Tết lại sắp về, dạo này thời tiết ở Mỹ hay mưa và rất lạnh. Thời tiết giống như ở Bắc Việt Nam nên nỗi nhớ nhà càng thêm da diết. Những ngày Tết về, dù đủ đầy về vật chất nhưng trái tim thì trống vắng biết bao.
Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương (Orange County, nước Mỹ): Đã 3 cái Tết tôi xa nhà. Với tôi, Tết như nằm trong tâm trí về những ngày gia đình hội ngộ; là những bữa cơm đoàn viên, quây quần cùng cha mẹ, anh chị em và các cháu; là mâm cơm cúng tổ tiên; là những cành hoa đào đỏ rợp con đường ra viếng mộ ông bà. Người Việt Nam vốn rất coi trọng Tết, nhất là những người đã rời xa quê hương. Với họ, nhớ về quê là nhớ những cái Tết đã đi qua cuộc đời. Trong tuổi thơ của mỗi người kỉ niệm về Tết bao giờ cũng rất đẹp, rất nhớ.
Tôi sống ở Orange County, nước Mỹ - nơi có hàng triệu người Việt Nam sinh sống. Thế nên mỗi khi Tết Nguyên đán về là cả khu phố như bừng lên một màu sắc mới. Về thực phẩm các chợ Việt Nam bán đủ hết các món ăn ngày Tết như măng khô, miến, mộc nhĩ... Những món ăn dân tộc như thịt nấu đông, giò chả... cái gì cũng có. Ở nước ngoài nhưng nơi tôi sống thì chẳng có gì thiếu thốn. Năm nào khu chợ Phước Lộc Thọ nổi tiếng như một biểu tượng của người Việt ở đây cũng tổ chức Hội chợ Tết. Chợ diễn ra từ 10h - 19h mỗi ngày trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1 cho tới Tết, có đủ những món quà Tết của Việt Nam.
Ở chùa Huệ Quang năm nào cũng đốt pháo đón giao thừa và cầu bình an cho năm mới. Hai năm rồi dịch COVID-19 hoành hành nước Mỹ, nhưng ngày lễ này, người Việt vẫn không từ bỏ thói quen tới đón năm mới ở chùa. Cũng như mọi năm, mấy chị em tôi lại quây quần gói bánh chưng. Em gái tôi rất khéo tay, gói những chiếc bánh nhỏ xíu cho lũ trẻ. Giống như ngày xưa cha tôi còn sống, cha luôn gói cho mỗi chúng tôi một chiếc bánh bé xíu để dành. Ở Mỹ, khi có nồi bánh chưng sôi sùng sục ngày 30 Tết ngoài sân nhà mới làm cho chị em tôi cái cảm giác Tết về. Bên nồi bánh chưng, chúng tôi gọi điện video cho mẹ, cho anh chị ở Việt Nam để thấy rằng cả gia đình vẫn đang ở cùng nhau đón chào năm mới. Rồi mấy chị em kéo nhau đi chùa, tới nhà họ hàng, bạn bè chúc năm mới và lì xì cho lũ trẻ.
Tết lại sắp về, dạo này thời tiết ở Mỹ hay mưa và rất lạnh. Thời tiết giống như ở Bắc Việt Nam nên nỗi nhớ nhà càng thêm da diết. Giờ chỉ mong dịch COVID-19 kết thúc để Việt Nam bình yên trở lại, để cho tôi đưa cháu ngoại trở về thăm gia đình. Những ngày Tết về, dù đủ đầy về vật chất nhưng trái tim thì trống vắng biết bao. Tôi nhớ câu hát cũ: "Giờ này bên nhà mùa Xuân đã về/ Bài nhạc xuân buồn hằng năm vẫn nghe/ Mẹ ơi con vẫn không về...". Những con đất Việt, dù sống ở nơi đâu thì trong trái tim họ, nỗi nhớ quê hương vẫn vẹn nguyên. Nhất là những ngày Tết đến, Xuân về.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, họa sĩ đang sinh sống tại nước Đức: Vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, ở Đức tuyết trắng xoá, tàu xe hối hả, cảm giác rất nhớ nhà và nhớ không khí Tết khắp phố phường. Nhớ mùi phố phường và không khí chiều 30 Tết. Nó hoà lẫn mùi thơm lá dong, mùi lá mùi già, với cái màn đêm vừa vắng lặng vừa hối hả… Nó luôn làm người đi xa nhớ không thể quên và chẳng một nơi nào có cái mùi đó, không khí đó. Bình thường đã nhớ, Tết là đoàn viên càng nhớ hơn.
Tết đến, tôi luôn chuẩn bị rất cẩn thận, vì dù có đi tới đâu thì mình vẫn là người Việt. Do đó, tôi luôn muốn các con nhớ về nguồn cội của mình. Tôi đã ở Đức 4 năm, việc chuẩn bị Tết đã trở nên dễ hơn. Tết nào tôi cũng sắm lá dong, gạo nếp, đỗ xanh cùng các con gói bánh chưng, làm rất nhiều món cho Tết. Quất đã mua sẵn từ mùa thu, một chiếc bình gốm to đã sẵn sàng để chờ Xuân tới. Đào có thể mua được một bó nhỏ, nhưng tôi hay ra vườn nhà cắt cành lê hoặc táo để cắm. Tôi yêu Tết và coi trọng các giá trị truyền thống, nên dù ở xa vẫn chuẩn bị Tết rất kỹ. Chỉ khó khăn hơn một chút là thiếu không khí phố phường ngày Tết cổ truyền. Nhưng hạnh phúc tại tâm, miễn là mình muốn thì dù ở đâu cũng như ở quê nhà.
Do không được nghỉ học, nghỉ làm nên các gia đình Việt ở Đức thường chuẩn bị Tết từ rất sớm, sắm dần từng chút một. Phần nữa do người Việt ăn tết kiểu Việt, nhưng không phải muốn mua gì cũng có, nên phải tìm mua, hoặc tự làm. Nhà tôi giữ đúng truyền thống, sắm đủ đào quất. Khoảng ngày 25 tháng Chạp sẽ rửa lá, ngâm đậu, ngâm gạo, thái thịt để gói bánh chưng. Rồi măng hầm móng giò, tai lợn, bò ngâm dấm, chè con ong, các loại mứt… nói chung làm đủ thứ cho Tết.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên khi gia đình tôi mới tới Đức được hơn 1 tháng. Tất cả đều bỡ ngỡ, xa lạ trong căn nhà nhỏ thiếu đủ thứ. Một người bạn của gia đình đã mua tặng một cây quất nhỏ xíu cùng một cây giò. Một người bạn mới quen khác đã mang một cái bánh chưng.
Dịp Tết cổ truyền, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức có tổ chức nhiều hoạt động chung vui cùng kiều bào. Trong chợ Đồng Xuân Berlin và các hội người Việt cũng có các chương trình ca múa nhạc. Các em bé hát múa bằng tiếng Việt; các mẹ, các chị mặc áo dài… Có rất nhiều hoạt động được cộng đồng người Việt tổ chức vào dịp Tết, phần nào cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Anh Mai Văn Chiến, sống tại Beclin (Đức):
Tết là để về nhà, là để quẳng hết gánh lo về quê đoàn viên, nhưng "bão" COVID-19 bùng phát khiến việc này thành một điều xa xỉ.
Tết là khoảng lặng gợi tôi nhớ đến nhiều ký ức đơn sơ mà đẹp đẽ nơi quê nhà. Một năm qua đã có quá nhiều đau thương mất mát đối với tôi. Nhận tin bố ốm nặng, rồi bố ra đi mãi mãi mà tôi không thể về chịu tang được. Nỗi đau, sự hối lỗi trong bất lực như cứa xé ruột gan. Tết năm nay, tôi lại không về được. Chắc mẹ buồn lắm.
Khung cảnh làng quê rộn ràng không khí Tết, những món ăn tuyệt ngon do chính tay mẹ nấu, những giây phút hạnh phúc của cả gia đình quây quần quanh nồi bánh chưng… Trong không khí xuân ngập tràn, tôi nôn nao nhớ quê hương. Mẹ có tuổi rồi, bố mới mất. Nhà tôi có 4 anh chị em thì một em gái lấy chồng xa, hai anh em trai đang ở Đức, chỉ có cô út ở nhà. Tết này hai anh em tôi đều không thể về, mẹ sẽ buồn lắm…
Tôi nhớ ngày bố vẫn bên gia đình cùng cả nhà đón Tết. Tết nào nhà tôi cũng gói bánh chưng. Mẹ thì rửa lá, còn bố chuẩn bị gạo nếp, ướp thịt, thái hành. Lúc bố gói bánh, chúng tôi như hoá trẻ thơ, đứa nào cũng muốn tự tay gói vài chiếc nhưng tất cả đều méo mó và người hoàn thiện cuối cũng những chiếc bánh đó vẫn là bố.
Rồi tôi nhớ khuôn mặt của các thành viên trong gia đình, ai cũng hớn hở khi chờ nhận lì xì của bố... Tất cả cho tôi cảm giác nôn nao đến lạ thường. Mong muốn được về nhà để ôm mẹ, vui với vợ, con và cháu là điều tôi muốn ngay lúc này.
Nguyễn Mai Hương (Pháp): Năm nay là Tết thứ 11 tôi xa nhà nhưng nỗi nhớ quê hương vào dịp Tết đến, Xuân về vẫn vẹn nguyên. Nhớ nhất cái không khí khi chuẩn bị Tết, đi chợ mua hoa, quét dọn trang hoàng nhà cửa. Bên Pháp, tôi ở chơi với mấy gia đình người Việt, Tết cổ truyền là dịp tụ tập ôn lại phong tục tốt đẹp của dân tộc. Mâm cỗ không đầy đủ như ở Việt Nam nhưng cũng có gà luộc, bánh chưng, giò xào, miến măng, dưa muối.
Ngày còn ở nhà chẳng biết gói bánh chưng như thế nào nhưng sang đây thì biết làm hết, từ đi mua thịt, gạo, hái lá, rửa lá, ngâm gạo, ngâm đỗ, gói, luộc bánh. Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên. Chúng tôi gói bánh vào cuối tuần vì ngày thường ai cũng đi làm. Nhà tôi có vườn nên được ưu tiên làm chỗ luộc gần 30 chiếc bánh chưng bằng củi. Kiếm được 3 viên gạch to nhưng chưa có nồi to. Có anh chủ quán phở cho mượn nồi để trong cầu thang chung cư nhưng lại không có chìa khoá. Cuối cùng phải chờ có người vào chung cư để xin vào mới lấy được nồi nhưng khổ nỗi nồi to, mà không có vung. Chúng tôi kiếm được một miếng kim loại đậy lên làm vung.
Nhà gần mặt đường, sợ luộc bánh ban ngày có khói, lính cứu hỏa sẽ tới "hốt" cả hội nên chúng tôi phải luộc đêm. Thời tiết rất lạnh vì đang là giữa mùa đông, giữa vườn không có mái che. Thế là nấu một nồi phở, rang lạc, bia, ngồi ôn chuyện Tết quê nhà. 5h sáng thì bánh chín. Mùi bánh mới luộc thơm khắp vườn, lan cả vào nhà ấm áp.
Tết đến, Xuân về, dịch bệnh phức tạp, năm nay chỉ thương bố mẹ già ở nhà đón Tết vắng con, vắng cháu. Mong rằng dịch bệnh chóng qua, để những người con xa xứ lại được đoàn viên cùng gia đình, quây quần bên mâm cơm nhà sau bao ngày xa vắng.
Theo Mai Hạnh/GĐN
Comments powered by CComment