Người bình thường đối mắt với dịch bệnh nguy hiểm 1 thì ông bà chúng mình, không chỉ cao tuổi mà phần lớn lại có bệnh nền còn nguy hiểm gấp 2 - 3 lần.
Có một điều người trẻ sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được. Dù đã cố gắng. Dù đã sẻ chia.
Đó là sự mong manh của tuổi xế chiều.
Bà tôi hay nói rằng: Lúc còn trẻ, con sẽ không bao giờ nghĩ đến cái chết, dù tất cả chúng ta sống đều để chết đi. Nhưng lúc đã già, con biết sẽ chẳng có gì chờ đợi mình ở ngày mai ngoài sự chia ly. Khi ấy, con sẽ nhạy cảm lắm, dễ buồn, dễ tủi, dễ bi quan. Đoạn đường đời gần đến những chương cuối, ai cũng thấy bản thân cô độc và sợ hãi.
Là một người già có thể nói là khoẻ mạnh, bà tôi đã nghĩ ngợi đến thế. Thì với người cao tuổi có bệnh nền mà chẳng may dương tính với Covid-19 thì họ còn lo lắng, bất an đến thế nào nữa? Nỗi sợ phải xa cháu con, xa cuộc sống khiến cuộc chiến của những F0 đặc biệt thêm gian nan. Ở phía con cháu, sự lo lắng và bất an chưa bao giờ nguôi...
Với ngoại, đừng hẹn ngày mai - hãy đến thăm ngay hôm nay đi!
Bà ngoại mình phát hiện dương tính vào ngày 9/8, dù đã tiêm vacxin mũi 1 trước đó 5 ngày và chỉ ở nhà, không có tiếp xúc với người ngoài. Tới bây giờ gia đình mình cũng không biết nguồn lây từ đâu, của dì mình từng tiếp xúc với F0 hay em mình vì hay gặp shipper. Chỉ biết là vào một hôm, em mình đi chích ngừa vaccine, lúc đó nó đã bị sốt mấy ngày rồi nhưng mọi người chỉ nghĩ bị cảm. Sau khi nó nói với bên y tế là sốt thì bên đó cho xét nghiệm và ra kết quả dương tính. Nguyên nhà mình 7 người, trong đó có ngoại vô khu cách ly hết.
Khoảng 2 - 3 ngày đầu ở khu cách ly, ngoại vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường. Nhưng đâu đó từ ngày thứ 4 trở đi không ăn vì vậy mà không có sức, không đi lại vận động, tập thể dục bình thường như những ngày trước được nên phải thở oxy, việc chăm sóc cũng khó khăn hơn. Lý do là vì ngoại buồn và sợ.
Ngoại có bệnh nền là gan và phải uống thuốc tim mỗi ngày nữa nên gia đình thực sự rất lo lắng. Mình cũng lo cho ngoại nhiều thêm một phần vì thời điểm đó lên Facebook thấy avatar đen nhiều quá, ám ảnh lắm.
Sau biến cố này mình đã quyết định mỗi ngày đều phải qua thăm ngoại vì thực sự không biết chuyện gì có thể xảy ra, mình sẽ phải rời xa ngoại lúc nào. Công ty mình chỉ cách nhà ngoại 5 phút chạy xe nhưng trước đây mình cứ hẹn là mai, kia gì đó qua chứ không phải là bây giờ qua hay ngày nào cũng qua.
Ngoài ra mình và gia đình cũng thấy cần phải chăm lo cho sức khoẻ của ngoại một cách kĩ càng hơn. Ngoại có bảo hiểm nhưng thực sự mà nói ngày trước gia đình mình cũng hơi chủ quan một xíu khi thấy ngoại hơn 80 tuổi nhưng vẫn đi lại bình thường, nấu cơm, quét nhà,... nên nghĩ sẽ chẳng có vấn đề gì. Bây giờ thì hễ bệnh hay có triệu chứng nào đó, dù là nhỏ nhất thì mình cũng bắt buộc phải đưa ngoại đi khám.
_Phương Tuyền - bà ngoại 81 tuổi_
Nhận ra bản thân đã quá vô tâm với ngoại
Ba mẹ mất sớm nên mình sống với bà ngoại từ nhỏ. Hai bà cháu mình ở nhà thuê, xóm trọ có người dương tính với virus SARS-Cov-2 nên lây cho bà. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm của bà, mình đã rất hoang mang và lo sợ. Một phần vì bà đã lớn tuổi, một phần bởi bà còn có bệnh nền là gan nhiễm mỡ và hơi thừa cân. Thú thực là lúc đó mình sợ bà sẽ không thể vượt qua được nên dù âm tính, mình đã đi theo vào khu cách ly tập trung để chăm sóc bà. Mình còn nhớ đó là ngày 14/8.
Khi đi cách ly, bà khá sợ. Thời gian đầu hầu như bà không ăn uống được gì, sữa cũng không uống được nên mình khá stress và lo lắng vì sợ mọi thứ sẽ tệ hơn, nhất là khi chẳng may mình bị lây chéo và cũng dương tính. Dẫu vậy mình vẫn cố động viên tinh thần bà và tự động viên bản thân phải mạnh mẽ hơn có sức khoẻ để chăm sóc cho bà.
Vào khu cách ly, 2 bà cháu nhận được sự quan tâm và chăm sóc tận tình của các anh chị bác sĩ. Thêm một điều may may mắn là tình trạng bệnh của bà và mình cũng nhẹ, không có tiến triển nặng nên dần khoẻ lên, điều trị khoảng nửa tháng là được về nhà.
Sau khi trải qua những ngày sống còn này mình nhận ra sức khoẻ luôn là điều quan trọng nhất, bạn có có thể có tất cả nhưng thiếu đi sức khoẻ thì bạn không còn gì cả. Cũng chính vì ở khu cách ly, tận mắt chứng kiến có người còn rất trẻ nhưng phải thở oxy và có người sức khoẻ bình thường nhưng đã mất, mình cảm thấy biết trân trọng mọi thứ ở cuộc sống hiện tại hơn, học cách biết đủ và biết ơn.
Với bà ngoại, mình nhận ra đôi khi bản thân đã quá vô tâm, không để ý nhiều. Vì vậy mà mình thấy thương bà nhiều hơn, chăm sóc, dành sự quan tâm cẩn thận hơn nữa. Hiện tại chỉ có 2 bà cháu, cuộc sống cũng rất khó khăn nhưng chắc chắn mình sẽ cố gắng nhiều nhất có thể.
_Thành Trung - bà ngoại 69 tuổi_
Nấu vài món ăn, dành thời gian nói chuyện - cũng là cách để yêu thương bà
Đợt đó trừ mình ra thì cả nhà là F0, có bà mình. Ai cũng lo lắng bởi bà năm nay đã 93 tuổi và dễ mệt, khi vào khu cách ly điều trị chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, từ ăn uống đến sinh hoạt. Mẹ mình cũng dương tính nên mẹ ở cùng khu và chăm sóc bà luôn.
Bà mình không có bệnh nền mà chỉ có bệnh người già như đau răng hay đau khớp. Tuy nhiên cũng có vài ngày tại khu điều trị, bà bị ho nhiều và mệt, không ăn uống được. Sau đó nhờ sự cố gắng của bà, sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, bà đã khoẻ và xuất viện vào khoảng đầu tháng 10 vừa qua.
Sau biến cố này, mình đã dành thời gian với cả quan tâm đến sức khỏe của bà nhiều hơn. Với mình, đó chỉ là những việc đơn giản như nấu một vài món ăn cho bà, nói chuyện với bà nhiều hơn mỗi ngày.
Đã đến lúc chúng ta đổi vai
Từ những từ ngữ vốn xa lạ, "bệnh nền", "diễn biến nặng", "nguy cơ cao",... trở nên quen thuộc và khiến người ta lo sợ ám ảnh. Dịch bệnh khiến chúng ta nhận ra rằng chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra hay con cháu sẽ phải xa ông bà lúc nào.
Vì vậy biết và hiểu sâu hơn về sức khỏe của ông bà, về những căn bệnh nền nguy hiểm không bao giờ là thừa thãi. Ông bà đã hy sinh và dành cả đời vất vả vì con cháu thì bây giờ chính là lúc chúng ta đổi vai, trở thành người bảo vệ cho sức khỏe tuổi xế chiều của ông bà trước khi mọi chuyện quá muộn.
Theo Kenh14.vn
Comments powered by CComment