Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho biết vẫn tiếp tục mở bán và nhận khách đăng ký đến cận ngày khởi hành.
Thị trường du lịch Việt có dấu hiệu ‘ấm’ dần lên trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần và năm mới sau hai năm khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Không khí sôi động đã bắt đầu trở lại với những điểm đến "hot" trên khắp cả nước.
Không chỉ bởi thời gian nghỉ Tết kéo dài tới chín ngày, độ phủ vaccine rộng khiến nhiều người tin tưởng cho việc du lịch chào năm mới mà còn do chủ trương mở cửa du lịch quốc tế giai đoạn mới của Chính phủ.
Du lịch nội địa sôi động dịp Tết, nhiều điểm ‘hot’ đã kín chỗ
Theo đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, đến nay, công ty đã có hơn 6.800 khách đặt sản phẩm, dịch vụ du lịch khởi hành bằng đường bay, đường bộ, đường bộ liên tuyến, combo dịch vụ, phòng khách sạn… Dự kiến trong quý 1 và 2/2022, đơn vị này tiếp tục phục vụ hơn 150 đoàn khách MICE (du lịch kết hợp sự kiện), trong đó có đoàn khách kỷ lục 2.200 người đi Long Hải. Trong đó, khách tập trung chọn hành trình tour Phú Quốc, Đà Lạt, khởi hành vào mùng 2 Tết.
Hay như tại Vietravel, công ty vừa mở thêm hành trình mới với lịch trình tour 3 ngày, bay cùng Vietravel Airlines, khởi hành vào mùng 3 Tết, giá từ 6,59 triệu đồng/khách.
Ngoài các tour du lịch, nghỉ dưỡng, nhiều công ty du lịch còn tập trung mở bán tour đến những điểm du lịch tâm linh để đáp ứng nhu cầu hành hương của du khách những ngày sau Tết. Vietravel bán một số đường tour hành hương khám phá Vũng Tàu, chinh phục núi Chứa Chan (Đồng Nai) hay tham quan, trải nghiệm Làng hoa Tân Quy Đông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ…
Với Công ty TSTtourist, lượng khách đặt tour đã đạt trên 80% kế hoạch, dù tăng nhưng chưa có dấu hiệu đột phá. Đại diện TSTtourist cho biết dịp Tết năm nay, lượng khách lẻ tăng khá mạnh ở hầu hết điểm tham quan, một số nơi đã có hiện tượng "cháy" phòng. Phú Quốc và Đà Lạt là hai nơi có số lượng khách tập trung rất lớn.
Theo đại diện các hãng du lịch, cơ bản mùa du lịch Tết năm nay tuy không tưng bừng như thời điểm trước dịch COVID-19 nhưng du lịch nội địa đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Các điểm đến hút khách nhất phía Nam là Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây; ở phía Bắc là các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang…
Hiện nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp tại thị xã Sapa, Phú Quốc, Đà Lạt, Hà Nội… cũng đã kín phòng hơn 90% trong những ngày Tết. Hầu hết các đơn vị du lịch ở các địa phương là "điểm nóng" du lịch đã hoạt động trở lại và duy trì đón khách xuyên Tết.
Từ những ngày đầu tháng 1/2022, thành phố Đà Lạt luôn đông nghịt du khách. Nhiều cơ sở lưu trú ở Đà Lạt đạt công suất phòng khoảng 70%; khách sạn 2 sao, biệt thự du lịch, nhà ở nguyên căn đạt công suất 90%; khách sạn từ 3-5 sao đạt hơn 90%.
Xu hướng du lịch "riêng tư", đặt an toàn lên trên
Bên cạnh việc lựa chọn du lịch trong nước hay địa phương nơi mình sinh sống, xu hướng du lịch của người dân cũng có nhiều sự thay đổi. Có đến 60% khách chọn mua các dịch vụ riêng lẻ, chủ yếu là vé máy bay, đặt phòng khách sạn hoặc dịch vụ ăn uống. 40% là nhóm khách đi tour trọn gói sẵn sàng chi trả những dịch vụ cao cấp, đề cao tính an toàn.
Nếu như năm ngoái, chùm tour Tết nhộn nhịp với nhóm khách gia đình, bạn bè gồm nhiều gia đình, người quen với quy mô nhóm từ 15 - 20 người thì năm nay, các tour Tết phổ biến nhóm dưới 10 người để đảm bảo tính an toàn, riêng tư.
Khách du lịch thích quy mô nhỏ nên nhiều nhà điều hành cần phải chu đáo và kỹ lưỡng hơn nhưng an toàn cho du khách lẫn doanh nghiệp. Ví dụ một nhóm gia đình có bao gồm trẻ con thì thường yêu cầu phương tiện di chuyển, địa điểm ăn uống cần có sự riêng tư, an toàn. Những vấn đề này, người hướng dẫn viên phải nắm chắc và sắp xếp trước.
Giá tour không phải là mối quan tâm hàng đầu của khách năm nay. Thậm chí trên thị trường còn xuất hiện sản phẩm "siêu VIP" là tour trực thăng cá nhân, chở khách đến khu nghỉ dưỡng, không tiếp xúc bên ngoài. Tour có giá hơn 100 triệu đồng/người, độ dài 3 ngày 2 đêm cho tuyến TP.HCM - Nha Trang.
"Với tâm lý này, hầu hết cơ sở lưu trú, công ty du lịch không chọn giảm giá để hút khách mà tập trung tăng quyền lợi cho khách như mua tour tặng dịch vụ spa, tặng voucher ăn trưa, hỗ trợ chi phí đưa rước, quà tặng hoặc nhân điểm tích lũy...", đại diện Vietravel cho hay.
Ngoài ra, du lịch trong mùa dịch có thể phát sinh những vấn đề không mong muốn như gần ngày khởi hành, kế hoạch buộc phải thay đổi vì điểm đến có diễn biến dịch bất thường, hoặc bản thân khách đột ngột trở thành F1, F0 phải điều trị, cách ly…
Để bảo đảm quyền lợi cho khách, một số hãng lữ hành cũng đã xây dựng các phương án linh hoạt như đổi điểm tham quan, lưu trú khác, hay bảo lưu chi phí tour, dịch vụ để du khách có thể tham gia khi thuận lợi hoặc quy đổi tour khác ở thời điểm thích hợp.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment