Group News: Tin copy

 Làn sóng lây nhiễm Covid thứ 5 do biến thể Omicron gây ra đã làm sụp đổ hệ thống y tế Hồng Kông khi số ca nhiễm tăng đến 60 lần trong tháng 2. Ngành bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ ở thành phố này đang chịu sức ép lớn vì doanh thu lao dốc do các hạn chế kinh doanh, người dân ngại đi mua sắm và sử dụng các dịch vụ do sợ nhiễm bệnh.

Ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, các bệnh viện quá tải

Bệnh nhân Covid-19 nằm la liệt trên các giường bệnh ở Trung tâm Y tế Caritas tại Hồng Kông. Ảnh: AFP

Giới chức trách y tế Hồng Kông ghi nhận 6.116 ca nhiễm mới trong ngày 17-2, mức cao kỷ lục  trong đại dịch. Con số đó chưa tính 6.300 ca dương tính mới qua xét nghiệm nhanh và còn chờ xét nghiệm khẳng định. Như vậy, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Hồng Kông tăng đến 60 lần trong tháng này. Các chuyên gia y tế dự báo đến tháng 3, số ca nhiễm mới hàng ngày có thể tăng lên 28.000 người, một con số rất lớn đối với một thành phố 7,5 triệu người.

Các bệnh viện ở Hồng Kông đang quá tải bệnh nhân Covid-19, khiến nhiều người phải nằm chờ ở các giường bên ngoài hành lang và các lều tạm trong thời tiết giá lạnh. Tính đến này 14-2, vẫn còn 12.000 bệnh nhân Covid-19 chờ nhập viện. Tại các bệnh viện công, mỗi nhân viên y tế phải chăm sóc đến 20 bệnh nhân trong mỗi ca trực đêm. Dịch vụ xe cấp cứu cũng đang cẳng thẳng do thiếu nhân lực khi nhiều nhân viên cứu thương bị nhiễm bệnh trong quá trình làm việc.

Giới chức trách không thể đáp ứng kịp các yêu cầu xét nghiệm và cách ly, dẫn đến tình trạng tồn đọng. Do vậy, số ca nhiễm mới hàng ngày chưa phản ánh con số đầy đủ.

Hồng Kông đã ghi nhận khoảng 35.000 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu và hơn 250 ca tử vong, ít hơn nhiều so với các thành phố lớn có quy mô tương tự khác trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo đến mùa hè, làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể gây tử vong gần 1.000 người.

Số ca nhiễm tăng vọt đặt ra thách thức lớn nhất từ trước đến nay cho chính sách “zero-Covid” của chính quyền thành phố này. Nhưng trong tuần này, đặc khu trưởng Hồng Kông, Carrie Lam vẫn khẳng định quyết tâm “không đầu hàng virus SARS-CoV-2”.

Các cơ sở cách ly đã hoạt động hết công suất, trong khi đó, các bệnh viện công đã được lấp đầy 100% giường bệnh hoặc đã phục vụ vượt công suất. Vì vậy, hôm 16-2, bà Carrie Lam kêu gọi các chủ chuỗi khách sạn lớn cung cấp 10.000 phòng để cách ly các ca dương tính và F1.

Một số hãng truyền thông dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết chính quyền dự định xét nghiệm một triệu người mỗi ngày trong tháng 3 tới. Những ai không đồng ý xét nghiệm sẽ bị phạt 10.000 đô la Hồng Kông (1.282 đô la Mỹ).

Một vấn đề khiến biến thể Omicron lây lan nhanh là tỷ lệ phủ vaccine ở Hồng Kông vẫn chưa đủ lớn. Cho đến nay, có khoảng 74% dân số Hồng Kông trên 12 tuổi đã tiêm phòng đầy đủ. Nhưng tỷ lệ tiêm hai mũi ở các nhóm dân số già chưa đạt 50%.

Hôm 16-2, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức Hồng Kông thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để ổn định tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể. Lời kêu gọi của ông Tập làm dấy lên lo ngại rằng Hồng Kông sẽ sớm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hà khắc giống như ở Trung Quốc, bao gồm phong tỏa toàn thành phố.

Cho đến nay, Hồng Kông không muốn áp dụng biện pháp như vậy để tránh gây tổn thương nặng nề cho nền kinh tế.  Nhưng thông điệp của ông Tập cho thấy Hồng Kông không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ chiến lược “zero Covid” cứng rắn của Trung Quốc bất kể giá nào.

Ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống hứng đòn

Hàng ngàn nhà hàng ở Hồng Kông đã đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: SCMP

Số ca nhiễm tăng vọt cộng với các hạn chế được siết chặt đã giáng đòn nặng nề lên ngành bán lẻ ở Hồng Kông. Theo Hiệp hội Quản lý bán lẻ Hồng Kông (HKRMA), lượng khách mua sắm hiện nay giảm 40% so với tháng 12.

“Nếu tình hình dịch bệnh ngày càng tệ và nếu phí cho thuê mặt bằng cứ giữ mức hiện nay, chúng tôi sẽ không sống nổi”, Annie Tse, Chủ tịch HKRMA, nói.

HKRMA, tổ chức đại diện cho khoảng 9.000 cửa hàng bán lẻ và sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động bán lẻ ở Hồng Kông, đã kêu gọi chính quyền buộc các chủ bất động sản giảm phí thuê mặt bằng kinh doanh.

Hôm 17-2, Phòng Thương mại Hồng Kông (HKGCC) hạ dự báo tăng trưởng của Hồng Kông trong năm nay từ 1,6% xuống còn 1,2% vì làn sóng lây nhiễm mới làm trì hoãn các kế hoạch thông thương với Trung Quốc đại lục.

Peter Wong Tung Shun, Chủ tịch HKGCC, lưu ý nếu chính quyền siết chặt giãn cách xã hội, các ngành dịch vụ càng bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện nay, các cơ sở giải trí, phòng gym, quán bar, công viên chủ đề, viện bảo tàng ở vùng lãnh thổ Hồng Kông đều bị buộc đóng cửa để chống dịch. Hồi năm 2020, khi Pinky Yeung và chồng, đều là các huấn luận viên thể dục thẩm mỹ, thuê một không gian bán lẻ rộng 1.400 m2 ở khu phố mua sắm Tiêm Sa Chủy thuộc quận Du Tiêm Vượng của Hồng Kông với giá thuê 500.000 đô la Hồng Kông (hơn 64.000 đô la Mỹ) để làm phòng tập gym, họ cảm thấy như trúng số độc đắc. Giá thuê này chỉ bằng một nửa so với cách đây vài năm. Họ nhanh chóng kiếm được doanh thu phí hội viên 128.000 đô la Mỹ/tháng. Nhưng giờ đây, phòng gym phải đóng cửa, khiến đôi vợ chồng cắn răng trả phí thuê hàng tháng. Yeung nói: “Chúng tôi đang đốt tiền mỗi ngày”.

Trong khi đó, nhiều nhà hàng không trụ nổi vì chỉ được phép phục vụ đến 6 giờ tối.“Ngành kinh doanh ăn uống của thành phố hiện nay đang rơi vào cảnh bi quan, tuyệt vọng cùng cực. Họ không có khách hàng”, Simon Wong Ka-wo, Chủ tịch Liên đoàn nhà hàng và ngành kinh doanh liên quan Hồng Kông, cho biết.

Ông ước tính hơn 2.500 trong số 17.000 nhà hàng của thành phố đã đóng cửa trong hai năm qua vì đại dịch và hơn 1.500 nhà hàng khác có thể đóng cửa trong tháng tới. Khoảng 3.400 nhà hàng khác đã phải tạm ngừng hoạt động để cắt giảm chi phí và giảm thiểu thiệt hại. Hầu hết họ ghi nhận thu nhập giảm 90% kể từ khi chính quyền cấm kinh doanh sau 6 giờ tối bắt đầu từ tháng trước.

Theo Reuters, AFP, New York Times


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.