"Bố mẹ tôi năm nay gần 60 tuổi, đã sống ở Ukraine hơn 30 năm rồi, giờ bất đắc dĩ chúng tôi phải rời đi", anh Vũ Hồng Tuấn không giấu đươc cảm xúc của mình.
Không hề mong muốn nhưng có thể rời đi đã là một may mắn
Những ngày này, nhiều bà con người Việt đang cố gắng di tản sang các nước láng giềng để lánh nạn trong bối cảnh tình hình tại Ukraine ngày càng căng thẳng.
Hiện số lượng người Việt Nam từ Ukraine di chuyển sang các nước láng giềng đang tăng cao. Anh Vũ Hồng Tuấn (31 tuổi) sống tại thành phố Kharkov, Ukraine cùng 5 thành viên khác trong gia đình là một trong số nhiều người Việt đã, đang tìm mọi cách di chuyển đến Ba Lan tị nạn.
Anh Vũ Hồng Tuấn chia sẻ, những ngày qua, bản thân và gia đình đã quá mệt mỏi và kiệt quệ khi phải sống trong cảnh đạn bom tứ phía, đêm nào cũng mất ngủ, điều kiện sinh hoạt trong hầm trú ẩn không tốt.
Đáng lo ngại hơn cả, vợ mang thai ở tháng thứ 9, có thể lâm bồn bất cứ lúc nào, ngoài ra anh còn có con nhỏ mới 1,5 tuổi và bố mẹ già.
Anh Tuấn và gia đình phải tìm đường sang Ba Lan khi tình hình chiến sự bước vào giai đoạn căng thẳng.
Đến ngày 4/3, anh Tuấn cho hay gia đình anh đã lên được tàu để sang Ba Lan tị nạn: "Mấy hôm trước, tôi và gia đình vẫn cố gắng cầm cự, chưa có ý định rời đi.
Nhưng chiến sự ngày càng căng thẳng, chúng tôi không thể ở lại được nữa. Hôm trước, tôi ra ngoài mua lương thực, thuốc men để chuẩn bị mang đi, nhưng cửa hàng không còn gì để mua, ATM không còn tiền để rút.
Cả người bản địa và người Việt ở đây đều buộc phải đi. Có lúc tôi bật khóc vì bất lực, bao nhiêu công sức vợ chồng tôi gây dựng ở đây, cuộc sống đã ổn định, mọi thứ quá đỗi quen thuộc. Bố mẹ tôi năm nay gần 60 tuổi, đã sống ở Ukraine hơn 30 năm rồi, giờ bất đắc dĩ chúng tôi phải rời đi.
Ngày đầu tiên chúng tôi ra ga tàu, mọi người chen chúc quá đông nên không thể lên tàu được. Chúng tôi đành quay về. Đến hôm nay may mắn được giúp đỡ vì nhà tôi có người già, trẻ nhỏ, vợ lại mang thai nên cả nhà 6 người đã lên được tàu
Không ai muốn đi cả nhưng rời khỏi nơi nguy hiểm để vợ bình an sinh em bé là điều tôi ưu tiên ngay lúc này"
Vợ và con anh Tuấn trên hành trình sang Ba Lan tỵ nạn
Anh Tuấn chia sẻ, hành trình 1000km dự kiến kéo dài 2 ngày. Khi đến được biên giới với Ba Lan, anh sẽ nhờ đến sự trợ giúp của các tổ chức và người quen để làm thủ tục đưa cả nhà vào Ba Lan tị nạn.
Bố của Vũ Lan Hương (đến từ Thanh Hoá) cũng là một trong số nhiều người Việt đang phải rời thành phố Kharkov đi lánh nạn.
Lan Hương cho biết, 3 ngày qua, cô và gia đình ở Việt Nam bị mất liên lạc với bố nên vô cùng bất an, lo lắng.
"Tình hình ở bên đó ngày càng căng thẳng, gia đình lại mất liên lạc với bố nên hoang mang cực độ. Mình và mẹ liên tục lên các hội nhóm người Việt đăng tin tìm bố mà không có bất cứ phản hồi nào.
May mắn thay, đến hôm nay, mình nhận được tin từ bác mình, bác bảo bố đã lên được tàu để đi di tản, không có điện mà máy bố hết pin nên không có cách nào liên lạc về nhà.
Cũng tạm yên tâm phần nào, cả nhà mình vẫn đang mong ngóng tin bố, cầu mong bố mình và mọi người bên đó được bình an".
Tình người ấm áp luôn hiện hữu giữa những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất
Những ngày này, Minh Tuyên (27 tuổi) - Hội trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Budapest, Hungary cùng một nhóm khoảng 50 bạn tình nguyện viên, tất cả đều là sinh viên Việt đang ngày đêm tích cực hỗ trợ cho những người Việt Nam tại Ukraine có nhu cầu qua Budapest, Hungary để lánh nạn.
Minh Tuyên chia sẻ, họ sẽ tập trung túc trực tại hai nhà ga chính là Keleti và Nyugati theo các khung thời gian cố định để đón và giúp đỡ đồng bào Việt Nam từ Ukraine qua Budapest được đảm bảo an toàn, thuận tiện.
Hoạt động của Hội sinh viên Việt Nam tại Budapest
"Tụi mình làm việc dưới dự hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, phối hợp với Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, cùng với sự trợ giúp của Hội sinh viên Việt Nam tại Hungary.
Tụi mình là tuyến đầu đón công dân Việt Nam từ Ukraine sang Budapest, tiếp đó họ có thể đi các nước khác. Tụi mình sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để hỗ trợ mọi người, như là hướng dẫn họ đến nơi lánh nạn an toàn, có thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi hoặc kết nối họ đến ở tạm tại nhà người Việt tại Budapest. - Minh Tuyên chia sẻ.
Mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn, tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, tương thân tương ái của những người con xa xứ luôn trỗi dậy dù ở bất cứ nơi đâu.
Dù gặp không ít khó khăn trong việc tìm địa điểm lưu trú và cung cấp các trang thiết bị sinh hoạt cần thiết cho bà con, nhưng Minh Tuyên và các tình nguyện viên trong nhóm luôn nỗ lực hết mình.
Trong những ngày qua, chàng trai trẻ chứng kiến không ít câu chuyện khiến anh phải suy ngẫm: "Hôm trước mình gặp một em bé người Việt, em quá nhỏ để có thể hiểu những gì đang xảy ra nhưng đã phải chịu hậu quả, là ly tán, là những chuyến tỵ nạn...
Nụ cười vẫn nở trên gương mặt thơ ngây của bé, em ấy dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn biết lo lắng cho người khác, thậm chí em còn tìm miếng urgo dán lên tay mình vì tưởng mình bị thương.
Hay có một bạn là sinh viên người Việt, học Y khoa ở Ukraine, bạn ấy sang đây chỉ kịp mang theo vài bộ áo quần. Bạn ấy đi học theo diện tự túc, đã có 5 năm dùi mài kinh sử ở đây nhưng cuối cùng ký túc xá chỗ bạn ấy ở bị đánh sập, phải đi lánh nạn.
Bây giờ bạn ấy không biết công trình 5 năm học tập, đây đã là năm cuối rồi mà giờ có nhận được bằng tốt nghiệp không, bạn ấy đã không kiềm chế được mà bật khóc.
Còn có một chú người Việt bán quán cơm ở một chợ tại Kharkov, Ukraine, nay chú phải sang đây để rồi đi tiếp qua Đức, chú bảo chú đã khóc khi thấy những gì mình gây dựng suốt bao nhiêu năm qua đã tan thành mây khói. Đó thực sự là những hoàn cảnh khiến tụi mình xót xa".
Minh Tuyên (27 tuổi) - Hội trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Budapest cùng các hội viên đang nỗ lực giúp đỡ người Việt ở Ukraine
Theo kế hoạch, trong những ngày tới, Minh Tuyên và nhóm sinh viên Việt tại Budapest sẽ tiếp tục lập chốt trực tiếp thực hiện các biện pháp hỗ trợ.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Comments powered by CComment