Cùng khai thác về chủ đề tội phạm vị thành niên, mỗi đất nước lại có một cách làm phim khác nhau.
Theo luật hình sự Việt Nam, tội phạm vị thành niên được quy định là tội phạm ở độ tuổi từ 14 đến 18 và những người ở trong độ tuổi này sẽ không bị áp dụng án phạt chung thân hay tử hình mà chỉ cần chịu án cao nhất là 12 năm tù giam. Chính điều này đã tạo cơ hội cho những đứa trẻ lạc lối hoàn lương, nhưng cũng tạo ra kẽ hở cho những tên tội phạm trẻ tuổi mất nhân tính mượn luật pháp để gây ra tội ác khó tha thứ.
Vấn đề này không chỉ gây bức xúc trong dư luận ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Và chính điều bất cập này đã được điện ảnh nhiều nước khai thác, kể ra những câu chuyện mà ít ai dám đề cập.
1. Don’t Cry Mommy
Được dựa trên vụ cưỡng hiếp tập thể gây chấn động Hàn Quốc vào năm 2004, Don’t Cry Mommy nói về vụ việc một nữ sinh 15 tuổi bị 41 học sinh nam xâm hại. Nhưng do tuổi còn nhỏ và gia đình có thể lực, những thanh niên kia đã không bị trừng trị một cách thỏa đáng. Bù lại, chúng chỉ phải vào tù một thời gian rồi quay trở lại xã hội và sống một cuộc đời bình thường. Trong khi đó, nạn nhân bị tiết lộ danh tính và bị bắt nạt trên mạng. Do quá uất ức, cô bé đã quyên sinh, để lại dòng chữ “Don’t Cry Mommy” thay cho lời trăn trối và điều này đã dẫn tới quyết định trả thù của mẹ em.
Ngay sau khi công chiếu, bộ phim đã khiến cho nhiều người xem cảm thấy vừa phẫn nộ, vừa xúc động. Phim không chỉ lột tả được nỗi đau đớn mà nạn nhân lẫn gia đình họ phải chịu đựng, mà còn lên án gay gắt sự vô cảm, cũng như lỏng lẻo của luật pháp khi kẻ thù ác không bị trừng trị thích đáng.
2. Confessions
Ra mắt vào năm 2010, Confessions đã trở thành niềm tự hào của người Nhật khi được lọt vào danh sách đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 83. Phim theo chân cô giáo Yoko Moriguchi, một người phụ nữ bất hạnh khi chồng bị HIV còn con gái bốn tuổi thì bị hai học sinh trong lớp sát hại. Do những học sinh vẫn còn là trẻ vị thành niên nên chúng không bị chịu đựng bất cứ hình phạt nào. Điều này đã khiến cho cô Yoko uất hận, dẫn tới một kế hoạch trả thù rất tàn độc.
Bộ phim không chỉ làm khắc họa xuất sắc nỗi đau của bà mẹ Yoko khi mất con và chứng kiến công lý không được thực thi, mà còn làm nổi bật lên một xã hội Nhật vô cảm, thờ ơ trước hoàn cảnh của người khác. Bên cạnh đó, Confessions còn khắc họa được một góc tối trong luật pháp Nhật Bản khi quá nhân nhượng với các học sinh vị thành niên, dù tội lỗi chúng gây ra lớn đến mức nào đi chăng nữa
3. A Clockwork Orange
A Clockwork Orange xoay quanh một tên tội phạm mới 15 tuổi lên là Alex cùng với đồng bọn của cậu. Hằng ngày, cậu và những người bạn đi phá làng phá xóm, trộm cắp, đánh đập, hãm hiếp người vô tội để thỏa mãn thú vui phạm pháp của mình. Tất nhiên, “đi đêm lắm có ngày gặp ma” Alex cũng đến ngày bị đồng bọn bán đứng và bị cảnh sát bắt. Tại đây, cậu bị bắt tham gia một chương trình cải tạo dành cho trẻ vị thành niên để có thể hoàn lương và sớm trở về với xã hội. Nhưng biện pháp này liệu có khả thi?
Không lâu sau khi ra rạp vào năm 1971, tác phẩm của đạo diễn Stanley Kubrick đã bị dán nhãn “X” do chứa quá nhiều phân cảnh bạo lực, cưỡng hiếp gây ám ảnh và bị cấm chiếu ở nhiều quốc gia như Nam Phi, Brazil hay Anh. Bên cạnh đó, nhiều tờ báo đưa tin về các vụ giết người còn được gửi đến nhà đạo diễn khi người ta cho rằng bộ phim của ông đã truyền cảm hứng cho những vụ án này. Phải đến 27 năm sau khi ra mắt, bộ phim mới được chiếu lại ở Anh.
4. Tòa Án Vị Thành Niên
Ngày 25/2, tác phẩm mới của “chị đại xứ Hàn” Kim Hye Soo đã lên sóng Netflix và kịp gây bão khắp cộng đồng yêu phim nhờ kịch bản chắc tay và diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên. Khai thác chủ đề về tội phạm vị thành niên ở Hàn Quốc, phim xoay quanh những tội ác tày trời do trẻ vị thành niên - đối tượng chưa phải chịu sự trừng trị của pháp luật - gây ra.
Thế nhưng, nhân vật chính của phim, thẩm phán tài giỏi Shim Eun Seok luôn có những cách để bắt bọn chúng phải trả giá cho những lỗi lầm của mình. Ngoài ra, qua những nỗ lực của cô, Tòa Án Vị Thành Niên cũng nhấn mạnh rằng xã hội Hàn cũng cần phải chịu trách nhiệm trước những tội ác gây chấn động do một bộ phận người trẻ gây ra.
Theo kenh14.vn
Comments powered by CComment