Nghệ sĩ Hoài Linh nhận huy chương vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc khi tái xuất sau hơn nửa năm rút lui vì scandal.
Trong sự kiện bế mạc tối 17/1 tại Nhà hát Trần Hữu Trang (quận 1), Hoài Linh được trao huy chương với vở Lạc giữa biển người - một trong 26 tác phẩm dự thi Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam. Nghệ sĩ bận việc riêng nên không góp mặt trong lễ trao giải. Tại hội trường, khi Hoài Linh được xướng tên, nhiều đồng nghiệp như Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi, Gia Bảo... vỗ tay chúc mừng.
Công diễn hôm 7/1, vở kịch tái xuất của Hoài Linh gây chú ý, thu hút hàng trăm người xem. Hoài Linh đóng ông Tài, chủ xóm trọ keo kiệt nhưng hay quan tâm hàng xóm. Nhân vật mang tạo hình bình dân với nón beret, dép lê, dáng đi đủng đỉnh, nụ cười cầu tài. Tài là dạng vai sở trường của Hoài Linh, đảm nhận vai trò gây cười để giữ nhịp cho tuyến kịch bản bớt căng thẳng. Những câu đối đáp, chơi chữ được nghệ sĩ cài cắm trong các phân đoạn, chẳng hạn: "Ê, mày bớt một 'phải' được không, sao mày 'ba phải' quá vậy?".
Qua diễn xuất của Hoài Linh, ông Tài hiện lên với vẻ cục mịch, thô ráp, sẵn sàng đáp trả hàng xóm, chi li từng đồng từng cắc. Dù vậy, ẩn sâu bên trong nhân vật là lòng thương người, quan tâm bà con láng giềng. Hoài Linh cũng có nhiều phân đoạn diễn chung với Việt Hương - vai bà Năm "vai chai", người ông Tài thầm thương. Nghệ sĩ Trần Minh Ngọc - Chủ tịch hội đồng nghệ thuật của liên hoan - đánh giá qua diễn xuất của Hoài Linh và các nghệ sĩ, tác phẩm gây cảm động khi khai thác số phận của những người nghèo về vật chất, giàu về tình cảm, sẵn lòng bao bọc kẻ yếu thế hơn mình.
Hoài Linh sinh năm 1969, quê ở Quảng Nam. Thập niên 1990, diễn viên gây tiếng vang ở hải ngoại khi đóng kịch hài cùng Vân Sơn. Đầu những năm 2000, nghệ sĩ về nước sống và làm việc. Ngoài diễn kịch, anh làm giám khảo game show, đóng nhiều phim điện ảnh. Cuối tháng 12/2021, sau nửa năm nghệ sĩ vướng ồn ào chậm giải ngân tiền quyên góp cho miền Trung, công an TP HCM xác định không có dấu hiệu phạm tội.
Ngoài Hoài Linh, 39 nghệ sĩ khác được trao huy chương vàng tại liên hoan, nhận bảy triệu đồng mỗi người. Các tên tuổi gồm Việt Hương - vai dì Năm (Lạc giữa biển người), Ngọc Trinh - vai bà Vy (Mưa bóng mây), Tuyết Thu - vai Nhung (Bạch Hải Đường), Lê Giang - vai bà Tám "bánh phồng" (Nắng chiều), Nam Thư - vai Nương (Ngược gió), Quốc Thảo - vai ông Ba "hoài hương" (Nắng chiều), Quốc Thịnh - vai anh Du (Tình lá diêu bông), Ái Như - vai Tám Lỡ (Sài Gòn có một ngã tư), Thành Hội - vai Bằng (Bạch Hải Đường)... Ở mảng tác phẩm, sáu vở đoạt huy chương vàng, mỗi êkíp nhận 30 triệu đồng, gồm Mưa bóng mây, Bao giờ mẹ lấy chồng, Câu hò đất mẹ, Khóc giữa trời xanh, Thành Thăng Long thuở ấy, Thành phố tình yêu.
Ban tổ chức liên hoan đánh giá 20 đơn vị cùng hơn 300 diễn viên đã nỗ lực trong thời dịch để đem lại chất lượng phong phú cho kỳ thi. Nhiều tác phẩm có nội dung bám sát thực tế đời sống, trong đó nổi trội là cuộc chiến chống Covid-19. Chẳng hạn, vở Blouse trắng, Thiên sứ chọn góc nhìn về nỗi đau những gia đình có người thân qua đời vì dịch bệnh, cống hiến của các y bác sĩ tuyến đầu... Nhiều đơn vị tạo được cú hích, thu hút khán giả trở lại với các vở bán vé, sau thời gian sân khấu "đóng băng" vì dịch. Nghệ sĩ Trần Minh Ngọc nói: "Dù vậy, không ít tác phẩm bộc lộ điểm hạn chế ở nội dung như thời lượng quá dài, cố tình đẩy mâu thuẫn quá cao, kém chân thực về lời thoại lẫn tình huống".
Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 (khu vực phía Nam) diễn ra từ ngày 3 đến 17/1, quy tụ 20 sân khấu với 26 vở diễn. Liên hoan chia làm hai đợt, đợt đầu diễn ra diễn ra tại Hải Phòng từ ngày 5 đến 16/11/2021, dành cho các đơn vị miền Bắc. Hồi tháng 9/2021, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề xuất cho các sân khấu miền Nam thi trực tuyến (do chịu ảnh hưởng dịch bệnh), song nhiều đơn vị từ chối vì lo chất lượng đường truyền. Sau đó, Cục tổ chức thêm đợt thứ hai dành cho phía Nam. Các đơn vị dự thi tại sân khấu của mình hoặc địa điểm chính - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1).
Theo VnExpress
Comments powered by CComment