêng:

"Cộng đồng người Việt tại Ukraine khác với người Việt tại các nước như Iraq hay Libya. Tại Iraq hay Libya, cộng đồng người Việt đa phần là những người đi lao động, thường không mang theo gia đình, không có cơ ngơi tài sản, nên khi chiến tranh xảy ra và doanh nghiệp không làm việc thì người ta cứ thế xách valy lên máy bay đi sơ tán.

"Nhưng người Việt ở Ukraine gắn bó với cuộc sống ở đây, mà nhiều người là mấy chục năm rồi. Họ có nhà cửa, có gia đình, có doanh nghiệp, cửa hàng, vì thế rất nhiều người Việt ở đây không muốn đi. Chính đặc thù này đã ảnh hưởng đến công việc sơ tán. Khi người dân chưa muốn đi thì cũng khó thuyết phục người ta đi ngay được," ông nói.

 
 

Tuy nhiên. ông cho biết sang ngày thứ hai của cuộc chiến, khi xảy ra vụ máy bay không người lái bị bắn rơi xuống khu dân cư và quân đội Nga tấn công Kyiv đã bắn tên lửa vào nhà dân, trúng nhà của một Việt kiều nhưng may không có ai ở nhà, và cả tòa nhà bị phá sập, thì Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ) thấy tới lúc cần phải sơ tán người Việt vì "trong chiến tranh, mũi tên hòn đạn, không biết thế nào mà lường".

Đại sứ Thạch cho biết hôm 26/2 đã liên lạc với Hội Việt kiều tại các thành phố, trước hết là ba thành phố lớn của Ukraine gồm Kyiv, Kharkiv và Odessa, tuy nhiên lúc đầu số người muốn rời đi không nhiều. Ông cũng cho biết, trước tin này ông đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo Hội người Việt tại Kyiv và kiên quyết hỏi xem khó khăn ở đâu thì cùng tháo gỡ.

"Người Ukraine đi bằng tàu thì người Việt cũng đi bằng tàu, nếu không có phương tiện đi ra ga được thì vai trò của cộng đồng là tổ chức giúp bà con đi ra ga, cần thiết thì phải tổ chức xe ô tô con thoi đưa bà con ra ga. Các lãnh đạo Hội người Việt sau đó đã thống nhất phải bắt đầu sơ tán, và huy động Hội người Việt tại địa phương thu xếp trợ giúp nhau trong cộng đồng.

"Nhờ vậy, ngày 28/2 đã bắt đầu những đợt sơ tán đầu tiên và chỉ hai, ba ngày sau Hội người Việt ở Kyiv cho biết 4/5 những người đăng ký đã đi sơ tán. Ở phía Odessa bà con đi theo đường sang Moldova.

"Còn ở Kharkiv, ban đầu khi bàn với Hội người Việt, Hội cho biết một số bà con không muốn đi về phía tây quá xa, quá vất vả, trong khi đi về phía Đông sang Nga gần hơn, nhưng chúng tôi thấy tình hình không thể đi về phía chiến tuyến trong khi họ đang đánh nhau như vậy. Vì thế Sứ quán đã kêu gọi bà con nên đi bằng tàu về phía tây sẽ nhanh hơn và an toàn hơn vì đi bằng xe hơi riêng lẻ có thể nguy hiểm, có nguy cơ trục trặc như hết xăng, và mất mấy ngày mới lên tới Lviv được," Đại sứ Việt Nam tại Ukraine nói.

Tại sao một số những người Việt quyết tâm ở lại

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho biết cho tới nay hơn 3.000 người cầm hộ chiếu Việt Nam đã sang được các nước châu Âu, tuy không thể đưa ra con số chính xác bao nhiêu người Việt (có hộ chiếu hay có thẻ định cư) tại Ukraine đã rời đi.

"Dựa trên cơ sở bà con vẫn giữ liên lạc với nhau, ai khó khăn cần giúp đỡ thì đã liên lạc nhờ giúp đỡ trong những ngày qua, nay không còn thấy ai cầu cứu các Hội người Việt nhờ giúp đỡ nữa, đồng thời kết hợp kiểm tra chéo qua các kênh khác, như mạng xã hội, v.v. thì chúng tôi tin rằng tới thời điểm này những người muốn rời đi thì đều đã đi được."

Theo Đại sứ Thạch, một số ít người Việt còn ở lại Ukraine bao gồm: những người Ukraine gốc Việt ở tuổi tổng động viên (từ 18-60 tuổi) do chính sách của chính phủ Ukraine không được rời khỏi thành phố; một số người Việt là chủ các doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh như tại Khu đô thị Làng Sen ở Odessa, hay Làng Thời đại ở Kharkiv, đã tự thu xếp cử một vài người ở lại trông nom tài sản tại đây; và một số người do hoàn cảnh đặc biệt như gia đình có bố mẹ già.

Nga mở hành lang nhân đạo sang Nga

Khi được hỏi về những người Việt còn kẹt lại tại Kherson, nơi Nga đang chiếm giữ và nay Nga nói sẽ mở hành lang nhân đạo để cho người Ukraine nào muốn di tản có thể sang Nga hoặc Belarus thì liệu người Việt tại Kherson có muốn sang Nga hay không và nếu muốn đi thì ĐSQ có thể giúp gì được, Đại sứ Thạch nói:

"Có hai điểm nóng tại Ukraine mà chúng tôi vẫn liên lạc là Kherson và Mariupol và biết là còn người Việt chưa sơ tán được. Tại Kherson, chúng tôi còn khoảng 80 người. Bà con vẫn an toàn, chiến sự đang tạm dừng nhưng bây giờ rút ra là rất khó.

"Chúng tôi đã cố gắng thu xếp để người Việt tại đây có thể đi theo đoàn của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu, OSCE. Họ có một phái bộ nhỏ ở Kherson và họ thu xếp rút đi. Nhưng nỗ lực đó của chúng tôi chưa thành công vì phía Nga đã không cho phép có thể đi theo đoàn của OSCE.

"Nga nói người dân ở Kherson có thể đi sang phía Nga nhưng cũng có tin nói rằng có lực lượng cực hữu của Ukraine cản trở việc này. Với thông tin như vậy bà con ở Kherson và ĐSQ chúng tôi cũng thấy chưa đảm bảo an toàn để bà con thoát ra khỏi Kherson và bà con cho rằng lúc này ở lại có lẽ tốt hơn".

Nhóm những cán bộ cuối cùng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine

Nhóm những cán bộ cuối cùng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine

Đại sứ Thạch cho biết tuy Kherson tạm yên tĩnh nhưng ĐSQ Việt Nam tại Ukraine cũng đã nghĩ tới khả năng nếu xảy ra chuyện Ukraine bắn đạn pháo tấn công để chiếm lại Kherson thì lúc đó có thể phải sơ tán người Việt khỏi đây, "ở phía nam Ukraine thì chắc chỉ có thể rút sang Nga, và khi đó có thể sẽ phải sử dụng hành lang nhân đạo, nếu Nga mở, để bà con sang Nga lánh nạn".

Khó lường trước điều gì trong chiến tranh

Về kế hoạch của Sứ quán và chính phủ Việt Nam nếu trong thời gian tới những người Việt còn ở lại lên tiếng nhờ trợ giúp khi cần, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nói:

"Thực sự là chiến tranh thì rất khó có thể lên kế hoạch gì trước. Khi chiến tranh nổ ra thì sẽ phải có những quyết định cụ thể để xử lý trong hoàn cảnh thực tế lúc đó.

"Như chúng tôi vừa nói, số người Việt trụ lại vì lý do này, lý do kia trên thực tế là còn rất ít. ĐSQ luôn luôn khuyến cáo bà con là nếu chọn ở lại thì cũng phải làm sao an toàn nhất có thể, như xuống hầm, tránh các khu quân sự.

"Sau đây không biết chiến tranh sẽ diễn tiến thế nào, nếu tình hình quá căng mà lúc này bà con muốn sơ tán thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng phối hợp ở mức cao nhất với phía Ukraine cũng như phía Nga để tìm cách sơ tán bà con, đặc biệt khi có hành lang an toàn nhưng phải bảo đảm từ cả hai phía để rút bà con rời đi," ông nói.

Trước quan ngại về việc Nga bị cấm vận trên nhiều lĩnh vực trong đó có hàng không, cho dù Nga mở hành lang nhân đạo cho người Việt di tản sang Nga thì có đường bay từ Nga về Việt Nam hay không, Đại sứ cho biết trong hai ngày 6 và 7/3, khoảng 20 người Việt đã sang tới Nga từ Ukraine và đã được ĐSQ trợ giúp có thể đi bằng đường hàng không về nước.

"Nga đang bị cấm vận hàng không, nhưng chúng tôi cho rằng trước mắt điều quan trọng là bà con ra khỏi được vùng chiến sự, còn khi ra khỏi vùng chiến sự rồi thì chúng tôi sẽ cố gắng trợ giúp bà con tốt nhất có thể," ông nói.

Tấm lòng người Việt với những người chạy nạn

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cũng cho biết một thuận lợi lớn trong việc sơ tán người Việt sang các nước châu Âu là cộng đồng người Việt ở tất cả các nơi đều rất tận tình giúp đỡ. Như cộng đồng người Việt tại Lviv, thành phố phía tây Ukraine gần biên giới Ba Lan, tuy là một cộng đồng nhỏ, nhưng đã giúp hết lòng. ĐSQ cũng cử một nhóm lên Lviv ngay từ ngày thứ 3-4 của cuộc chiến. Ở nhà ga luôn có người của ĐSQ hướng dẫn để mọi người có thể rời đi sang Ba Lan nhanh nhất.

 
 
Tính đến ngày 6/03 đã có 500 người VN từ Ukraine tá túc ở chùa Nhân Hòa, gần thủ đô Warsaw

Tính đến ngày 6/03 đã có 500 người VN từ Ukraine tá túc ở chùa Nhân Hòa, gần thủ đô Warsaw

"Ở Moldova mặc dù không có cán bộ, ĐSQ ở đây kiêm nhiệm cả Moldova, nhưng rất may mắn chúng tôi đã liên lạc với cộng đồng ở Moldova và họ đã rất nhiệt tình đón nhận và giúp bà con sang Romania như tổ chức mua vé, chỗ ăn chỗ ở để bà con có điều kiện tốt nhất khi đi sơ tán. Đó là nỗ lực rất lớn của cộng đồng tại đây. Ở các nước khác như Ba Lan chẳng hạn, ĐSQ tại Balan đã cùng Hội người Việt tổ chức đón tiếp và đưa bà con về các gia đình người Việt, giúp đỡ được nhiều người trong thời khắc khó khăn này," Đại sứ Thạch chia sẻ.

Khoảng 500 người Việt sẽ theo hai chuyến bay giải cứu về Việt Nam, chuyến đầu bay từ Romania hôm 7 tháng 3 và chuyến bay thứ hai dự kiến sẽ bay từ Balan vào ngày 9/3 tới đây. Hiện nhiều người Việt đã chạy sang các nước châu Âu lánh nạn nhưng chưa có ý định về Việt Nam ngay mà muốn chờ xem chiến sự diễn tiến ra sao với hy vọng đàm phán sẽ đạt được các thoả thuận để họ có thể sớm trở về nhà.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.