Từ ngày sinh ra Minh Khoa, nước mắt của chị Hà cứ chảy hoài không dứt, thương đứa con đứt ruột đẻ ra phải “gánh” quá nhiều khổ nạn. Người mẹ nghèo ấy từng nhiều lần khấn nguyện, xin được nhường lại sinh mệnh để con trai được sống.

 

13 năm nuôi con câm điếc, mắc bệnh hiểm nghèo

Phan Minh Khoa là đứa trẻ bất hạnh. Ngay từ lúc mới lọt lòng, đôi mắt bị tật khiến con phải đi “thăm” rất nhiều bệnh viện, từ Phú Yên đến TP.HCM. Bác sĩ nói chẳng có cách nào chữa trị, chỉ có thể chờ vận may của con. Bởi cũng bị như con, có đứa trẻ lớn lên mắt sẽ sáng lại, nhưng cũng có người lại chìm dần trong bóng tối. Gia đình chị Hà đành phải chấp nhận chờ đợi may rủi.

Thế nhưng, người mẹ trẻ khi ấy càng đau lòng phát hiện, tai con không phản ứng với âm thanh. Khi Khoa được 4 tháng tuổi, vợ chồng chị tiếp tục bồng con vào TP.HCM để khám nhưng cũng vô vọng. Khoa đã bị điếc sâu, biện pháp điều trị duy nhất là mổ cấy ốc tai, chi phí dự kiến khoảng 700 triệu đồng. Chẳng có cách nào lo được khoản tiền khổng lồ, vợ chồng chị Hà đành phải bỏ cuộc.

Số phận bất hạnh của bé trai 13 năm câm điếc, suy thận, nay lại mắc Covid-19

Minh Khoa phải chạy thận nhân tạo hơn 2 năm nay. Cơ thể bứt rứt, mệt mỏi, nhưng đứa trẻ câm điếc chẳng thể tỏ bày.

"May mắn chưa một lần mỉm cười với con. Đôi mắt phải nhìn sát con mới thấy, bị điếc bẩm sinh nên con cũng không nói được. Ngoài ra, con bị bại não nhẹ, hơn 2 tuổi mới bắt đầu tập đi”, chị Hà xót xa.

Với hi vọng có thể giúp con trai tự lập trong cuộc sống sau nay, chị Hà xin cho con vào học ở trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Bởi Khoa yếu ớt, giáo viên chẳng dám để con ngồi một mình vì sợ bị ngã, thành ra, cả hai mẹ con cùng đi học. Đáng tiếc chẳng được bao lâu, số mệnh tiếp tục bắt con chìm trong bệnh tật.

Cách đây hơn 2 năm, sau những lần đi khám vì cơ thể xanh xao, bác sĩ chẩn đoán con bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Người mẹ hơn 10 năm ròng rã chẳng rời con nửa bước lúc này như hóa điên dại.

“Đau đớn không có gì tả nổi cô ạ. Mọi hi vọng của chúng tôi đều bị dập tắt hết. Hơn 10 năm công sức của vợ chồng tôi đều dành hết cho con. Bác sĩ nói biện pháp tối ưu nhất là ghép thận, nhưng chúng tôi lấy đâu ra mấy trăm triệu để mà ghép”, người mẹ nấc nghẹn.

Sau cùng, chị phải đưa con rời Phú Yên vào thành phố mướn trọ để đi chạy thận định kỳ.

Số phận bất hạnh của bé trai 13 năm câm điếc, suy thận, nay lại mắc Covid-19
Minh Khoa đang phải cách ly vì nhiễm Covid-19. 

Mắc phải Covid-19, mẹ khó thở cũng chẳng nỡ xa đứa con câm điếc

Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở thành phố, chị Hà vô cùng lo lắng bởi con trai đang mắc phải bệnh nền nguy hiểm. Chị cẩn thận chăm sóc và tỉ mỉ vấn đề vệ sinh để bảo vệ con, nhưng vẫn không hiểu vì sao 2 mẹ con đều bị lây nhiễm.

Ngày 13/9, cầm tấm phiếu yêu cầu làm xét nghiệm PCR, bởi đã dương tính với SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm nhanh, chị Hà điếng người. Kết quả sau đó cũng chẳng khả quan hơn. Hai mẹ con chị được nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị.

Có thời điểm chị Hà bị khó thở, người thân ở quê khuyên chị nên xin chuyển sang bệnh viện người lớn cho yên tâm. Nhưng nhìn sang con trai đang lo lắng, người mẹ lại chẳng đành lòng.

Số phận bất hạnh của bé trai 13 năm câm điếc, suy thận, nay lại mắc Covid-19

Chị Hà đã bên con ròng rã 13 năm. Ngay cả khi nhiễm bệnh, sức khỏe cạn kiệt, chị cũng quyết chẳng rời đứa con tội nghiệp

Suốt 13 năm, chị Hà gắn bó bên con trai. Chồng chị đi làm để kiếm tiền lo cho con. Bởi vậy, cũng chỉ có một mình chị hiểu được ngôn ngữ, tâm lý và tính cách của cậu bé. Hơn 2 năm Khoa chạy thận tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chị là phiên dịch của con và bác sĩ. Giờ đây, con của chị cũng đang phải cách ly, chị càng không dám bỏ lại đứa trẻ.

“Ngay cả ba bé cũng không hiểu con. Hơn nữa, Phú Yên dịch cũng nặng, ba bé chẳng thể đi đâu được. Vì vậy, tôi tự nhủ phải cố gắng để vượt qua. Đến nay, tôi đã âm tính rồi, còn bé Khoa thì vẫn còn dương tính”, chị Hà chia sẻ.

Bệnh tật triền miên của con trai đã đẩy gia đình chị vào cảnh nợ nần chồng chất. Mỗi tháng, chỉ riêng tiền nhà trọ, mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế và sinh hoạt đã gần 10 triệu đồng. Từ khi dịch bệnh bùng phát, mỗi lần đưa con đi chạy thận, mẹ con chị còn phải tốn thêm tiền xét nghiệm Covid-19.

Ở quê, chồng chị đã nghỉ việc hơn 4 tháng nay vì Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội. Không thể tiêp tục vay mượn được ai, gia đình khốn khổ ấy đã lâm vào cảnh đường cùng.

Theo Vietnamnet


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.