Chắc ai cũng đồng ý rằng tiếng Việt mà chúng ta đang dùng từ 50 năm nay có thể được gọi là Tiếng Việt Hải Ngoại. Nhiều người còn gọi tiếng Việt Hải Ngoại là “tiếng Việt trước 1975.

Năm mươi năm, nửa thế kỷ ròng rã, đã trôi qua như một cái chớp mắt, kể từ ngày những người Việt đầu tiên trốn chạy ra khỏi phần đất tự do ở miền Nam Việt Nam khi quân Bắc Cộng tiến vào thủ đô Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư, 1975. Trong cơn hoảng loạn, ai cũng chỉ kịp mang theo một ít đồ dùng cá nhân, tư trang và giấy tờ tùy thân. Nhưng hành trang thật sự của những lưu dân đó chính là hồn quê hương, đong đầy yêu thương, kỷ niệm và bao nhiêu tiếc nhớ. Trong hành trang đó còn là bát ngát một trời văn hóa dân tộc và ngôn ngữ mẹ, “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi,” như nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong bài “Tình Ca” bất hủ.
Khắp thế giới không thiếu gì những cộng đồng lưu vong, dù sống tha hương vẫn gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa. Tuy vậy, đa số những người trong các cộng đồng đó vẫn thường xuyên đi về cố quốc, tiếp xúc và sinh hoạt với người dân trong nước. Vì thế, ngôn ngữ mẹ đẻ của họ và ngôn ngữ trong nước của họ không khác nhau là mấy.
Trong trường hợp của người Việt lưu vong hải ngoại, hoàn cảnh đặc biệt đã đưa đến việc hình thành một thứ tiếng Việt của những người Việt tị nạn với nhiều đặc điểm không tìm thấy ở tiếng Việt trong nước, do sự cách biệt về địa lý, xã hội, chính trị, kinh tế, tâm lý, v.v. giữa hai “loại” tiếng Việt trong và ngoài nước.
Nếu phân tích kỹ, thật ra vào thời điểm Cộng quân đánh chiếm miền Nam, có đến hai loại “tiếng Việt trước 1975!” Loại thứ nhất là tiếng Việt sử dụng ở miền Bắc sau 1954, ở cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,” khỏi cần phải nói thứ tiếng Việt này ra làm sao thì ai cũng biết.
Loại thứ hai là tiếng Việt nói khắp miền Nam tự do mà thời điểm sau cùng là thuộc về nước Việt Nam Cộng Hòa. Nói cho cùng, đây mới là thứ tiếng Việt “truyền thống,” bắt nguồn từ ngàn năm trước, trải qua bao phen vật đổi sao dời, từ thời Lạc Việt ở miền Bắc, về sau Nam tiến, chinh phục Chiêm Thành ở miền Trung, rồi cuối cùng lan đến vùng Thủy Chân Lạp ở miền Nam, từ ngàn năm Bắc thuộc qua đến thời thực dân Pháp, cho đến thể chế cộng hòa nhân vị.
Dân ta đi đến đâu mang theo tiếng Việt đến đó. Tiếng Việt dần dà mang nhiều màu sắc địa phương, phân ra thành các giọng miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Ngoại trừ “tiếng Việt trước 1975” ở miền Bắc bị chính trị hóa, quân sự hóa và Hán hóa, tiếng Việt ở phần còn lại của đất nước là một tiếp nối tự nhiên của tiếng Việt truyền thống, đậm đà tính dân tộc, văn minh và nhân bản, kéo dài cho đến ngày 30 Tháng Tư 1975.
Tiếng Việt này theo chân đoàn lưu dân là chúng ta đến bến bờ tự do, ở Mỹ, Pháp, Úc, Nhật, Đức, Bỉ, Anh và nhiều quốc gia khác, gần như khắp năm châu bốn bể; chẳng khác nào tiếng Ladino và tiếng Pháp Québecois vậy. Nếu chúng ta ra đi, mang theo chính nghĩa quốc gia, nặng lòng với tiền đồ dân tộc và tinh thần ái quốc, yêu chuộng tự do, chúng ta cũng có thể gọi ngôn ngữ chúng ta đang nói là tiếng Việt Nam Cộng Hòa.
Ngôn ngữ nào cũng vậy, cũng theo luật tự nhiên của trời đất. Chữ nghĩa, cách nói được sinh ra, tồn tại, có khi bị đào thải, rồi lắm lúc lại được tái sinh. Con người tiến hóa, và ngôn ngữ cũng tiến hóa. Không có ngôn ngữ nào giậm chân tại chỗ cả.
“Tiếng Việt trước 1975” mà chúng ta đang dùng ở hải ngoại tất nhiên là một di sản vô cùng quý báu. Chúng ta giữ gìn nó và dựa vào nó để tiếp tục phát triển, trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp. Nói cách khác, tiếng Việt Hải Ngoại chính là tiếng Việt trước 1975 của miền Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hóa.
Ngẫm lại, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều từ ngữ hay thành ngữ trong “tiếng Việt trước 1975 ở miền Nam” ngày nay đã không còn được dùng nữa, vì nhiều nguyên nhân khác nhau về xã hội, chính trị, kinh tế, khoa học, v.v. Những chữ như “ấp chiến lược,” “chiêu hồi,” “hồi chánh,” “cần lao,” “nằm vùng,” “tản cư”… nay chỉ còn vai trò lịch sử chứ không còn dùng khi nói hay viết ở hải ngoại nữa, trừ phi đó là một bài nghiên cứu về lịch sử. Những thành ngữ có tính chất tiếng lóng quen thuộc ngày xưa như “Sức mấy!,” “Cù lần” hay “Bỏ đi Tám!” chỉ còn trong ký ức, trong những trang sách cũ hay những cuốn phim xưa.
Ngược lại, không thiếu gì từ ngữ của tiếng Việt truyền thống vẫn “anh dũng” đối lại với những chữ ngoại nhập về sau này vì mối quan hệ “môi hở răng lạnh” giữa chính quyền Cộng Sản với Bắc triều (nhiều chữ đã len lỏi từ trong nước tràn ra hải ngoại!), như “hộ chiếu” (thay vì “thông hành”), “đại sứ quán” (thay vì “tòa đại sứ”), “xuất khẩu” (thay vì “xuất cảng”), “công nghệ” (thay vì “kỹ thuật”), “cơ trưởng” (thay vì “phi công”), “tư vấn” (thay vì “cố vấn”), “tư liệu” (thay vì “tài liệu”), vân vân và vân vân. Nhiều chữ từ trong nước qua đây, nằm quá “sâu” trong đầu của chúng ta, đến nỗi nhiều người như bị tung hỏa mù, không biết chữ nào là chữ “phe ta” và chữ nào là của “không phải phe ta” nữa!
Trong các chữ đi từng cặp kể trên, đành rằng chữ nào cũng là do gốc Hán mà ra, nhưng cần phân biệt đâu là “Hán cũ,” đâu là “Hán mới.” Chúng ta đã bị bốn lần Bắc thuộc, phải du nhập không biết bao nhiêu là chữ Tàu trong tiếng Việt, và chúng ta không muốn bị Bắc thuộc lần thứ năm nữa.

Gia dĩ, người Việt rất sáng tạo trong việc mượn chữ Tàu. Lấy ví dụ, chữ 市 trong tiếng Hán (đọc theo phiên âm IPA là [šɨ4]), chúng ta đọc và viết là “thị” (người Tàu nghe cũng khó lòng nhận ra). Chưa hết, đó chỉ là giai đoạn “Việt hóa lần thứ nhất.” Chúng ta còn Việt hóa chữ “thị” thêm một lần nữa, biến nó thành chữ “chợ,” lần này thì chắc quý vị ở bên Tàu nhất định phải chào thua!
Ngôn ngữ nào cũng “mượn” chữ từ nhiều ngôn ngữ khác (mượn mà không bao giờ trả lại!). Từ ngữ vay mượn là do nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đối với tiếng Việt, chúng ta lấy chữ của người Tàu, người Tây là vì họ đến xâm chiếm nước ta, lấy đi của cải, tự do, và cả phẩm giá của chúng ta, thì việc chúng ta có “lấy lại” một số chữ nghĩa của họ cũng là điều công bằng, nếu không muốn nói là cũng chưa đủ để “rửa hận.”
Trong tiếng Anh cũng vậy, thiếu gì chữ gốc La Tinh (quid pro quo, semper fi, per diem…), Hy Lạp (phobia, nemisis, mnemonics…) hay tiếng Pháp (déjà vu, RSVP, fiancé…). Từ ngữ vay mượn (“loan words” hay “borrowings”) là một hiện tượng rất thông thường trong ngôn ngữ, góp phần làm giàu một bản ngữ, miễn là đừng làm thái quá mà thôi.
Trong trường hợp tiếng Việt, chúng ta không cần mượn thêm chữ Tàu chữ Tây gì nữa, cả ngàn năm nô lệ, cả trăm năm đô hộ cũng quá đủ rồi. Ngày nay, nếu có phải mượn một số chữ mới từ tiếng Anh thì cũng y như bao nhiêu thứ tiếng khác trên thế giới mà thôi, vì tiếng Anh dù muốn dù không cũng là thứ tiếng đã toàn cầu hóa.
Riêng về tiếng Việt Hải Ngoại thì sao? Khi bài này đang được viết ra, tiếng Việt đang tiến gần đến lúc mừng sinh nhật lần thứ 50. Kể ra thì “tuổi đời” của nó cũng đã khá cao, nhưng thật tình chẳng thấm vào đâu so với tiếng Ladino hay tiếng Pháp Québec. Tuy thế, nửa thế kỷ cũng là một mốc thời gian khá dài, đủ để hai loại tiếng Việt, tiếng Việt trong nước và tiếng Việt Hải Ngoại, khác nhau một cách đáng kể, về phương diện từ vựng, cú pháp hay thành ngữ thông dụng.
Chẳng hạn như trong các cộng đồng người Việt ở Mỹ, chúng ta có thể đọc câu này trên báo chí địa phương tiếng Việt: “Để biết thêm chi tiết về sinh hoạt giới thiệu một số nhà vẽ kiểu thời trang, xin liên lạc qua số điện thoại […] và ghi danh tham dự.” Cùng nội dung đó, một tờ báo trong nước chắc sẽ viết như thế này: “Để biết thêm thông tin về sự kiện giới thiệu một số nhà thiết kế thời trang, xin liên hệ qua số điện thoại […] và đăng ký tham dự.”
Cú pháp (hay văn phạm) của hai thứ tiếng Việt cũng có nhiều chỗ khác nhau. Một ví dụ điển hình là, để diễn tả câu “I will try to call you as soon as possible” trong tiếng Anh, người Việt chúng ta ở đây sẽ nói “Tôi sẽ cố gắng gọi anh càng sớm càng tốt,” thì người trong nước lại nói “Tôi sẽ cố gắng gọi điện cho anh sớm nhất có thể!” Nghĩ cũng khó hiểu, người Việt sống ở Mỹ sử dụng và tiếp xúc với tiếng Anh hằng ngày, nhưng cấu trúc văn phạm dùng trong câu trên không hề bị ảnh hưởng của tiếng Anh, trong khi câu dùng trong nước nghe như câu tiếng Anh được bỏ vào trong Google Translate rồi đem ra nói vậy!
Tiếng Việt Hải Ngoại, dù vậy, cũng không thể nào không bị tiếng Anh chen vào. Đây cũng là một hiện tượng ngôn ngữ tự nhiên, xảy ra khi một thứ tiếng thiểu số dùng song song với một bản ngữ, vốn là thứ tiếng đa số. Hiện tượng này trong tiếng Anh được gọi là “code switching.” Chúng ta hãy tưởng tượng ra một cuộc nói chuyện gồm năm người Việt, hai người từ Việt Nam qua chơi, một người ở Mỹ, còn hai người kia là từ Pháp và Đức qua. Một trong hai người từ Việt Nam nói một điều gì đó, người thứ hai ở Việt Nam nói “Vậy hả?,” người ở Mỹ sẽ thốt lên “Oh, really?,” người từ bên Pháp qua thì hỏi lại “Ah bon?,” còn người ở Đức thì bảo “Ach so?”
Cả tiếng Việt trong nước và tiếng Việt Hải Ngoại đều có thể dùng tiếng Anh chen vào tiếng Việt, nhưng mỗi thứ tiếng lại mượn một kiểu khác nhau. Tiếng Việt trong nước thường dùng một số chữ tiếng Anh mà tiếng Việt Hải Ngoại không dùng hay ngược lại. Chẳng hạn như giới trẻ ở Việt Nam có thể nói (hay viết) một câu đại loại như “Hôm nay lướt phây mới thấy có nhiều bạn tuổi teen vào inbox nhắn đi check in một quán cà phê mới mở.”
Ở Mỹ, người Việt có thể chêm rất nhiều tiếng Anh khi nói chuyện với nhau, nhưng nếu nội dung đó viết trong một bài báo thì lại thường dùng tiếng Việt thuần túy. Chúng ta có thể nghĩ ra tình huống trong đó một người đang kể lể với bạn mình: “Hôm qua tôi đi shopping ở cái mall gần nhà. Parking không còn chỗ nên tôi đậu đại một chỗ handicapped rồi chạy vội vào mua một cái t-shirt để tối đi party. Khi trở ra thì đã thấy security dán trên xe mình một cái ticket!”
Nếu nội dung trên được viết thành văn tự sự thì thường là như thế này: “Khi đi mua sắm ở các thương xá, ngay cả khi bãi đậu xe không còn chỗ cũng không nên đậu xe trái phép vào những chỗ dành cho người khuyết tật, dù chỉ là vào vội bên trong mua một cái áo thun để đi dự tiệc. Bằng không thì xe có thể bị nhân viên bảo vệ dán giấy phạt.”
Tiếng Việt Hải Ngoại cũng đặt ra những từ ngữ mới mà “tiếng Việt trước 1975 ở miền Nam” không có, đơn giản là vì những khái niệm mà các chữ đó diễn tả trước đây chưa có, vì mỗi thời đại mỗi khác. Những chữ như vậy có thể kể đến như “máy điện toán,” “nhu liệu” (chứ không phải “phần mềm!”), điện thoại “cầm tay” (chứ không phải “di động!”), việc làm “bán thời gian,” truyền hình “độ phân giải cao,” truyền hình “kỹ thuật số,”,“thẻ tín dụng,” “máy rút tiền,” “máy kéo” (trong sòng bài)… làm sao kể ra cho hết những chữ Việt mới ra đời ở hải ngoại trong 50 năm qua!
Tiếng Việt Hải Ngoại, một mặt tạo ra những chữ mới để theo kịp đà tiến triển của văn minh nhân loại, một mặt vẫn gìn giữ vốn từ vựng phong phú do ông cha để lại. Tiếng Việt trong nước, trong khi đó, dường như đang nghèo đi. Nhiều chữ càng ngày càng thu gọn lại thành còn có một chữ.
Những ai từng “bị” đi học dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” chắc không thể nào quên được mấy câu giáo điều dán trên tường trong lớp học ám ảnh hằng ngày “…Học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, giữ gìn vệ sinh thật tốt…,” nhất nhất cái gì cũng tốt, chỉ có nói tiếng Việt là nghe không được… tốt! Nếu ai cũng nói và viết như thế, hình như trạng từ trong tiếng Việt “hiện đại” chỉ còn có mỗi chữ “tốt!” Tại sao không nói “học giỏi, làm việc siêng năng, đoàn kết chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, giữ gìn vệ sinh kỹ lưỡng” chẳng hạn?

Còn bất cứ cái gì to và đẹp thì đều thu về một mối thành hai chữ “hoành tráng!” Chữ này vốn là một trong những tính từ hiếm dùng và đẹp trong tiếng Việt, vậy mà bây giờ ai nghe đến nó cũng phải… cười trước rồi tính sau. Thiếu gì những hình dung từ phong phú vẫn được dùng trong tiếng Việt Hải Ngoại để miêu tả những danh từ sau: bữa tiệc “thịnh soạn,” đám cưới “linh đình,” buổi lễ “trọng thể,” sân khấu “tráng lệ,” tòa nhà “nguy nga,” cảnh vật “huy hoàng,” công trình “đồ sộ”… Tất cả những danh từ này, tội nghiệp thay, thường bị quẳng chung vào một cái rổ, trong đó đã có chữ “hoành tráng” nằm chờ sẵn, một cách rất… hoành tráng!
Ngôn ngữ chiếm một phần lớn của bản sắc con người. Ngày nào chúng ta còn tha thiết muốn vẫn là người Việt, chúng ta phải giữ gìn và vun quén tiếng Việt, cho bây giờ và cho mai sau. Chẳng vậy mà các cộng đồng người Việt hải ngoại từ trước tới giờ vẫn miệt mài mở trường lớp để dạy lũ con cháu mình ngôn ngữ của cha ông.
Ở Nam California, ai mà không biết đến Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại (trước đây là Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ), trong 35 năm qua vẫn thường xuyên kết nối với các trường Việt Ngữ cuối tuần, và hiện tại đang mở rộng hợp tác đến các trường tiểu học, trung học và đại học trong vùng để góp phần vào việc phát triển tiếng Việt trong hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ. Hằng năm, vào mùa Hè, Liên Hiệp Các Trường Việt Ngữ Hải Ngoại vẫn tổ chức Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm trong ba ngày cuối tuần, mời giảng viên là những giáo sư, học giả, chuyên viên, nhà văn, nhà thơ, nhà báo… đến thuyết trình về các đề tài hữu ích và lý thú cho khóa sinh, vốn là các thầy cô giáo Việt Ngữ thiện nguyện, từ khắp nước Mỹ và một số quốc gia khác về tham dự.
Về văn chương, nơi mà ngôn ngữ được thăng hoa đến chỗ tột cùng, chúng ta cũng có một nền văn chương hải ngoại phong phú và đa dạng. Có thể tìm thấy nhiều tác phẩm văn chương viết bằng tiếng Việt có giá trị ở Úc, Pháp, Đức, Canada… nhưng nhiều nhất vẫn là ở Hoa Kỳ, nơi vẫn còn nhiều nhà văn đã thành danh từ nền văn học huy hoàng của Việt Nam Cộng Hòa, sánh vai cùng với thế hệ “một rưỡi” của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học thuộc lớp sau.
Gìn giữ tiếng Việt ở hải ngoại, nhưng chúng ta cũng nên quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển văn chương hải ngoại, tất nhiên là nền văn chương viết bằng tiếng Việt. Đã có nhiều tác giả gốc Việt ở Úc, ở Pháp, ở Canada, ở Mỹ… viết văn bằng ngôn ngữ của nước sở tại, được nhiều giải thưởng danh giá và cao quý. Tuy vậy, những tác giả này không góp phần vào nền văn chương Việt hải ngoại. Họ chỉ là những nhà văn “Úc gốc Việt,” “Pháp gốc Việt,” “Canada gốc Việt” hay “Mỹ gốc Việt,” không phải là những tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Việt trong vườn hoa văn chương Việt hải ngoại.
Muốn giữ gìn và phát triển văn chương Việt hải ngoại, chúng ta không dừng ở chỗ chỉ dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho thế hệ trẻ, để chỉ mong các em biết nói, biết đọc, biết viết tiếng Việt. Chúng ta phải có những chương trình ở mức độ cao hơn, hướng dẫn thế hệ trẻ gốc Việt biết thưởng thức văn chương tiếng Việt hải ngoại.
Cao hơn nữa, chúng ta còn cần hướng dẫn một số tài năng trẻ sáng tác bằng tiếng Việt, vì các em là thế hệ thứ nhì đang tiếp nối thế hệ một rưỡi. Về mặt này, chúng ta có thể thấy là không phải không có những chương trình như thế, ít nhất là ở Nam California.
Chúng tôi muốn nhắc đến tổ chức NRCAL (National Resources Center for Asian Languages) thuộc Đại Học Tiểu Bang California, Fullerton (California State University, Fullerton), nơi vẫn tổ chức những cuộc thi viết văn bằng tiếng Việt hằng năm cho các em thanh thiếu niên, đồng thời xuất bản những tác phẩm đoạt giải của những tài năng trẻ này và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng để học hỏi và thưởng thức. Nếu có nhiều chương trình tương tự, chắc chắn tương lai của văn chương hải ngoại sẽ có nhiều hứa hẹn, sẽ không bị mai một đi khi các thế hệ tiên phong không còn hoạt động nữa.
Tiếng Việt Hải Ngoại sắp tròn 50 tuổi. Tất nhiên chúng ta không muốn nó sẽ “già” đi như tiếng Ladino hay tiếng Pháp Québec. Dù sao đi nữa, có sung sướng, thành công trên xứ người đến đâu, chúng ta cũng chỉ là những kẻ tha hương, chắc ai ai cũng bao lần ngóng về cố quốc. Mong một ngày không xa, khi nước nhà có được một thể chế dân chủ, tự do, nhân bản, người Việt từ khắp nơi sẽ hân hoan đoàn viên với nhau, không còn phải phân chia tiếng Việt ở trong hay ở ngoài nữa.
Ngày ấy, sẽ chỉ còn duy nhất một “tiếng Việt,” như ba dòng sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long cùng hân hoan đổ vào Biển Đông. Tiếng Việt sẽ mãi mãi óng ả, sang cả, phong phú, sẽ thoát nghìn năm thành tiếng lòng của mọi người dân Việt muôn đời yêu đất nước mang dòng giống tiên rồng rạng rỡ.
Theo Trần C. Trí/NVO
Comments powered by CComment