Các áp lực về kinh tế đe dọa tự do báo chí trên toàn thế giới, đó là báo động của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) trong bảng xếp hạng thường niên, được công bố hôm nay, 02/05/2025, trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05. RSF đặc biệt ghi nhận tình trạng suy giảm đáng quan ngại về tự do báo chí tại Hoa Kỳ.
Theo bảng xếp hạng của RSF, các phương tiện truyền thông và nhà báo phải đối mặt với những tình huống "không chắc chắn", "khó khăn" hoặc "rất nghiêm trọng" tại ba phần tư trong số 180 quốc gia được đánh giá. Tổ chức phi chính phủ này nhấn mạnh "lần đầu tiên" tình hình đang trở nên "khó khăn" trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là do những bó buộc về kinh tế, như trường hợp của Hoa Kỳ.
Trái ngược với Na Uy, quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng trong 9 năm liên tiếp, Hoa Kỳ đã tụt thêm hai bậc xuống vị trí thứ 57, sau cả Sierra Leone. Vào năm ngoái, Mỹ vốn đã bị hạ 10 bậc, nhưng trả lời AFP, bà Anne Bocandé, giám đốc biên tập của RSF cho biết tình hình đã tồi tệ hơn kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, do ông đã phát động "các cuộc tấn công hàng ngày" vào báo chí.
Trong báo cáo về 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cũng đã lưu ý: "Tự do báo chí không còn là điều hiển nhiên ở Hoa Kỳ nữa".
Theo RSF, chính quyền Trump đã giải thể các cơ quan truyền thông đối ngoại của Mỹ, như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, khiến "hơn 400 triệu người" không còn được "tiếp cận thông tin đáng tin cậy". Cùng lúc đó, "những sa mạc thông tin rộng lớn" đang xuất hiện ở Hoa Kỳ vì nhiều tờ báo địa phương bị xóa sổ do gặp khó khăn về tài chính.
Trong bảng xếp hạng năm nay của RSF, Eritrea vẫn đứng chót bảng ( 180 ), sau Bắc Triều Tiên ( 179 ) và Trung Quốc ( 178 ). Vẫn trong nhóm các nước cuối bảng, Việt Nam năm nay được xếp ở thứ hạng 173, tăng được một hạng so với 2024. Đánh giá chung của RSF về Việt Nam vẫn không thay đổi: “Các phương tiện truyền thông truyền thống của Việt Nam vẫn bị kiểm soát chặt chẽ bởi một đảng độc quyền lãnh đạo. Các phóng viên độc lập và các blogger thường bị bỏ tù, nên Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới đối với các nhà báo.”
Theo RFI
Comments powered by CComment