Group News: Tin copy

Hiện nay, phụ nữ gốc Á khắp Hoa Kỳ đang chịu nhiều vụ tấn công liên quan đến thù ghét và vẫn lo sợ. Đó là một vấn đề nguy hiểm mà nhiều cộng đồng Á Châu gặp phải, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời nhiều chuyên gia dự hội thảo hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Hai, để thảo luận những cách vượt qua thù ghét và bảo vệ cộng đồng.

Tội phạm thù ghét người gốc Á tăng cao ở San Francisco

           Tội thù ghét người Á Châu ở Los Angeles County tăng 76% trong năm 2020

Cộng đồng gốc Á ở New York tưởng niệm cô Christina Yuna Lee. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

Từ Tháng Ba, 2020 đến nay, trang web “Stop AAPI Hate” cho thấy có đến 10,370 báo cáo những chuyện liên quan đến thù ghét xảy ra. Trong những vụ tấn công thù ghét người gốc Á, nạn nhân đa số là phụ nữ, và nhất là phụ nữ cao niên.

Sự việc xảy ra gần đây nhất là cái chết của cô Christina Yuna Lee ở New York. Người phụ nữ 35 tuổi này bị kẻ gian đi theo về nhà, sau đó bị đâm chết.

Các diễn giả là những nhà hoạt động bảo vệ các cộng đồng Á Châu và có một người thân của một nạn nhân bị tấn công thù ghét.

Diễn giả đầu tiên là bà Sung Yeon Choimorrow, tổng giám đốc National Asian Pacific American Women’s Forum (NAPAWF).

Bà Sung Yeon Choimorrow (trái) và bà Manita Etcubanez. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà Choimorrow cho biết tình trạng coi thường phụ nữ gốc Á không có gì mới, và đại dịch COVID-19 làm chuyện đó trầm trọng hơn. Những phụ nữ đó bị quấy rối hay bị tấn công vì chủng tộc và giới tính của họ.

Theo bà, 60% những người tự báo cáo có chuyện thù ghét xảy ra là phụ nữ. Một khảo sát của NAPAWF từ Tháng Sáu, 2020, đến Tháng Giêng, 2021 cho thấy 70% cử tri nữ gốc Á cho biết họ bị quấy rối hay bị kỳ thị.

Chuyện phụ nữ Á Châu bị kỳ thị ở Hoa Kỳ đã xảy ra từ lâu trong lịch sử.

Vào năm 1834, người phụ nữ Á Châu đầu tiên nhập cư đến Hoa Kỳ là bà Afong Moy. Bà được một doanh gia ở New York đưa đến Mỹ, và được trưng bày để người Mỹ nhìn cách bà ăn nói và dáng người khác với họ. Cách người Mỹ tiếp xúc với bà Afong Moy ảnh hưởng đến cách nhìn về phụ nữ Á Châu của họ trong mấy trăm năm.

Bà Choimorrow cho hay phụ nữ Á Châu thường bị xem là một tiết mục giải trí hay một thứ xa lạ, và từng có luật cấm phụ nữ gốc Á đi xa mà không có người thân là đàn ông đi theo vì họ thường bị nghĩ làm nghề mại dâm. Đến Thế Chiến 2, phụ nữ gốc Nhật thường bị kỳ thị qua những tuyên truyền về chiến tranh.

Trong nhiều năm, cách truyền thông như phim ảnh thể hiện phụ nữ gốc Á gây ra nhiều hiểu lầm về văn hóa của họ, và tạo ra nhiều nguy hiểm cho các cộng đồng đó.

Bà nói, trong hai năm đại dịch vừa qua, nhiều người gốc Á, nhất là phụ nữ, bị tấn công và thậm chí bị giết chỉ vì màu da và văn hóa của họ. Một trong những vụ tấn công vì thù ghét người Á Châu kinh khủng nhất là vụ bắn người hàng loạt tại các tiệm spa và tiệm massage ở Atlanta, Georgia, vào Tháng Ba, 2021, làm tám người thiệt mạng, trong đó có sáu phụ nữ gốc Á.

Diễn giả thứ hai là bà Marita Etcubanez, một giám đốc của tổ chức Asian American Advancing Justice, nói về những cách bảo vệ các cộng đồng Á Châu.

Nhiều cộng đồng kêu gọi chấp dứt thù ghét người Á Châu. (Hình: Michael M. Santiago/Getty Images)

Bà cho biết vào Tháng Năm, 2021, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật chống tội thù ghét. Đạo luật đó tạo điều kiện để lấy thông tin và báo cáo dễ hơn, cũng như huấn luyện cho các cơ quan công lực, và đó là những thứ mà các nhà hoạt động kêu gọi từ lâu.

Ngoài ra, đạo luật này còn tạo ra một hệ thống báo cáo tội thù ghét qua mạng, vừa dễ sử dụng vừa giúp đỡ những người không biết tiếng Anh. Các tiểu bang còn phải tạo ra một đường dây điện thoại để người dân báo cáo tội thù ghét.

Diễn giả thứ ba là bà Michelle Kang, tổng thư ký Ủy Ban Người Nam Hàn Chống Thù Ghét Atlanta, nói về những hoạt động của ủy ban này sau vụ thảm sát ở Atlanta.

Sau vụ bắn người hàng loạt, ủy ban này tổ chức một lễ tưởng niệm để nhiều cộng đồng thiểu số đoàn kết, cũng như kêu gọi chính phủ Mỹ đưa lịch sử Á Châu vào sách giáo khoa K-12. Bà Kang hy vọng các cộng đồng Á Châu sẽ được ưu tiên nhận được quyền lợi và các chương trình từ chính phủ một cách công bằng.

Bà còn cho hay, trong những năm đại dịch hoành hành, ủy ban của bà kết nối được với nhiều cộng đồng gốc Á khác, cũng như các cộng đồng thiểu số khác, để bảo vệ khỏi kỳ thị và thù ghét.

Diễn giả cuối cùng là bà Susanna Yee, một người dạy yoga và diễn giả truyền cảm hứng. Bà còn là cháu ngoại của bà Yik Oi Huang, cụ bà bị tấn công gần nhà ở San Francisco vào năm 2019 và qua đời vì thương tích quá nặng.

Mở đầu, bà Yee mời những người dự hội thảo hít thở sâu vài lần để nhẹ nhàng thân thể và có thể thoải mái trò chuyện.

Bà Michelle Kang (trái) và bà Susanna Yee. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bà cho hay sinh ra ở San Francisco và kể bà ngoại ra khỏi nhà để đi bộ vào ngày 9 Tháng Giêng, 2019. Nơi cụ bà bị tấn công là khu dân cư mà bà Yee lớn lên và vẫn thường đến thăm gia đình ở đây.

Bà nói người tấn công bà ngoại của bà là một thanh niên da đen, có tên Keonte Gathron, 18 tuổi. Tuy nhiên, vì sự việc đó xảy ra trước đại dịch, nên không được truyền thông chú ý nhiều. Bà kể hôm đó bà vừa hoảng hồn vừa giận dữ sau khi nghe tin.

Theo bà, bị cáo Gathron phải trải qua nhiều đau đớn khi tấn công bà ngoại của ba vì cho rằng những người đang đau đớn mới muốn làm hại người khác.

Hiện nay, bà Yee đang kêu gọi thành phố San Francisco đổi tên công viên ở khu dân cư Visitacion Valley thành “Công Viên Hòa Bình và Tình Bạn Yik Oi Huang,” mang tên bà ngoại của bà để tưởng nhớ người quá cố. Đó là nơi bà Yik Oi Huang bị tấn công khi ra khỏi nhà để đi bộ tập thể dục buổi sáng.

Sau hai năm đại dịch, các cộng đồng người Á Châu, nhất là phụ nữ, vẫn còn đối mặt với nhiều sợ hãi từ tình trạng kỳ thị và thù ghét. Vì vậy, bốn diễn giả nói chính phủ và các nhà hoạt động còn phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực để bảo vệ các cộng đồng đó. 

Theo NV


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.