Cộng đồng người Tây Tạng trên khắp thế giới sẽ kỷ niệm 30 năm ngày Ban Thiền Lạt Ma biến mất vào ngày 17/5 này.

Bức ảnh duy nhất có sẵn của Gedhun Choekyi Nyima, "sự tái sinh" của nhà lãnh đạo quan trọng thứ hai của Phật giáo Tây Tạng
Vào ngày 14/5/1995, Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng đang sống lưu vong, đã công nhận một cậu bé sáu tuổi tên Gedhun Choekyi Nyima là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật quan trọng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng.
Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 đã biến mất ba ngày sau đó và kể từ đó không có tin tức độc lập nào về nơi ở hay số phận của người này.
Chính quyền Trung Quốc thừa nhận họ biết Nyima ở đâu, nhưng cung cấp rất ít thông tin về người Tây Tạng này - người mà hiện tại đã 36 tuổi.
BBC đã liên hệ với chính phủ Trung Quốc nhằm làm rõ tình trạng hiện tại của Ban Thiền Lạt Ma - nhân vật bị mất tích và gây nhiều tranh cãi suốt gần ba thập kỷ.
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết:
"Người được đề cập chỉ là một công dân Trung Quốc bình thường đang sống một cuộc sống bình thường. Bản thân người đó và gia đình đều không mong muốn bị dư luận chú ý một cách không cần thiết", đồng thời kêu gọi BBC "xem xét lại việc tiếp tục theo đuổi câu chuyện này."
Tuy nhiên, vào năm 2020, họ đưa ra một tuyên bố rằng Nyima đã tốt nghiệp đại học, đang làm việc và rằng anh cùng gia đình không muốn ai làm phiền cuộc sống bình thường hiện nay.
Tây Tạng, một vùng đất xa xôi nơi đa số người dân theo đạo Phật, được Trung Quốc quản lý như một khu tự trị. Tuy nhiên, Trung Quốc bị cáo buộc là đàn áp tự do văn hóa và tôn giáo ở nơi đây.
Các tổ chức nhân quyền đã gọi Nyima là "tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất thế giới" và kiên trì ủng hộ những lời kêu gọi từ người Tây Tạng về việc trả tự do cho người này.
Ban Thiền Lạt Ma biến mất khi nào?

Tu viện Tashilhunpo hiện do một Ban Thiền Lạt Ma khác - được chính quyền Trung Quốc bổ nhiệm - đứng đầu
Phật tử Tây Tạng tin vào sự tái sinh và rằng những người đạt được cảnh giới tâm linh cao có thể quyết định thời điểm và nơi họ tái sinh.
Sau khi Ban Thiền Lạt Ma thứ mười qua đời một cách đáng ngờ vào ngày 28/1/1989 (một số người tin rằng ông bị đầu độc), các nỗ lực tìm kiếm hóa thân của ông bắt đầu.
Một phái đoàn tìm kiếm do một vị cao tăng dẫn đầu đã xác định một bé trai sinh ngày 25/4/1989, có cha là Kunchok Phuntsog và mẹ là Dechen Chodon ở huyện Lhari, tỉnh Nagchu, Tây Tạng, chính là hiện thân của tái sinh này.
Một tài liệu chi tiết do Tổ chức Các dân tộc bị đe dọa - một tổ chức phi chính phủ chuyên tư vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - đệ trình đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã bắt cóc toàn bộ gia đình cậu bé và giam giữ vị sư trụ trì dẫn đầu cuộc tìm kiếm.
Chính phủ Tây Tạng lưu vong mô tả sự biến mất của Nyima là một trong những "ví dụ rõ ràng nhất về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc".
"Kể từ đó, nơi ở và tình trạng của ngài vẫn không ai biết đến, bị che giấu sau bức màn bí mật của nhà nước. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Trung Quốc tiết lộ nơi ở của Đức Ban Thiền Lạt Ma và đảm bảo sự an toàn của ngài," Tenzin Lekshay, người phát ngôn của Chính quyền Trung ương Tây Tạng, nói với BBC.
Không quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ Tây Tạng lưu vong.
'Ban Thiền giả'

Ban Thiền Lạt Ma do Trung Quốc bổ nhiệm tham dự các sự kiện chính thức như Đại hội Đảng Cộng sản năm 2018, nhưng bị nhiều người Tây Tạng coi thường
Trung Quốc đã từ chối công nhận Ban Thiền Lạt Ma do Đạt Lai Lạt Ma chỉ định và sau đó tự chọn ra ứng cử viên của mình, Gyaltsen Norbu, làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 vào năm 1995.
Mặc dù ông này tham dự các hội nghị của Đảng Cộng sản và các sự kiện chính thức, nhưng lại thiếu sự ủng hộ của người dân và thường bị người Tây Tạng lưu vong gọi là "Ban Thiền giả".
Nyima đáng lẽ đã nhận được sự công nhận lớn hơn ở Tây Tạng nhưng hình ảnh của Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma lại bị cấm lưu hành.
Dù sao đi nữa, chỉ có một bức ảnh được lưu truyền về cậu bé đã bị "nhà chức trách bắt đi".
Vì sao Ban Thiền Lạt Ma quan trọng với Tây Tạng?

Đạt Lai Lạt Ma sẽ tròn 90 tuổi vào tháng Bảy năm nay
Trong Phật giáo Tây Tạng, Ban Thiền Lạt Ma chỉ đứng sau Đạt Lai Lạt Ma, người đã rời bỏ Tây Tạng vào năm 1959 và trở thành biểu tượng của sự phản kháng đối với sự kiểm soát của Trung Quốc trong khu vực. Năm nay, ông sẽ tròn 90 tuổi vào ngày 6/7.
Việc làm sáng tỏ số phận của cậu bé mất tích càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi vì Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma có vai trò công nhận sự tái sinh của nhau.
"Chính phủ Trung Quốc đã bắt cóc một cậu bé 6 tuổi cùng gia đình và khiến họ biến mất trong suốt 30 năm để kiểm soát việc lựa chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp, qua đó kiểm soát chính Phật giáo Tây Tạng," Yalkun Uluyol, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, bình luận.
"Các bên liên quan nên gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc để chấm dứt sự tàn nhẫn này và đảm bảo tự do cho Gedhun Choki Nyima cùng gia đình ông."
Trung Quốc nói gì về Ban Thiền Lạt Ma?
Ngay sau khi Nyima biến mất, Trung Quốc nói với nhóm công tác của Liên Hợp Quốc rằng "chưa bao giờ có trường hợp gia đình của một đứa trẻ tái sinh bị mất tích và bắt cóc".
Năm sau, Trung Quốc lại tuyên bố rằng một vài "kẻ xấu" đã cố gắng đưa cậu bé ra nước ngoài trái phép, và vì vậy cha mẹ cậu bé đã yêu cầu được bảo vệ và họ đang cung cấp sự bảo vệ đó.
Bất chấp những biện pháp an ninh này, Bắc Kinh nói rằng Nyima và gia đình đang sống cuộc sống bình thường và không muốn ai làm phiền họ - diễn ngôn mà Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần kể từ đó.
Vào năm 1998, họ nói với nhóm công tác của Liên Hợp Quốc rằng mẹ của Ban Thiền Lạt Ma đang thụ án tù mà không rõ vì tội gì và bà bị giam giữ bao lâu.
Năm 2000, Robin Cook, khi đó là Ngoại trưởng Anh, cho hay Trung Quốc đã cho các quan chức Anh xem hai bức ảnh của một cậu bé mà họ nói là Ban Thiền Lạt Ma mất tích. Người Anh được phép xem ảnh nhưng không được giữ lại.

Một hình ảnh do một nghệ sĩ pháp y tạo ra nhằm minh họa Ban Thiền Lạt Ma mất tích trông như thế nào ở tuổi 30
Liệu có hy vọng tìm thấy ông?
Các nhà hoạt động Tây Tạng đã tạo ra hình ảnh về diện mạo của Ban Thiền Lạt Ma khi 30 tuổi với sự giúp đỡ của nghệ sĩ pháp y người Anh Tim Widden.
Nhưng vẫn chưa có tiến triển nào trong việc tìm kiếm cậu bé mũm mĩm, má đỏ trong bức ảnh nổi tiếng.
Đối với nhiều người Tây Tạng, sự bất ổn về số phận của Ban Thiền Lạt Ma là một trải nghiệm đau đớn. Cộng đồng người Tây Tạng ở Ấn Độ và châu Âu tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình công khai kêu gọi trả tự do cho ông.
"Thật đau lòng khi chỉ nghĩ đến việc ngài bị giam cầm suốt 30 năm. Chúng tôi cầu nguyện và vận động cho việc trả tự do ngay lập tức cho ngài mỗi ngày. Đối với người dân Tây Tạng, ngài không chỉ là một nhà lãnh đạo tinh thần mà còn là niềm hy vọng về một Tây Tạng có tương lai," nhà văn và nhà hoạt động người Tây Tạng Tenzin Tsundue, sống ở Ấn Độ, nói với BBC.
"Tôi tin rằng ngài còn sống và hy vọng sẽ được gặp lại ngài," ông nói thêm rằng mình tin Trung Quốc sẽ sử dụng ngài để kiểm soát câu chuyện về sự tái sinh tiếp theo của Đạt Lai Lạt Ma.
Chính phủ Tây Tạng lưu vong nói rằng sự vắng mặt của Ban Thiền Lạt Ma là một mất mát sâu sắc.
"Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ngôn ngữ, tôn giáo và di sản văn hóa Tây Tạng dưới sự cai trị của Trung Quốc," ông Tenzin Lekshay nói tiếp.
"Tây Tạng ngày nay đang thiếu hụt tiếng nói và tầm nhìn của ngài."
Bài viết này có một đoạn trích từ bài viết năm 2020 của Michael Bristow trên BBC News.
Theo BBC
Comments powered by CComment