Nhiều phim thể thao của Hollywood thành công khi thể hiện các môn thể thao rất thực tế, và còn nói lên những vấn đề trong xã hội, cũng như có những bài học quý giá cho khán giả.
*Phim đề cử Oscar 2022 bị phản đối vì miệt thị người gốc Á
*Phim VIệt 2022: 'Bẫy ngọt ngào' lội ngược dòng doanh thu
Các môn thể thao thường căng thẳng, từ các môn bóng đá đến các môn võ, và khó thể hiện thành công trên màn ảnh vì phải thể hiện được cảm xúc của các vận động viên và còn phải có những cảnh thi đấu thực tế. Nhưng Hollywood đã biến những điều khó khăn đó mang lên màn ảnh.
Dưới đây là năm phim thể thao vừa thực tế, vừa thể hiện được nhiều cảm xúc, khiến khán giả phải tìm xem.
Coach Carter
Tác phẩm “Coach Carter” của năm 2005 là phim bóng rổ dựa theo câu chuyện có thật của một huấn luyện viên ở California, và có nhiều bài học quý giá cho giới trẻ.
Vai chính của phim là tài tử Samuel L. Jackson trong vai huấn luyện viên Ken Carter của trung học Richmond tại thành phố Richmond ở Bắc California. Ông từng là cựu học sinh và ngôi sao bóng rổ của trung học này, bây giờ được mời huấn luyện đội bóng rổ của trường.
Ban đầu, các cầu thủ trẻ không thích ông vì sự nghiêm khắc và tính tình thẳng thắng của ông. Tuy vậy, ông dạy cho họ nhiều kinh nghiệm quý báu về môn bóng rổ, dạy cho họ kỷ luật và nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.
Từ một đội bóng không ai biết đến, trung học Richmond trở thành một đối thủ “nặng ký” dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Carter.
Tuy nhiên, đối với huấn luyện viên Carter, chiến thắng trên sân bóng không đủ, và ông muốn các cầu thủ thành công trong cuộc sống vì không chắc chắn họ có thể nuôi sống bản thân bằng bóng rổ sau khi tốt nghiệp.
Không chỉ vậy, các cầu thủ còn có nhiều khó khăn trong cuộc sống như gia đình và nguy hiểm trong cộng đồng.
Để vượt qua được các khó khăn, ông Carter muốn các cầu thủ dùng con đường học vấn. Đa số những học sinh trong đội bóng của trường Richmond đều có điểm thấp, và điều đó dẫn đến chuyện ông Carter cấm đội bóng thi đấu nếu không học đàng hoàng. Tuy thắng nhiều trận đấu, nhưng ông vẫn sẵn sàng bỏ hết các thành công đó để dạy cho cầu thủ những bài học quý giá.
Điều đó gây chấn động trong giới thể thao, với nhiều phụ huynh phản đối chuyện cấm các cầu thủ thi đấu.
Nhờ sự chỉ dạy của huấn luyện viên Carter, các cầu thủ của ông thành công ngoài đời trong nhiều lãnh vực.
Vừa có những cảnh bóng rổ thực tế và những bài học quý giá cho giới trẻ, “Coach Carter” là một phim thể thao rất đáng xem.
Hoosiers
Tác phẩm “Hoosiers” của năm 1986 là một trong những phim thể thao được đánh giá cao nhất trong nhiều năm, có chủ đề đối mặt với quá khứ và khởi đầu mới.
Với bối cảnh ở tiểu bang Indiana vào thập niên 1950, “Hoosiers” dựa theo câu chuyện có thật của trung học Milan ở thị trấn Hickory, Indiana.
Vai chính của phim là huấn luyện viên Norman Dale do tài tử lão làng Gene Hackman đóng. Ông từng là một huấn luyện viên bóng rổ cho đại học không thành công, và được hiệu trưởng của trung học Milan mời làm thầy dạy lịch sử và huấn luyện viên bóng rổ.
Thị trấn Hickory rất đam mê bóng rổ, và muốn trung học địa phương đoạt giải vô địch tiểu bang. Tuy nhiên, cầu thủ sáng giá nhất của trung học đó phải nghỉ thi đấu vì điểm thấp, làm đội bóng gặp nhiều trở ngại.
Ông Dale quyết định bắt những cầu thủ còn lại tập sức bền và những động tác căn bản, gây ra nhiều bất mãn. Ông còn sẵn sàng cấm các thủ thi đấu khi cãi hướng dẫn của ông, khiến cư dân của thị trấn muốn sa thải ông.
Với huấn luyện viên Dale, dẫn dắt đội bóng trung học là một cơ hội để ông có khởi đầu mới. Ông từng đánh cầu thủ và bị cấm làm huấn luyện viên, nhưng sự nghiêm khắc giúp ông được học sinh quý mến.
Học Viên Phim Mỹ bình chọn “Hoosiers” là một trong những phim thể thao hay nhất mọi thời đại, và vai huấn luyện viên Norman Dale được coi là một vai để đời của tài tử Gene Hackman.
Million Dollar Baby
Các phim thể thao thường có nội dung tươi sáng như tình huynh đệ hay đánh bại một đối thủ đáng gờm. Tuy nhiên, tuyệt phẩm “Million Dollar Baby” của năm 2004 đầy sự nặng nề, và thành công nhờ điều đó.
Phim quyền Anh này có sự xuất hiện của tài tử lão làng Clint Eastwood trong vai huấn luyện viên Frankie Dunn, và vai chính Maggie Fitzgerald do minh tinh Hilary Swank đóng. Ông Eastwood còn làm đạo diễn cho tác phẩm này.
Ông Frankie là một người rất dè chừng, không muốn tiếp xúc quá gần với người khác. Một hôm, cô Maggie tìm đến phòng tập quyền Anh của ông để nhờ ông huấn luyện.
Ban đầu, ông nói chỉ dạy cho cô những thứ căn bản và sẽ tìm người quản lý cô, nhưng sau đó quyết định đi theo cô trong sự nghiệp võ sĩ. Qua nhiều trận đấu, ông Frankie coi cô Maggie như con gái.
Cô Maggie được thách đấu giành đai vô địch ở Las Vegas thì một chuyện không hay xảy ra, khiến cô bị liệt toàn thân.
Đây là điểm giúp “Million Dollar Baby” nổi bật trong Hollywood có nhiều phim quyền Anh rất hay. Những phim khác thì nói về sự thành công sau nhiều khó khăn của các võ sĩ, nhưng bộ phim này nói về sự đau đớn của một võ sĩ gặp tai nạn và không ai để ý đến cô nữa, trong đó có cả gia đình.
Diễn xuất của hai diễn viên chính trong “Millon Dollar Baby” không thể chê được, lại còn có sự xuất hiện của tài tử lão làng Morgan Freeman.
Khán giả sẽ vui mừng khi cô Maggie chiến thắng trong những trận đấu, và sẽ không cầm được nước mắt khi cô không còn nhiệt huyết như lúc đầu.
Nhờ tác phẩm này, minh tinh Hilary Swank đoạt Oscar vai nữ chính hay nhất của năm 2005. Ông Eastwood thì đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất của năm đó. Tài tử Freeman thì đoạt giải Oscar vai phụ hay nhất.
Remember the Titans
Phim “Remember The Titans” của năm 2000 được coi là một trong những phim thể thao hay nhất mọi thời đại, và có nội dung nói về tình huynh đệ của các cầu thủ vượt qua được sự kỳ thị.
Phim dựa theo một câu chuyện có thật, nói về một huấn luyện viện football gốc Phi Châu đến làm việc tại một trung học ở Virginia vừa chấm dứt phân biệt chủng tộc vào năm 1971, cho người da trắng và da đen học chung.
Tài tử Denzel Washington đóng vai chính là huấn luyện viên Herman Boone. Ông phải giúp đội football của trung học T.C Williams ở Alexandria, Virginia, đoạt giải vô địch tiểu bang.
Đối với dân Virginia, football là môn thể thao được coi trọng hơn cả lễ Giáng Sinh, thậm chí giải bóng trung học cũng được coi trọng. Khi trung học T.C Williams không còn chia cách học sinh da màu và da trắng nữa vào năm 1971, truyền thống football của trường này gặp nhiều thử thách, và huấn luyện viên Boone phải tìm cách hàn gắn các cầu thủ da trắng với da đen.
Khán giả sẽ đi theo đội bóng này qua nhiều giây phút tập luyện và những trận đấu tạo ra tình huynh đệ thân thiết giữa các cầu thủ, và tình huynh đệ đó phá tan sự phân biệt chủng tộc của thập niên 1970.
Tuy “Remember The Titans” thay đổi câu chuyện thật khá nhiều, nhưng ông Washington trong vai huấn luyện viên Herman Boone vẫn tạo ấn tượng sâu đậm với khán giả sau 20 năm công chiếu.
Diễn xuất đầy nhiệt huyết của ông rất hợp với vai huấn luyện viên nghiêm khắc nhưng tốt bụng. Nhờ sự hướng dẫn huấn luyện viên Boone, khán giả vẫn không quên được tình huynh đệ giữa các cầu thủ không bị màu da cản trở.
Rocky
Một phim thể thao được Học Viện Phim Mỹ đánh giá rất cao là “Rocky” của năm 1976 với chủ đề là môn võ quyền Anh.
Phần một công chiếu năm 1976 với tài tử Sylvester Stallone trong vai diễn để đời của mình là võ sĩ Rocky Balboa ở Philadelphia. Kịch bản của phim này do chính ông viết.
Ông là một võ sĩ được coi là tầm thường, không có nhiều chiến thắng. Đến một lúc, ông được chọn để thách đấu nhà vô địch Apollo Creed vì đối thủ của võ sĩ đó bị thương.
Ông phải tập luyện rất nặng như chạy bắt gà để nhanh hơn, uống trứng sống để có cơ bắp, phải chạy bộ đường dài để có sức bền và đấm các tảng thịt đông lạnh để đánh mạnh hơn.
Khi lên võ đài với võ sĩ Creed, ông Balboa chứng tỏ được mình không phải là một võ sĩ tầm thường, và suýt đánh bại được nhà vô địch.
Đây là một bộ phim cho khán giả thấy tâm huyết của một võ sĩ, và được nhiều người coi là động lực để họ tập luyện mỗi ngày. Ngoài ra, “Rocky” còn nói lên sự cứng rắn của con người, luôn đứng lên sau khi ngã gục trên võ đài hay trong đời sống.
Phần bốn là phần được nhiều khán giả nhớ đến vì có cái chết của võ sĩ Apollo Creed.
Dòng phim “Rocky” tưởng như kết thúc vào phần sáu của năm 2006, sau khi ông Balboa lên võ đài lần cuối, nhưng lại tiếp tục vào năm 2015 với phim “Creed,” nói về con trai của võ sĩ Apollo Creed.
“Rocky” là một dòng phim gắn liền với thành phố Philadelphia, khiến nhiều du khách đến bảo tàng nghệ thuật của thành phố này để chạy lên cầu thang như võ sĩ Rocky Balboa trong phim. Thành phố này còn đóng tượng Rocky dưới chân cầu thang vào năm 2006.
Theo Thiện Lê/NV
Comments powered by CComment