Thành công của Apple dựa trên iPhone. Thiết bị bỏ túi siêu lợi nhuận này đã giúp biến công ty từ một người chơi thị trường ngách trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân thành một trong những công ty lớn nhất thế giới, với vốn hóa thị trường gần 3 ngàn tỷ đô la. Phần lớn thành công đó là nhờ chuỗi cung ứng của hãng ở Trung Quốc. Giờ đây, căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại đang đặt sự phụ thuộc đó vào nghi vấn, theo Reuters

Vai trò của Trung Quốc trong sự trỗi dậy của công ty là trọng tâm của cuốn sách Apple in China: The Capture of the World's Greatest Company (tạm dịch: Apple ở Trung Quốc: Sự Thâu tóm của Công ty vĩ đại nhất thế giới).
Cuốn sách này của Patrick McGee, người từng đưa tin về Apple cho tờ Financial Times, dựa trên hơn 200 cuộc phỏng vấn với các cựu giám đốc điều hành và kỹ sư - cũng như tiếp cận các tài liệu khác - để cung cấp một tường thuật hấp dẫn về cách Apple trở nên phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc cho phần lớn sản phẩm của mình cũng như người tiêu dùng Trung Quốc cho 17% doanh số bán hàng năm 2024.
Giờ đây, khi hãng đang ráo riết phát triển các cơ sở sản xuất khác, lịch sử của hãng mang đến những bài học quan trọng cho cả hai nền kinh tế - và cho các nhà sản xuất lớn khác như Tesla.
Việc Apple thâm nhập vào Trung Quốc đáng lẽ đã không thể thực hiện được nếu không có Foxconn của Đài Loan, tên chính thức là Hon Hai Precision Industry.
Do doanh nhân Quách Đài Minh (Terry Gou) thành lập, nhà sản xuất theo hợp đồng này và các đối tác của mình đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mô hình hướng đến xuất khẩu của Trung Quốc vào giữa những năm 1990 bằng cách thành lập các nhà máy ở đại lục.
Họ đã có thể làm như vậy bằng cách hợp tác "ăn ý" với các quan chức địa phương, hưởng lợi từ các khoản trợ cấp, cơ sở hạ tầng và quan trọng nhất là dòng lao động nhập cư giá rẻ từ các vùng nông thôn.
"Chú Terry", như Apple gọi ông Quách, nổi bật nhờ sự nhạy bén chính trị của mình, tác giả McGee viết. "Họ bơm tiền cho ông ta không tiếc tay", ông trích lời một giám đốc điều hành cấp cao giấu tên của Apple vào thời điểm đó.
Công ty bắt đầu hợp tác chặt chẽ với Foxconn vào năm 1999, thuê ngoài sản xuất iMac và vài năm sau là iPod. Nhờ khả năng lắp ráp sản phẩm với tốc độ và quy mô của Foxconn, Apple đã xuất xưởng 22,5 triệu máy nghe nhạc di động vào năm 2005, tăng từ chỉ dưới một triệu chiếc vào năm 2003.
Sự xuất hiện của Apple ở Trung Quốc khác với các công ty lớn khác. Các công ty đa quốc gia từ Samsung Electronics của Hàn Quốc đến hãng xe hơi Volkswagen của Đức trước đó đã thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các liên doanh địa phương.
Bắc Kinh kỳ vọng rằng điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho các đối tác địa phương - mặc dù điều đó hiếm khi xảy ra.
Apple không có liên doanh cũng như không thành lập các hoạt động riêng. Thay vào đó, hãng đã đầu tư và dạy nhiều công ty địa phương cách cung cấp linh kiện và sản xuất sản phẩm của mình - giúp hãng tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một số ít nhà cung cấp chủ chốt, cải thiện sức mạnh đàm phán của mình.
Điều này cũng dẫn đến một sự chuyển giao bí quyết sản xuất "về nghệ thuật làm ra mọi thứ, về tổ chức các vấn đề thực tế, và về cách mọi người sản xuất, phân phối, đi lại, giao tiếp và tiêu dùng" mang tính lịch sử, theo nhà kinh tế Văn Nhất gốc Hoa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, người được ông McGee trích dẫn trong cuốn sách.
Không hề quá lời khi nói rằng Apple đã đi tiên phong trong việc phát triển chuỗi cung ứng sản xuất tinh vi nhất thế giới, đồng thời giúp khai sinh ra các thương hiệu điện thoại thông minh đối thủ từ Huawei đến Xiaomi.
Chiến lược này đã gây tổn hại cho các công ty Đài Loan. Nhờ sự hỗ trợ của nhà sản xuất iPhone, các tập đoàn Trung Quốc đại lục như Luxshare Precision Industry và BYD Electronic International dần dần chiếm được thị phần ngày càng lớn hơn trong chuỗi cung ứng ngày càng "đỏ" của Apple.
Sự chèn ép này thể hiện rõ trong biên lợi nhuận hoạt động của Foxconn - chỉ số năm 2024 đã giảm xuống mức cực kỳ thấp là 2,8%, từ gần 11% một thập kỷ trước đó.
Nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, bao gồm cả khu vực tư nhân và các công ty đa quốc gia nước ngoài.
Năm 2015, ông Tập công bố kế hoạch "Made in China 2025" để giảm sự phụ thuộc của đất nước vào công nghệ nước ngoài.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy rủi ro chính trị khi kinh doanh ở Trung Quốc đang gia tăng, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook vẫn kiên định. Apple đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và dữ liệu trên khắp đất nước, xóa các ứng dụng mà Bắc Kinh không thích khỏi App Store Trung Quốc và thậm chí còn đầu tư vào công ty gọi xe Didi Global.
Chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump đe dọa đảo lộn mối quan hệ này. Cho đến nay, Bắc Kinh đã kiềm chế không trả đũa Apple, ngay cả khi quan hệ với Washington xấu đi.

Cửa hàng Apple ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Các quan chức Trung Quốc có lý do chính đáng để hành động thận trọng.
Ví dụ, ông Cook tuyên bố rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ này hỗ trợ năm triệu việc làm cho Trung Quốc, hơn một nửa trong số đó là trong lĩnh vực sản xuất. Nhắm mục tiêu vào một công ty nước ngoài lớn sẽ khiến các nhà đầu tư khác sợ hãi và làm suy yếu lời tuyên bố của đất nước về việc mở cửa cho kinh doanh.
Bất chấp nỗ lực tự chủ của Tập Cận Bình, Trung Quốc vẫn cần công nghệ và vốn phương Tây. Ngay cả sự trỗi dậy của các đối thủ địa phương đáng gờm như Huawei vẫn chưa làm ảnh hưởng đến triển vọng của Apple.
Các nhà phân tích được công ty phân tích dữ liệu Visible Alpha thăm dò cho rằng Apple dự kiến sẽ thu về 77 tỷ đô la doanh thu ở toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc vào năm 2027.
Mặc dù xuất khẩu điện thoại thông minh từ Trung Quốc hiện được miễn thuế quan của Mỹ, và hai bên hôm 12/5 đã hoãn hầu hết các khoản thuế của họ, nhưng rõ ràng là mô hình dựa vào một quốc gia duy nhất để sản xuất của Apple là không bền vững.
Ông Cook đã tăng cường nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình: ông ước tính "phần lớn" tất cả các sản phẩm được vận chuyển đến Mỹ sẽ được sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam vào quý 3 năm nay.
Công ty cũng đã cam kết chi hơn 500 tỷ đô la ở Mỹ trong bốn năm tới để chiều lòng lời kêu gọi đưa đầu tư trở lại quê nhà của ông Trump.
Về lâu dài, điều này sẽ đồng nghĩa với chi phí cao hơn, ngay cả trước khi tính đến thuế quan: ví dụ, chi phí sản xuất điện thoại ở Ấn Độ có thể cao hơn tới 10% so với ở Trung Quốc, Reuters đưa tin tháng trước, trích dẫn các nguồn tin.
Việc sản xuất ở Mỹ thậm chí còn khó xảy ra hơn. Nhà phân tích Dan Ives của cong ty dịch vụ tài chính Wedbush Securities ước tính một chiếc iPhone sản xuất tại Mỹ có thể khiến người tiêu dùng phải trả tới 3.500 đô la, gấp hơn ba lần giá hiện tại.
Theo thời gian, dấu ấn sản xuất của Apple có thể giống với Tesla: hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk đã trải dàn các nhà máy của mình trên khắp Mỹ, Đức và Trung Quốc.
Điều bất định hơn là sự khoan dung của Washington đối với việc Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ và đầu tư vào các nhà cung cấp nội địa.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio từng cảnh báo rằng Apple đang "đùa với lửa", đề cập đến kế hoạch hợp tác với Yangtze Memory Technologies, một nhà sản xuất chip nhớ do Bắc Kinh hậu thuẫn - một thỏa thuận mà Apple hiện đã hủy bỏ.
Khi Apple đẩy mạnh vào trí tuệ nhân tạo còn Tesla nói về triển vọng xây dựng robot hình người, Washington sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của cả hai công ty ở Trung Quốc.
Theo BBC
Comments powered by CComment