Showbiz Việt đóng băng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các ca sĩ hạn chế phát hành sản phẩm.
Nhạc Việt trong năm 2021 khá ảm đạm
Vpop suốt thời gian dài ở tình trạng im ắng, ít sản phẩm chất lượng còn ca sĩ luôn ở trạng thái "án binh bất động" vì sợ đầu tư sẽ lỗ vốn.
Những sản phẩm được quay tại nhà hoặc mang tính động viên, khích lệ tinh thần mùa dịch là chính. Da Lab cho biết trong vài tháng qua, khi mảng giải trí đóng băng, việc ra sản phẩm chính là điều tiến thoái lưỡng nan. Bởi việc ra bài hát mà không thể đi diễn, quảng bá trên sân khấu là thiệt thòi lớn.
Tạm hoãn mọi kế hoạch là phương án an toàn với giới nghệ sĩ. DTAP cũng lý giải, dịch bệnh khiến các show diễn, sự kiện không được phép tổ chức. Việc đó ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập của nghệ sĩ, khiến họ gặp khó khăn khi ra mắt sản phẩm mới. Hơn nữa, mọi người ưu tiên hơn cho sức khỏe, các vấn đề xã hội và giải trí tạm lùi lại. "Lúc này, âm nhạc trở thành một nguồn động viên tinh thần, thay đổi để phù hợp với tình hình hơn. Từ đó những bài hát về cộng đồng được ra mắt để tiếp thêm lửa cho mọi người như Việt Nam tử tế, Máu đỏ da vàng…", DTAP nhận định.
Dù tình hình chung là vậy nhưng việc một ca sĩ không có sản phẩm âm nhạc mới cũng là một áp lực. Bởi, sản phẩm chính là cầu nối khẳng định độ hot của một giọng ca. Thế nên, nhiều ca sĩ vẫn "vượt khó" thực hiện sản phẩm ngay khi có thể. Và tất nhiên, đã không có một phép màu xảy ra, và ca sĩ hay sản phẩm cũng nhanh chóng đi vào dĩ vàng.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nhiều
Ca sĩ Ngô Kiến Huy kể lại, khi TP HCM bắt đầu ổn hơn, anh nhanh chóng thực hiện sản phẩm âm nhạc mới với hi vọng sẽ trở lại sân khấu ca nhạc sớm. Bởi khoảng thời gian khá dài trước đó, bận rộn với những dự án phim ảnh, đóng kịch, làm MC rồi tham gia chương trình truyền hình, anh không còn thời gian để thực hiện sản phẩm âm nhạc. Khi sản phẩm ra mắt và nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc, Ngô Kiến Huy cũng nhận được lịch diễn dày đặc.
Nhưng, sau đó không lâu, dịch bùng phát và "tôi đã bị hủy mất gần 20 show diễn". Chưa kể, có thời điểm "bỗng dưng dương tính", Ngô Kiến Huy cũng lần lượt hủy bỏ các hợp đồng diễn, quay hình hay đóng quảng cáo. Anh bảo: "tiếc lắm nhưng đó là tình hình chung, mình không thể làm gì khác hơn. Chỉ tiếc là sản phẩm đó đầu tư cả tỉ đồng mà không thể hát để thu hồi vốn. Coi như sự đầu tư có chút oan uổng vì dịch".
Khán giả và cả nghệ sĩ mong chờ vào thời gian tới
Bên cạnh đó, gameshow âm nhạc cũng thực sự giảm nhiệt. Rap Việt mùa 1 thành công ngoài mong đợi với việc "tạo nên tượng đài" cho dòng Rap ở thị trường nhạc Việt vốn yêu thích pop ballad là chính. Nhờ hiệu ứng bùng nổ của mùa đầu tiên lên sóng cách đây khoảng một năm, Rap Việt mùa 2 được khán giả đón đợi và kỳ vọng. Tuy nhiên, đến hiện tại, khi vòng Đối đầu kết thúc, chương trình không thể tạo sức hút lớn như mùa đầu tiên. So về lượt xem hay tốc độ viral trên mạng xã hội, Rap Việt mùa 2 hoàn toàn thua kém mùa trước đó. Rap Việt đang thiếu đi những phần thi chiếm sóng mạng xã hội. Trong khi đó, The Heroes còn ảm đạm hơn cả Rap Việt. Quy tụ dàn ca sĩ trẻ như Erik, Mỹ Anh, Orange, UNI5… nhưng chương trình khá im ắng suốt thời gian lên sóng. Tranh cãi liên quan đến Han Sara và việc làm mới ca khúc Cô gái mở đường gây chú ý hơn cả. Erik là quán quân nhưng thừa nhận nếu chương trình nổi tiếng, ngôi vị của anh càng có ý nghĩa hơn. Và Sàn đấu vũ đạo, diễn ra cùng thời điểm, nhưng ngay từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, không mấy người biết đến dù chương trinh có dàn giám khảo "xịn xò" như Noo Phước Thịnh. Đông Nhi, Tóc Tiên,…
Các chương trình âm nhạc ghi hình trực tiếp với khán giả buộc phải hủy bỏ, thay bằng việc ghi hình không khán giả, hoặc ghi hình gián tiếp, thay phiên nhau ghi hình để đảm bảo quy định phòng chống dịch cho cả ekip lẫn nghệ sĩ. Trên sóng truyền hình không có nhiều chương trình âm nhạc mới, mà gần như chiếu lại các chương trình cũ. Các chương trình đang chiếu cũng phải xoay xở đủ cách để đảm bảo lịch phát sóng. Một trong số đó là phương án ghi hình "tại gia". Bằng những công cụ thô sơ nhất như máy ảnh, máy tính, điện thoại… các nghệ sĩ tự dựng bối cảnh, tự quay, tự diễn và gửi lại cho ekip sản xuất thực hiện chỉnh sửa như chương trình "Tần số 15", "Ca sĩ bí ẩn", "The Heroes – Thần tượng đối thần tượng"… Việc này gây ra vô vàn khó khăn cho cả ekip lẫn nghệ sĩ. Việc kết nối gián tiếp khiến cho trao đổi kịch bản, dựng bối cảnh, canh ánh sáng, góc máy… trở nên mất thời gian nhiều hơn dự kiến. Tiến độ ghi hình phụ thuộc phần lớn vào tốc độ đường truyền của mạng nên hễ một ai trong ekip mất kết nối là tất cả phải dừng lại, chưa kể tới các sự cố thường gặp như: chồng thoại, mất tiếng,…
Giới chuyên môn nhận định năm 2022, âm nhạc sẽ bùng nổ
Mùa dịch mang đến nhiều khó khăn nhưng cũng giúp các ekip có nhiều bài học về sự quản trị, làm việc online và thích ứng linh hoạt với tình hình đầy biến động, sẵn sàng cho những kịch bản xấu dù đó là viễn cảnh không một ai muốn nghĩ đến.
Theo Người lao động
Comments powered by CComment