Group News: Tin copy

Viện KSND TP. HCM trả hồ sơ vụ án Nguyễn Phương Hằng để cơ quan điều tra làm rõ vai trò đồng phạm; đồng thời xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng do Công an Bình Dương khởi tố, nhằm giải quyết triệt để vụ án, theo Thanh Niên.

Bà Nguyễn Phương Hằng

 

Bà Nguyễn Phương Hằng

 

Bà Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, là Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương. Chồng của bà Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng hay còn gọi là Dũng "lò vôi", là một doanh nhân nổi tiếng, sinh năm 1961.

Bị hai cơ quan điều tra khởi tố

Bà Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đề nghị truy tố tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo khoản 2 điều 331 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Lệnh khởi tố và bắt tạm giam được đưa ra từ ngày 24/3/2022, trong thời hạn 3 tháng.

Đến ngày 21/6, bà Hằng bị gia hạn tạm giam thêm hai tháng. Ngày 18/8, sau khi nhận kết luận điều tra cùng đề nghị truy tố bị can từ Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM, Viện KSND TP. HCM ra lệnh tạm giam bà Hằng thêm 19 ngày.

Ngoài Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương cũng khởi tố vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án sau khi xác minh đơn thư của 6 cá nhân tố cáo Nguyễn Phương Hằng.

Các đơn tố cáo bà Phương Hằng gồm các hành vi "Vu khống", "Làm nhục người khác" và "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Những người đứng đơn tố cáo gồm nhà báo Nguyễn Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thuỷ Tiên - Công Vinh và bà Đinh Thị Lan.

Hai vợ chồng bà Phương Hằng

Hai vợ chồng bà Phương Hằng

Không chỉ là một doanh nhân, bà Hằng còn nổi tiếng trên mạng xã hội với việc tạo nên kỉ lục livestream. Có thời điểm như ngày 25/5/2021, buổi livestream của bà hút tới gần nửa triệu người xem trực tiếp đồng thời trên các nền tảng YouTube và Facebook.

Loạt các livestream của bà Hằng thu hút người xem bởi việc cáo buộc một số diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình có tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên là ăn chặn tiền ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung trong các đợt quyên góp thiện nguyện hồi 2020, bà cũng ra các cáo buộc nặng nề về đời tư đối với một số người khác, như với ca sỹ Vy Oanh.

Vụ án của bà Hằng xoay quanh chính từ những buổi livestream phủ sóng nói trên. Theo kết quả điều tra, thông qua 12 tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng có phát ngôn xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều nhà báo, nghệ sĩ như ông Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni).

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác định các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của các cá nhân: ông Huỳnh Công Tân, bà Lê Thị Thu Hà, bà Nguyễn Thị Mai Nhi, ông Đặng Anh Quân, ông Nguyễn Đình Kim.

Thanh Niên dẫn nguồn tin riêng rằng, lý do trả hồ sơ là để CQĐT làm rõ vai trò đồng phạm; xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng do Công an Bình Dương khởi tố, nhằm giải quyết triệt để vụ án.

Cơ quan này cũng đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả.

'Làm việc với công an 4 lần' trước khi bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM nói với báo chí rằng họ đã mời bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc bốn lần vào các ngày 18/02, 07/3, 09/3 và 16/3/2022 để cảnh báo, răn đe.

Trong các buổi làm việc, phía công an yêu cầu bà Hằng "chấm dứt hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhưng bà Hằng cố ý né tránh, không chấp hành", theo tờ Công an TPHCM ngày 25/3.

 
 

Tờ báo ngành công an còn cho biết: "Bà Hằng tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn; sân bay Tân Sơn Nhất; tổ chức đoàn đi Hà Nội, Châu Đốc - An Giang...), tổ chức nhiều buổi livestream công kích, xúc phạm nhiều cá nhân, tổ chức, gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật."

Trước khi bị bắt, bà đã bị lệnh tạm cấm xuất cảnh trong thời gian từ 16/2 đến 29/4/2022, được cho là liên quan tới việc bà liên tục thực hiện các buổi livestream mạt sát nhiều người, trong đó có các nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Điều 331 là gì?

Theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận; tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Mới đây, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản Kiến nghị 117 có nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật trong BLHS 2015, gồm điều 109 "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", điều 117 "Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước"; và điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước".

Một số vụ án liên quan Điều 331

Ngày 15/4/2021, Tòa án nhân dân quận Tân Phú (TPHCM) xử bị cáo Quách Duy (nguyên công chức Văn phòng UBND TPHCM) và tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại Điều 331 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Gần đây, ngày 28/10, Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) đã tuyên án bị cáo Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm "Báo Sạch" trong vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân," theo khoản 2 Điều 331 - Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 
 

Tòa tuyên phạt các bị cáo Trương Châu Hữu Danh 4 năm 6 tháng tù; Đoàn Kiên Giang 3 năm tù; Lê Thế Thắng 3 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."

Cùng tội này, hai bị cáo Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã mỗi người lĩnh 2 năm tù.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.