Hàng chục nghìn lượt người đi ngắm dã quỳ, cắm trại tại vườn quốc gia Ba Vì, các khu nghỉ dưỡng, du thuyền gần Hà Nội... kín phòng.
Chị Hương Giang (quận Hà Đông, Hà Nội) cùng gia đình tới vườn quốc gia Ba Vì, huyện Ba Vì cắm trại và ngắm mùa hoa dã quỳ, ngày 28/11. Khoảng 10h khi nhà chị gần tới nơi, đường lên vườn quốc gia tắc, lưu lượng xe lớn, di chuyển chậm vì nhiều xe dừng bên đường ngắm và chụp ảnh hoa. Lực lượng điều phối giao thông phải có mặt để yêu cầu các phương tiện di chuyển.
Cắm trại tại cốt 400 vào buổi trưa, chị Giang chia sẻ ở đây có cả "biển người" và nhiều lều trại mở nhạc tiếng lớn, nên gia đình khó trải nghiệm không khí và nghỉ ngơi thực sự. Các lều đều chủ động giãn cách nhau ít nhất 5 m, tuy nhiên nhiều người không đeo khẩu trang. Khoảng 13-14h, rất nhiều người dỡ trại để ra về nên không còn quá đông đúc, song để lại rất nhiều rác.
Đưa hai đoàn khách gần 40 người lên cắm trại ở vườn quốc gia Ba Vì trước đó một ngày, anh Nguyễn Duy cho biết cũng gặp tình trạng tương tự khi buổi trưa ở đây rất đông người và khó dừng xe để chụp ảnh hoa dã quỳ. Nhóm khách của anh Duy cắm trại tại cốt 400 qua đêm, sáng hôm sau phải đi chụp ảnh hoa từ sớm để "né" người.
Anh Duy chia sẻ, hoa dã quỳ ở vườn quốc gia đang nở rộ và đẹp, trải dài hàng km từ cổng lên cao. Từ đầu tháng 11, hơn 10 đoàn khách đã đặt dịch vụ lều trại, đồ ăn để tới đây cắm trại. Họ chủ yếu đi vào cuối tuần, vì trong tuần phải đi làm. Anh chia sẻ, đi cắm trại cuối tuần không thể tránh khỏi tình trạng đông đúc, song nhiều người không muốn bỏ lỡ mùa hoa nên vẫn quyết định tới đây. Đến buổi chiều, tối những trại còn lại rất ít, nên nhóm có không gian để tổ chức tiệc nướng, quây quần tận hưởng không khí.
Đại diện Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Vườn quốc gia Ba Vì cho biết từ đầu tháng 11, vườn đã đón hơn 25.000 lượt khách, tập trung chủ yếu vào cuối tuần. Mùa hoa dã quỳ năm nay, khách tới đây đông, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (65.000 lượt khách) và năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19 (80.000 lượt khách). Tuy nhiên do đường lên nhỏ chỉ đủ 2 làn xe nên khi tập trung đông khách sẽ có hiện tượng ùn ứ.
Ban lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì đã huy động lực lượng điều phối giao thông, hướng dẫn, tuần tra và nhắc nhở du khách thực hiện các quy định an toàn khi tham quan, dã ngoại. Du khách tới đây phải khai báo y tế, giữ khoảng cách giữa các đoàn. Khách ngoại tỉnh cần có kết quả âm tính nCoV theo phương pháp test nhanh.
Không chỉ Ba Vì, các điểm cắm trại gần Hà Nội, các khu nghỉ dưỡng biệt lập tại Sóc Sơn, Hòa Bình, du thuyền vịnh Hạ Long... cũng ghi nhận tình trạng kín phòng cuối tuần. Đa phần khách đến từ Hà Nội.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, cho biết ngay sau khi Quảng Ninh cho phép đón khách vùng vàng, nhiều người Hà Nội đã đặt dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan trên du thuyền. Ngày 28/11, đoàn khách quốc tế tại Việt Nam gồm 30 người đã trải nghiệm du thuyền Emperor Legacy Hạ Long. Ngày 4/12 du thuyền đã gần kín khách.
Khu nghỉ dưỡng Avana Retreat (Hòa Bình) đã kín phòng các ngày cuối tuần tới hết tháng 12 và Tết Dương lịch. Những ngày chủ nhật và thứ hai cũng gần kín chỗ. Theo đại diện của khu nghỉ dưỡng, nhiều người không thể đặt được chỗ cho cuối tuần đã chấp nhận đi nghỉ trong tuần, nên các ngày thường của tháng 12 cũng đang dần được lấp đầy.
Anh Nguyễn Đức Việt, CEO Công ty Du lịch WE Travel, chuyên về đặt phòng nghỉ dưỡng, combo du lịch, cho biết các khu nghỉ nổi tiếng khác gần Hà Nội như Serena Resort Kim Bôi, Mai Chau Ecolodge, Bakhan Resort Mai Chau ở Hòa Bình và Melia Ba Vì (Ba Vì), Tomodachi Làng Mít (Sơn Tây) ở Hà Nội cũng luôn kín phòng cuối tuần từ khi Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội, cuối tháng 9. Hiện tại các đại lý có quỹ phòng sẵn cũng chỉ còn rất ít.
Theo đánh giá của anh Việt, đây là xu hướng du lịch đã được dự báo trước. Sau một thời gian dài không thể đi lại do Covid-19, du khách Hà Nội đang bị "nén" nhu cầu du lịch. Vì vậy khi thành phố mở lại, họ ưu tiên những chuyến đi ngắn ngày, chủ yếu vào cuối tuần cùng người thân, bạn bè tới những nơi biệt lập, riêng tư và nghỉ dưỡng đẹp.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment