Group News: Tin copy

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, từ chợ, trung tâm mua sắm, cho đến các cơ sở tôn giáo ở San Jose, miền Bắc California, không khí Tết đang tràn về, như muốn đẩy lùi bóng ma dịch bệnh vốn còn đang bao trùm khắp nơi.

Tết ‘không lân, không pháo’ của cộng đồng người Việt ở New York

Người Việt chen chân đi chợ hoa Phước Lộc Thọ ngày cuối tuần

Ăn chơi tết

Tết sớm

Gia đình chị Phương Nguyễn đến chùa chụp hình trước Tết vì sợ những ngày đầu năm, chùa sẽ đông người. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Ở chùa Đức Viên trên đường McLaughlin Ave, những ngày này, các thiện nguyện viên tất bật hoàn thành công đoạn cuối cùng của phần trang trí Tết.

Mỗi góc nhỏ ở chùa đều là một “góc Tết”. Đây là một trong những nơi được khách thập phương ghé đến nhiều nhất vào mỗi độ Xuân về để viếng Phật, vãn cảnh và chụp hình lưu niệm.

Gia đình chị Phương Nguyễn từ Fremont đến San Jose “ăn Tết sớm” như lời chị nói.

Cháu bé mới sanh được hai tháng cũng được mẹ diện cho bộ áo dài màu xanh. Vợ chồng Phương đưa mẹ là cô Tuyết Lâm và em gái Vy Nguyễn đến chùa xin lộc, lễ Phật và chụp hình Tết.

Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt xinh đẹp của người mẹ trẻ, Phương cho biết: “Tết năm ngoái chỉ có hai vợ chồng tôi đi lễ Phật. Năm nay có mẹ và em gái nữa, nên cả nhà ăn Tết sớm.”

Cô Tuyết Lâm sống ở miền Nam California, chỉ lên thăm cháu ngoại được mấy ngày trước Tết.

Em Thảo Như rất thích khi được mặc áo dài Việt Nam. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Vì còn dịch bệnh, lại có con nhỏ, nên gia đình Phương quyết định chọn ngày trong tuần để lên chùa chụp hình Tết.

“Cuối tuần ở chùa đông người lắm. Vắng vậy chứ cả nhà mình vẫn phải mang khẩu trang. Thấy không có người đi qua mới tạm thời bỏ khẩu trang ra chụp vài tấm hình kỷ niệm,” Phương nói.

“Đi hôm nay thôi, còn Mùng Một gia đình mình chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám ra đường đâu. Đông lắm!”

Mẹ con chị Thảo Hà và Thảo Như cũng xúng xinh trong bộ áo dài lên chùa chụp hình. Hình như mới lần đầu được mẹ cho mặc chiếc áo truyền thống Việt Nam, cô bé Thảo Như “vui như Tết,” nói một câu tiếng Việt không rõ chữ: “Hôm nay vui quá, lại được mặc áo dài, em thích lắm!”

Một góc Tết ở chùa Đức Viên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Lên chùa là thấy Tết

Ở một góc sân chùa, thiện nguyên viên Diệu Kết đang gắn nốt những bông mai vàng lên cây. Chị cho biết trước COVID-19, chị hay lên chùa dạy học, làm công quả.

“Nhớ Tết Việt ghê luôn!,” chị Diệu Kết tâm sự.

“Hồi xưa lúc còn ở Việt Nam, giờ này là cả nhà tôi tụ vô gói bánh, dọn dẹp nhà cửa, lo quần áo mới. Qua bên này, con cái đi làm, chỉ được nghỉ Tết Tây, chứ Tết ta là ngày thường, không được nghỉ nhiều. Ở nhà buồn nên tôi lên chùa niệm Phật, có thời thời gian thì giúp quý sư làm chuyện này chuyện nọ. Tôi cũng vui vì chỉ khi lên chùa mới thấy Tết.”

Chị Diệu Kết đang cắm những cánh mai vàng giả lên cây, trang trí cảnh chùa. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chị Diệu Kết cho biết, mặc kệ các con hay cằn nhằn vì thấy mẹ đi lung tung trong khi dịch bệnh vẫn còn, Mùng Một chị sẽ lên chùa lễ Phật. Cách đây mấy năm chị có dịp về Việt Nam, sắm được nhiều áo dài lắm, qua đây “dính dịch” thế là hết được diện. Tết là dịp để chị… khoe áo dài.

Anh Phạm Ngọc Huấn cũng bận rộn sửa sang lại mấy ngọn đèn quanh chùa, kể với nhật báo Người Việt: “Tết năm ngoái chùa đón rất nhiều Phật tử và khách thập phương, mấy ngàn người luôn. Năm nay nhiều người được chích ngừa rồi, chắc chắn sẽ đông hơn.”

Ông Huấn Phạm được giao nhiệm vụ giữ an ninh cho chùa trong đêm 30 Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Mấy ngày Tết, anh Huấn “lãnh” nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ an toàn cho Phật tử. Anh cho biết, mọi năm, chùa Đức Viên mở cửa vào đêm Giao Thừa cho đến hai giờ sáng Mùng Một.

“Nhưng chưa bao giờ chùa đóng cửa được đúng giờ. Năm ngoái tới 4 giờ sáng cổng chùa mới khép được, rồi 5 giờ đã mở lại vì bà con đến viếng Phật sớm lắm.”

Đặc biệt năm nay, do dịch bệnh vẫn còn, nên nhiều Phật tử… ngại ra chợ, mà ghé viếng Phật, rồi “thỉnh” hàng Tết về luôn, khiến gian Tết của Chùa… “cháy hàng.” 

Ông Khải Lương, thiện nguyện viên phục vụ ở gian Tết của chùa, nói: “Không có hàng tồn. Các bà, các cô làm bánh tới đâu, bán hết tới đó.”

Gian Tết ở chùa Đức Viên rất đắt hàng. (Hình: D0oan Trang/Người Việt)

Mua hàng Tết ủng hộ nhà thờ

Như mọi năm, nhà thờ St. Maria Goretti Catholic Church trên đường Center Road mở gian hàng Tết để gây quỹ. Năm nay, hàng Tết có từ 7 Tháng Giêng và bán cho đến 29 Tết (31 Tháng Giêng). Ở đây có đầy đủ bánh chưng, bánh tét, giò thủ bắc, chả lụa lá chuối, bánh kẹo, hạt dưa,… pháo, pháo bông, phong bao lì xì và đồ trang trí Tết như lồng đèn Tết. Trái cây đủ loại như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sầu riêng,…

Lý do các tín hữu thích ghé qua mua ủng hộ là vì các mặt hàng ở đây được bán với giá rẻ hơn ngoài chợ mà vẫn bảo đảm phẩm chất.

Gian hàng Hội chợ Tết ở nhà thờ St. Mary Goretti Catholic Church. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Buổi trưa, cô Duyên Trần tất tả đến gian hàng Tết của nhà thờ để mua bánh chưng. Cô cho biết đã mua thử rồi, và vì thấy bánh ngon nên trở lại mua thêm để biếu tặng gia đình, người thân.

Chị Lan Nguyễn đi cùng người nhà đến mua quà Tết, cũng đồng tình: “Ở đây bán bánh chưng, bánh tét ngon lắm. Giờ vắng, chứ cuối tuần đông lắm, vì sau lễ, mọi người mới ghé qua mua hàng.” 

Cô Duyên Trần đến gian Tết của nhà thờ St. Maria Goretti Catholic Church để mua bánh chưng vừa rẻ vừa vừa ngon. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chợ Tết kém vui

Cũng như năm ngoái, Khu Chợ Tết Lion Plaza không được tổ chức ở bãi đậu xe như những năm trước COVID-19, mà chỉ “gói gọn” trước cửa các shop bán hàng.

Vẫn có lác đác người qua lại, nhưng “người mua thì ít, kẻ xem thì nhiều”. 

Cô My bán hàng ở tiệm Euro Delights Bakery cho biết: “Họ không cho mở nữa, chỉ cho phép đưa hàng từ trong tiệm ra bên ngoài trước cửa thế này để bán thôi. Mà năm nay sao bán hơi chậm, không bằng năm ngoái.”

Bên trong chợ Lion Market trên đường Story Road, không khí vui hơn, vì có nhiều quầy lớn bán hàng Tết.

Chị Kim Nguyễn vừa chọn được chậu cúc vàng, cho biết: “Vì bận công việc, nên hôm nay mình mới đi chợ Tết. Có hoa rồi, giờ mình qua mua trái cây, bánh tét, bánh chưng, mình mua đấy đủ hết.”

Cô Kim Nguyễn ghé chợ Lion Market mua đồ Tết. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Kim nói năm ngoái vì dịch bệnh đang bùng phát, lại chưa được chích ngừa, nên chị không đi chợ. Năm nay, chị tự tin hơn để vào chợ sắm Tết. “Dù cũng có không khí Tết đó, nhưng chợ Tết ở đây không vui bằng quê mình. Tết quê Việt vui hơn,” Kim nói.

Grand Century Center – Trung tâm mua sắm của người Việt ở San Jose trên đường Story Road, nhiều quầy bán hàng Tết mở từ hơn tuần qua.

Ngay trước Grand Century, xe chở đào đổ xuống nhiều chậu đào rực rỡ. Bên cạnh là mai, cúc, tắc,…

Khách thập phương chụp hình trước chậu hoa mai lớn đặt trong Grand Century Center. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Hoa Tết là món mà nhiều người sắm trước, chứ không chờ đến gần Tết mới mua về. Nhưng những gian hàng thực phẩm luôn thu hút khách nhiều nhất, vì đây là lúc mọi người đi mua để đem biếu – một trong những tập quán không thể thiếu của người Việt.

Gian hàng Tết của shop Đại Lợi đỏ rực các vật trang trí Tết, bao lì xì, quần áo Tết. Bên cạnh là tiệm Ô Mai bán đủ loại bánh mứt. Mọi người phải đứng xếp hàng để trả tiền.

Chị Loan, người bán hàng ở tiệm Ô Mai, cho biết: “Cuối tuần giáp Tết người ta mới đi mua sắm nhiều. Tiệm bán nhiều loại tự làm, nên khách thích lắm. Còn mấy ngày nữa mới hết năm, mà nhiều món Tết đã hết rồi.”

Chị Loan (bìa trái) người bán hàng ở tiệm Ô Mai đang tiếp đón khách. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Không khí Tết tràn về, nhưng không phải trong lòng ai cũng phấn khởi, vui mừng đón Xuân.

Anh Trung Phạm cùng con lững thững đi qua vài gian hàng, tâm sự: “Năm ngoái là một năm đau buồn, nhà mình mất mấy người vì COVID-19. Tết năm nay chỉ có hai cha con với nhau.”

Con còn nhỏ, anh Trung không muốn những chuyện buồn trong gia đình ảnh hưởng đến tâm lý của con, nên cố gắng đưa con đi đây đi đó, để quên hết ưu phiền.

“Mình phải cố gắng sống tích cực, cùng con ‘mừng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua’ vậy thôi,” anh Trung nói.

Lại một năm nữa, cư dân San Jose đón Tết trong dịch bệnh. Tất nhiên là kém vui, nhưng sẽ càng buồn hơn, nếu không có Tết. 

Theo NVO


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.