Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố vụ án với cùng tội danh để làm rõ đơn tố cáo của một số cá nhân đối với bà Hằng.
Tuy nhiên khác với TP.HCM, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.
Nội dung vụ án được Công an tỉnh Bình Dương khởi tố tương tự với vụ án mà Công an TP.HCM đã khởi tố đối với bà Nguyễn Phương Hằng trước đó, để làm rõ hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự.
Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã thụ lý xác minh đơn tố giác tội phạm của 6 cá nhân đối với bà Nguyễn Phương Hằng gồm: ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan.
Các hành vi bà Nguyễn Phương Hằng bị các cá nhân tố cáo gồm: đưa tin sai sự thật, vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Có thắc mắc vụ việc này phải chăng sẽ vi phạm nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam 2015?
Liên quan đến nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, trước tiên, cần phân biệt thuật ngữ “vì một tội phạm” và “vì một hành vi phạm tội”.
Khoản 1 điều 8 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.
Khái quát lại, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Một hành vi cho dù đã cấu thành một hay nhiều tội đã quy định trong Bộ luật hình sự mà vẫn chưa bị xét xử thì hành vi đó vẫn chưa bị coi là tội phạm. Chỉ khi nào hành vi đó bị tòa án tuyên án là tội phạm bằng một bản án có hiệu lực thì bắt đầu từ thời điểm đó, hành vi đó mới gọi là tội phạm.
Trong khi đó, thuật ngữ “hành vi phạm tội” được hiểu là hành vi vi phạm mà Bộ luật hình sự quy định, có thể nói đó chính là hành vi khách quan của tội phạm.
Bà Nguyễn Phương Hằng phạm tội nhưng chưa phải là tội phạm
Một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không được quy định trong pháp luật hình sự thì không được coi là tội phạm. Nói cách khác, chỉ những hành vi làm sai những quy định của pháp luật hình sự, thỏa mãn đầy đủ cấu thành tội phạm thì mới bị coi là tội phạm.
Đây là đặc điểm thể hiện tính hình thức pháp lý của một hành vi phạm tội. Hành vi này được quy định bởi dấu hiệu nội dung của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội.
Một người khi thực hiện một tội phạm tức là đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (đáp ứng các dấu hiệu cấu thành của một tội phạm quy định trong luật hình sự). Do đó, họ phải chịu trách nhiệm hình sự, hình phạt về tội phạm mà họ đã gây ra.
Bản án đã tuyên (kết án) đã có hiệu lực pháp luật là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước đối với hành vi phạm tội và trong trường hợp có tội, bản án đưa ra một hình phạt cụ thể trong hệ thống hình phạt của Bộ luật hình sự để áp dụng đối với người phạm tội.
Do vậy, người phạm tội khi đã bị xét xử về tội phạm do mình thực hiện và đã có bản án có hiệu lực pháp luật thì không phải chịu thêm bất kỳ một sự kết án nào khác về tội phạm đó.
Trong trường hợp bản án có hiệu lực tuyên vô tội thì nguyên tắc trên vẫn được áp dụng như những bản án có hiệu lực khác. Bởi lẽ, dù bản án tuyên có tội hay vô tội thì người phạm tội cũng đã bị một lần xét xử do hành vi mình thực hiện, cho nên không thể chịu thêm bất kỳ lần xét xử nào khác đối với hành vi đó.
Trong trường hợp đã khởi tố, điều tra, truy tố về tội phạm trên thì vụ án phải được đình chỉ. Nguyên tắc này thể hiện sự nhân đạo, công bằng trong pháp luật hình sự.
Điều 14 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định: “Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm”.
Nội dung điều luật nghiêm cấm Cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố họ với tư cách là bị can khi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của họ đã bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật; nghiêm cấm Cơ quan điều tra tiến hành áp dụng các biện pháp điều tra đối với họ khi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của họ đã bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật; nghiêm cấm Viện kiểm sát quyết định truy tố họ ra trước Tòa án để xét xử khi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của họ đã bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật; nghiêm cấm Tòa án xét xử tuyên bố họ phạm tội khi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của họ đã bị kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ theo pháp luật tố tụng như trên cho thấy việc hai cơ quan điều tra ở hai địa phương lần lượt khởi tố một công dân về cùng một hành vi phạm tội là phù hợp pháp luật.
Có một lưu ý là đến nay luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án, và đây là quy định tùy nghi nên còn có những quan điểm cách hiểu áp dụng khác nhau, chưa thống nhất; có những trường hợp theo quy định phải nhập vụ án thì cơ quan điều tra lại tách vụ án gây bất lợi cho người phạm tội, có những trường hợp phải tách vụ án nhưng cơ quan điều tra lại nhập vụ án dẫn đến việc giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền xét xử của tòa án.
Theo Calitoday
Comments powered by CComment