Yves Saint Laurent có lẽ là nhà thiết kế đầu tiên đã mở cuộc đối thoại giữa mỹ thuật với thời trang. Từ tranh ấn tượng, lập thể cho tới pop art, các tác phẩm này đã từng được nhà tạo mốt người Pháp phóng tác sang lãnh vực thời trang cao cấp. Kể từ cuối tháng Giêng 2022, sáu bảo tàng lớn ở Paris đồng tổ chức triển lãm nhằm đề cao các tác phẩm của Yves Saint Laurent (1936-2008)
Thời trang Yves Saint Laurent trong bộ sưu tập thu đông 1981 (P) bên cạnh đóa hoa đa mầu (1952) de Fernand Léger. © Isabelle Chenu / RFI
Được tổ chức từ 29/01 đến 15/05/2022, bộ sưu tập thời trang trong khuôn khổ triển lãm "Yves Saint Laurent aux musées" được trưng bày cùng lúc tại Louvre, Orsay, Trung tâm Pompidou, Bảo tàng Picasso, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Paris và Bảo tàng thời trang Yves Saint Laurent. Thời điểm khai mạc triển lãm vào ngày 29/01/2022 là nhằm để kỷ niệm 60 năm buổi biểu diễn thời trang cao cấp đầu tiên của nhà thiết kế, khi ông mới 26 tuổi. Sau khi lên thay thế nhà tạo mốt Pháp Christian Dior (qua đời vào năm 1957), Yves Saint Laurent đã nhanh chóng gầy dựng uy tín của mình nhờ phổ biến các bộ sưu tập thời trang kể từ năm 1962 trở đi.
Sinh thời, Saint Laurent được trưng bày trong bảo tàng Met
Chỉ hai thập niên sau đợt trình diễn đầu tiên, các mẫu trang phục thiết kế của Saint Laurent được đưa vào Viện bảo tàng Metropolitan ở New York vào năm 1983. Vào năm 47 tuổi, ông trở thành nhà thiết kế thời trang còn sống đầu tiên có tác phẩm được trưng bày trong một bảo tàng mỹ thuật. Giờ đây, đến phiên các viện bảo tàng lớn của Pháp hợp tác tổ chức triển lãm nhằm đề cao nhãn quan chiết trung trong lối sáng tạo của Yves Saint Laurent, nhờ vào đó mà tạo ra được nhịp cầu nối liền đôi bờ, một bên là thế giới nghệ thuật và bên kia là sáng tạo thời trang.
Các viện bảo tàng Pháp khai thác cùng một sáng kiến trong cách dàn dựng. Mô hình triển lãm xoay quanh khoảng 60 mẫu thiết kế của Yves Saint Laurent. Các trang phục được sắp đặt ngay bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật khi thì hội họa lúc thì điêu khắc. Chính các tác phẩm nghệ thuật này đã gợi hứng cho nhà thiết kế phác họa những bản thảo, để rồi từ đó chắt lọc lại những màu sắc, họa tiết thậm chí bố cục có thể được chuyển thể phóng tác sang ngành thời trang. Theo ông Madison Cox, người bạn đời cuối cùng của nhà triệu phú Pierre Bergé và hiện là giám đốc Quỹ Pierre Bergé-Yves Saint Laurent, đây là cuộc triển lãm lớn chưa từng có về sự nghiệp thiết kế của Yves Saint Laurent. Bản thân ông đã cho mở kho lưu trữ để cung cấp toàn bộ các di sản và tài liệu liên quan đến triển lãm. Về phần mình, cô Mouna Mekouar, đồng giám tuyển cuộc triển lãm ''Yves Saint Laurent trong các bảo tàng'' đã liên lạc với phía các viện bảo tàng Mỹ để tìm các tài liệu bổ sung cho bộ sưu tập được trưng bày tại Paris lần này.
Kiểu áo Mondrian trở thành một hiện tượng thời trang
Trong mô hình trưng bày theo từng cặp : trang phục nằm bên cạnh tranh vẽ hay tượng khắc, khách tham quan có thể xem tại Trung tâm Pompidou kiểu áo ghép ba mảng đỏ xanh trắng (năm 1965) bên cạnh bức tranh nổi tiếng Piet Mondrian. Ngoài ra còn có kiểu áo thời trang của Yves Saint Laurent lấy cảm hứng từ bức tranh "Adieu New York" (Vĩnh biệt New York) của danh họa Fernand Léger. Cả hai kiểu áo này đều trở thành một hiện tượng trong làng thời trang và mở đường cho nhiều kiểu thiết kế phóng tác sau này của Yves Saint Laurent.
Nếu như tại Bảo tàng Picasso, khách tham quan được xem rất nhiều bản vẽ và qua đó cho thấy là nhà thiết kế người Pháp nghiên cứu lâu về danh họa Picasso trước khi tái tạo bút pháp lập thể của bậc thầy. Ở đây, có thể nói Saint Laurent không sao chép Picasso mà là diễn đạt lại những họa tiết, màu sắc rất dễ nhận ra của Picasso. Một cách tương tự, triển lãm tại bảo tàng Orsay cho thấy Yves Saint Laurent lấy cảm hứng từ tranh ấn tượng để thiết kế những kiểu áo có chấm bi thật nhỏ.
Khi nhìn gần, đó như thể là những nét chấm phá của trường phái hội họa ấn tượng tiêu biểu qua bức tranh“Le Déjeuner sur l’herbe” (Buổi ăn trưa trên cỏ) của danh họa Monet tại Bảo tàng Orsay. Trong số các bức kiệt tác khác có tranh tĩnh vật của Matisse hay là tranh phong cảnh ''Le Jardin'' (Khu vườn) của Pierre Bonnard, lần này Yves Saint Laurent gợi hứng rất nhiều từ ánh sáng và màu sắc, biến bố cục bức tranh thành một vạt áo lụa mềm tô điểm với hàng loạt nét chấm vàng tươi và đỏ hồng, như thể đó là một góc vườn rộ nở muôn nụ hoa dưới ánh nắng mùa xuân.
Trong khi đó, cuộc triển lãm trong gian phòng triển lãm lớn Galerie d’Apollon thuộc Bảo tàng Louvre qua các kiểu áo và phụ kiện thời trang cho thấy sự ngưỡng mộ của Saint Laurent đối với các thợ kim hoàn. Nhờ tài nghệ luyện kim của các bậc thầy cũng như bàn tay khéo kéo của các thợ đúc thủy tinh, Yves Saint Laurent tái tạo những kiểu áo khoác dát vàng, khảm ngọc, gắn pha lê, rực rỡ ánh sáng lấp lánh hào quang hầu tái tạo lại y phục nghi lễ vương triều thời vua Louis XIV, còn được mệnh danh là vua Mặt Trời.
Cuộc đối thoại liên tục giữa thời trang và mỹ thuật
Sinh thời, Yves Saint Laurent thích sưu tầm đồ cổ cũng như quan tâm nhiều đến làng nghệ thuật đương đại qua các tác phẩm của Picasso, Bracque, Matisse, Van Gogh hay Mondrian. Các nghệ sĩ hậu bán thế kỷ XX như Roy Lichtenstein, Andy Warhol hoặc Wesselmann trong mắt nhà thiết kế có tầm quan trọng không kém gì các tác phẩm kinh điển của Goya, Velázquez hay của các trường phái hội họa Ý, Pháp, Tây Ban Nha ... Nhà tạo mốt nuôi dưỡng một niềm đam mê thực thụ với nhiều bộ môn nghệ thuật.
Màu sắc trong hội họa hay chất liệu trong điêu khắc trở thành một nguồn cảm hứng vô tận đối với Yves Saint Laurent. Cuộc đối thoại liên tục giữa mỹ thuật và thời trang trở thành một động lực then chốt trong quá trình sáng tạo của nhà thiết kế người Pháp. Bản thân ông có quan niệm chiết trung, luôn đi tìm nét khác lạ trong nhiều phong cách nghệ thuật, bất kể ở thời nào đi chăng nữa.
Song song với các bộ sưu tập nguyên tác, Yves Saint Laurent còn gợi hứng nhiều từ giới nghệ sĩ thời trước hay cùng thời để diễn đạt lại một ý tưởng, đôi khi đó có thể là một họa tiết, một màu sắc, một mô típ trong bức tranh, nhưng nếu như chi tiết ấy là cho tâm hồn ông xao xuyến rung động, Saint Laurent lao vào việc chuyển thể, tái tạo như thể một bức tranh nghệ thuật hai chiều được phóng tác thành một tác phẩm thứ nhì, thướt tha mềm mại trên những cơ thể với đường cong mỹ miều, lung linh sống động trong không gian ba chiều.
Theo RFI
Comments powered by CComment