Trẻ em thường trải qua 5 giai đoạn tâm lý như chối bỏ sự thật, giận dữ, mặc cả, buồn rầu và cuối cùng là chấp nhận thực tế khi cha, mẹ đột ngột qua đời, theo các chuyên gia.
Cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng qua đời do Covid-19 là một sự kiện gây sốc tâm lý với trẻ em, bởi sự đột ngột và mức độ sang chấn lớn lao của nó. Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM) cho biết, các trường hợp tử vong thường diễn ra trong khoảng vài ngày đến vài tuần sau khi nhiễm virus. Vì thế, gia đình, đặc biệt là trẻ em, không có khoảng thời gian để chuẩn bị tinh thần cho việc chia ly cha mẹ, người nuôi dưỡng khi họ qua đời. Nhiều trẻ sốc và không dễ dàng để đón nhận thực tế này.
Từ đầu tháng 10 đến nay, phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 trẻ, bao gồm cả bé mất người thân đến khám với nhiều vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ. Đầu tuần này, bệnh viện triển khai thêm gói khám sức khỏe hậu Covid-19 toàn diện. Trong đó có phần khám tâm lý để đánh giá các nguy cơ bất thường về sức khỏe tinh thần và trợ giúp trẻ kịp thời.
Theo chuyên gia Toàn Thiện, tùy độ tuổi, khả năng nhận thức và mức độ gắn bó với cha mẹ mà sự mất mát ảnh hưởng đến trẻ mồ côi ở các cấp độ khác nhau. Ngay cả trẻ sơ sinh, trẻ tuổi mẫu giáo dù chưa hiểu rõ việc cha mẹ đã mất, nhưng trẻ có thể cảm nhận sự thiếu hụt, chia cắt mối quan hệ vốn gắn bó trước đó. Khi không còn cha mẹ bên cạnh, nhiều trẻ sẽ có biểu hiện quấy khóc, sợ hãi, thay đổi thói quen ăn, ngủ... Một số trẻ khác có thể trở nên thụ động, thu mình, kém tương tác vì thấy không an toàn.
Ông Toàn Thiện giải thích, trẻ em, nhất là trẻ nhỏ thì cha mẹ như là cả bầu trời, trung tâm của sự gắn bó, quan tâm, yêu thương. Với người lớn thì chưa hẳn như vậy, bởi họ có những mối quan hệ khác, như vợ chồng, con cái. Do đó, khi cha mẹ mất đi, diễn biến tâm lý của trẻ có thể sẽ dữ dội hơn, đây là điểm khác biệt lớn giữa tâm lý trẻ em và người lớn. Trẻ mất cha mẹ, điều quan trọng là phải tìm cho các em người cha, người mẹ thay thế. Người này không đóng vai trò xóa bỏ đi hình ảnh của cha mẹ ruột đã mất mà sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc, bù đắp cho các em về mặt tình cảm, tâm thần bên cạnh vật chất.
Trong khi đó, trẻ lớn hơn, cũng như người lớn, có thể sẽ phải trải qua diễn biến tâm lý 5 giai đoạn, ở nhiều sắc thái cảm xúc, được ông Thiện dẫn lại miêu tả của bác sĩ tâm thần Elisabeth Kübler-Ross trong cuốn sách On Death and Dying.
Cụ thể, khi mới nghe được tin người nhà tử vong, trẻ thường có xu hướng không chấp nhận sự thật (denial). Cảm giác sốc và choáng ngợp trước thực tế quá đau lòng khiến trẻ không dám tin vào thực tế, thậm chí cho rằng đã có sự nhầm lẫn.
Sau đó, sẽ là cảm xúc tức giận (anger). Những người ở lại sẽ cảm thấy số phận bất công và tức giận, đổ lỗi chính mình cũng như giận dữ với ngành y tế, hệ thống trợ giúp xã hội.
Trải qua giai đoạn giận dữ, ý nghĩ mặc cả (bargaining) sẽ xuất hiện, như "nếu ba mẹ được đưa đi bệnh viện sớm thì có thể đã không tử vong?" hay "giá như mình không đi ra ngoài thì đã không lây virus về cho gia đình". Đó là cách trẻ đang thương lượng trong tư tưởng để trì hoãn việc chấp nhận thực tế.
Khi không thể né tránh câu chuyện đau buồn, trẻ có thể rơi vào trạng thái buồn bã (depression). Một số trẻ trở nên thu mình lại, ít nói chuyện, ít vui chơi, hạn chế tương tác với người khác, thay vào đó là dành nhiều thời gian để khóc, buồn bã. Nhiều trường hợp sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn và mất ngủ.
Sau cùng, khi trải qua nỗi đau, trẻ và gia đình sẽ đến lúc chấp nhận (acceptance) sự thật phũ phàng. Mọi người sẽ dần hiểu biến cố đã xảy ra như một thực tế không thể thay đổi. Các cảm xúc sẽ dần ổn định và cân bằng trở lại.
5 giai đoạn tâm lý có thể kéo dài và thể hiện không theo thứ tự ở mỗi trẻ. Thời gian để trẻ đi qua nỗi đau và chấp nhận tùy thuộc vào hoàn cảnh và đặc điểm tâm lý cá nhân. Một số trường hợp cần nhiều tháng, thậm chí rất nhiều năm để thích nghi với sự mất mát vĩnh viễn.
Chuyên gia khẳng định các diễn biến tâm lý nêu trên khi đón nhận tin tức cha mẹ qua đời là phổ biến và tự nhiên đối với mọi trẻ. Do đó, người lớn không nên vì e ngại trẻ sẽ khóc hay đau buồn mà giấu các thông tin. Bởi, việc dồn nén cảm xúc sẽ đem lại nhiều hệ quả tiêu cực cho tâm trí và cơ thể.
"Hãy để trẻ được biết sự thật, được trải qua cảm xúc đau buồn, được khóc cho những mất mát của mình. Có như vậy, trẻ mới có thể vượt qua biến cố", ông Thiện nói.
Những người thân đang thay thế người đã mất chăm sóc các em cần đáp ứng không chỉ các nhu cầu vật chất, học tập mà nên giúp các em phát triển tinh thần một cách cân bằng, lành mạnh. Cách tốt nhất để xoa dịu tâm hồn trẻ mồ côi là lắng nghe, thừa nhận các suy nghĩ, cảm xúc và tôn trọng trẻ. Nỗi buồn cũng cần thời gian để được xoa dịu và phục hồi. Hãy cho trẻ thời gian, đừng nóng lòng thúc ép trẻ phải sớm trở lại trạng thái bình thường. Sự chân thành của người ở lại và các chính sách trợ giúp của xã hội là yếu tố tích cực cho sự phát triển của trẻ, chuyên gia khuyến cáo.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, địa phương có hơn 1.400 trẻ dưới 18 tuổi mồ côi do đại dịch (trong tổng số gần 2.100 em trên cả nước), trong đó 66 cháu mất cả cha lẫn mẹ, 19 trẻ sơ sinh mất mẹ lúc vừa chào đời. Đợt dịch thứ 4, cả nước ghi nhận hơn 23.000 trường hợp tử vong do Covid-19. TP HCM là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 17.000 ca.
Comments powered by CComment