Nước Mỹ sản xuất 18.8 triệu thùng dầu thô/ngày, đứng đầu thế giới. Hạng nhì là Saudi Arbia, 10.8 triệu thùng, và hạng ba là Nga, 10.7 triệu thùng, theo thống kê của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ.
Mỗi ngày nước Mỹ sản xuất nhiều hơn Saudi Arabia 8 triệu thùng, nhưng vẫn bị vương quốc này “bắt chẹt” khi cùng khối OPEC Plus thông qua quyết định cắt giảm sản xuất 2 triệu thùng/ngày hôm 5 Tháng Mười vừa qua.
Vì sao?
Câu trả lời không đơn giản vì sự vận hành sản xuất của kỹ nghệ dầu và giá cả thị trường thế giới rất phức tạp.
Nước Mỹ tiêu thụ dầu nhiều hơn sản xuất, thể chế chính trị Mỹ không cho phép kiểm soát công ty tư nhân, và nhiều người dân Mỹ chưa nhận ra mong ước “xăng rẻ” của họ đối nghịch với quyền lợi của kỹ nghệ dầu. Đó là vài nguyên nhân chính khiến giá xăng luôn bất ổn.
“Con nghiện” Mỹ tiêu thụ dầu nhiều hơn mức sản xuất
Toàn thế giới, mỗi ngày cần dùng khoảng 100 triệu thùng dầu, riêng nước Mỹ tiêu thụ nhiều nhất, trên 20 triệu thùng/ngày, chiếm 1/5 mức tiêu thụ toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng của Mỹ, khoảng 18 triệu thùng, ít hơn nhiều so với lượng tiêu thụ, 20 triệu thùng, và đương nhiên, sự thiếu hụt này phải được bù đắp từ nguồn dầu ngoại quốc.
Khi vẫn thiếu khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày, chỉ cần nguồn cung trên thị trường giảm nhẹ, giống như theo quyết định của khối OPEC Plus vừa qua, giá cả nhiên liệu ở Mỹ bị ảnh hưởng nhanh chóng.
Quốc gia tiêu thụ dầu nhiều hàng thứ nhì thế giới là Trung Quốc với mức 15.4 triệu thùng/ngày, ít hơn mức 20 triệu thùng của Mỹ. Như vậy, mức tiêu thụ của Trung Quốc chỉ bằng 3/4 của Mỹ, dù dân số Trung Quốc, 1.4 tỉ, đông gần gấp năm lần dân số Mỹ, 330 triệu.
Nhìn tỉ lệ tiêu thụ dầu giữa Mỹ và Trung Quốc như trên cho thấy chính vì căn nguyên “nghiện dầu” nên chỉ cần một thay đổi bất thường trên thị trường dầu toàn cầu là dân Mỹ cảm thấy “hụt hơi.”
Do đó, không còn khó hiểu để nhận thấy rằng mỗi khi có biến động ở eo biển Hormuz là giá xăng thị trường Mỹ tăng dù Hoa Kỳ không nhập cảng dầu của Iran. Hay như trong việc cấm vận giao thương với Nga, vì Tổng Thống Vladimir Putin xâm lăng Ukraine, làm chao đảo giá nhiên liệu tại Hoa Kỳ, dù Mỹ nhập dầu mỏ từ Siberia không đáng kể.
Sản xuất nhiều nhất không đồng nghĩa kiểm soát được giá cả ổn định
Ngay cả khi sản lượng đáp ứng chính xác nhu cầu nội địa, Mỹ vẫn cần nhập cảng và xuất cảng dầu liên tục. Bởi vì, chất lượng dầu thô không đồng nhất, có thể nặng hoặc nhẹ, “ngọt” hoặc “chua,” và những phẩm chất đó ảnh hưởng đến mức độ cần được tinh chế và mục đích sử dụng. Do đó, kỹ nghệ dầu mỏ của Mỹ vẫn cần liên tục xuất cảng dầu thô và nhập cảng dầu đã tinh luyện, hoặc ngược lại.
Như vậy, việc sản xuất dầu hoả lớn nhất không phải là yếu tố chính trong việc kiểm soát giá dầu thế giới.
“Nói đến bảo vệ nền kinh tế quốc gia khỏi tác động của những biến động giá dầu toàn cầu, nếu chỉ là một nhà sản xuất dầu lớn nhất, đơn thuần chẳng có ý nghĩa gì cả,” bình luận của ông Bob McNally, nhà sáng lập và chủ tịch tổ chức Rapidan Energy Group, chuyên cố vấn thị trường năng lượng.
“Quyền lực thực sự trong thị trường dầu hoả là người có khả năng ổn định giá cả,” ông McNally nhận định.
Để tạo được tình trạng ổn định giá cả phải có “năng lực sản xuất dự phòng” (spare production capacity) theo đánh giá của chủ tịch tổ chức Rapidan Energy Group.
Khả năng ổn định giá cả tuỳ thuộc “năng lực sản xuất dự phòng”
Bộ Năng Lượng giải thích “công suất dự phòng” là mức sản lượng có thể thay đổi được trong 30 ngày và duy trì tình trạng đó trong ít nhất 90 ngày.
Để tạo được “công suất dự phòng,” quốc gia đó phải có “năng lực sản xuất dự phòng.”
Điều này có nghĩa là quốc gia sản xuất dầu đó phải có năng lực để có thể bơm thêm hoặc giảm thiểu sản lượng, một cách bất chợt, để đối phó với tình hình biến động nào đó trong thời gian vài tháng.
Khi giá dầu biến động trên toàn thế giới, các quốc gia sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có thể bảo vệ thần dân của họ khỏi “cú sốc” giá cả nhờ tạo được “năng lực sản xuất dự phòng.”
Năng lực này có được nhờ các lý do địa chính trị và chính trị khiến các quốc gia Vùng Vịnh Ả Rập xem việc sản xuất dầu mỏ là vấn đề an ninh quốc gia và có khung luật pháp để bảo đảm việc duy trì “công suất dự phòng,” theo giải thích của nhật báo The Atlantic.
Đây chính là vũ khí kiểm soát giá cả trên thị trường một cách hữu hiệu của các quốc gia đặt an ninh quốc gia triệt để trên việc xuất cảng dầu.
Saudi Arabia có thể tăng sản lượng tối đa để giá dầu thô sụt giảm liên tục khiến cho những mỏ dầu mới không sinh đủ lợi nhuận để những công ty khai thác rơi vào tình trạng èo uột tài chánh, và ngược lại, vương quốc này có thể cắt giảm sản lượng tối đa để nâng lại giá dầu theo ý họ muốn.
Nước Mỹ không có “năng lực sản xuất dự phòng”
Nền tảng kinh tế của nước Mỹ là tư bản.
Liên bang không quyền trên các mỏ khí đốt hay dầu hoả trên đất tư nhân.
Chính phủ Mỹ cũng không có biện pháp nào để khiến các công ty tư nhân gia tăng hay giảm thiểu sản lượng dầu.
Sự tồn tại và phát triển kỹ nghệ dầu mỏ tư nhân khiến cho nước Mỹ không thể nào có được “năng lực sản xuất dự phòng” để biến ước mơ “năng lượng độc lập” của các đời tổng thống Mỹ, Cộng Hoà lẫn Dân Chủ, trở thành hiện thực.
Năm 1973, Tổng Thống Richard Nixon công bố Kế Hoạch Độc Lập Năng Lượng, một chiến dịch đến năm 1980 sẽ loại bỏ nhập cảng dầu mỏ ngoại quốc nhập cảng vào Mỹ.
Kế hoạch trên thất bại, nhưng kể từ đó mọi đời tổng thống kể từ ông Ronald Reagan đến Barack Obama đều hướng tới ước muốn “độc lập về năng lượng.”
Chỉ có ông Donald Trump, với cách tuyên truyền cường điệu, bất chấp thực tế cơ chế chính trị và hoạt động của kỹ nghệ dầu, khi cố thổi phồng hình ảnh cá nhân khi “nổ” rằng nước Mỹ “thống trị năng lượng” thế giới.
Đương nhiên, người Mỹ sẽ hưởng lợi nhiều nếu Kế Hoạch Độc Lập Năng Lượng thành công, nước Mỹ sẽ không bị vướng vào những khủng hoảng và chiến tranh, thậm chí, không cần phải chi trả tốn kém cho việc duy trì những căn cứ quân sự ở Trung Đông.
Nhưng thể chế nước Mỹ không cho phép định đoạt hoạt động của các công ty tư nhân.
Ngược lại, dựa vào quyền tự do thương mại và sở hữu hiến định, các công ty dầu mỏ Mỹ lại có khuynh hướng chống lại sự độc lập về năng lượng cho đất nước.
Bà Ann-Louis Hittle, phó chủ tịch công ty cố vấn và đầu tư Wood Mackenzie, nhận định rất tốn kém để có được và duy trì “năng lực sản xuất dự phòng.”
“Giới đầu tư không bao giờ muốn bỏ tiền để ‘ngồi không’ rồi chờ thời điểm thuận lợi,” bà Hittle nhận định.
Vì vậy, hiện nay “năng lực sản xuất dự phòng” của Mỹ là một con số “zero.”
Ước mơ “giá xăng rẻ” trái ngược với kỹ nghệ dầu mỏ
Chân lý hiển nhiên là: Quyền lợi các công ty khai thác và lọc dầu tỉ lệ nghịch với ước muốn giá xăng rẻ của người dân Mỹ.
Điều này có nghĩa rất đơn giản là nếu giá xăng rẻ hơn, lợi nhuận của các công ty giảm. Và nếu, giá xăng “rẻ mạt” theo “mơ ước” của dân chúng, các công ty dầu sẽ đứng trên bờ vực phá sản vì không còn lợi nhuận.
Đứng trước viễn ảnh khối OPEC Plus sẽ giảm sản lượng dầu, trước đó, hai “đại gia” kỹ nghệ khai thác dầu Mỹ, công ty American Petroleum Instute và American Fuel and Petrochemical Manufacturer, đã vội vã gửi một lá thư đến bà Jennifer Granholm, bộ trưởng Bộ Năng Lượng Mỹ.
Hai “đại gia” này tỏ ý quan tâm đến việc chính phủ Biden cân nhắc đến chuyện giới hạn lượng dầu xuất cảng để giảm áp lực giá xăng trong nước.
Giới kỹ nghệ dầu muốn giới chức liên bang ngừng bàn thảo giải pháp này và cũng không muốn khai thác thêm dầu nội địa dù ngay trong năm đầu tiên chấp chánh, 2021, Tổng Thống Biden đã cấp hơn 3,500 giấy phép khai thác dầu và khí đốt, nhiều hơn gần 900 giấy phép so với năm đầu tiên của chính phủ Trump.
Những công ty có được số giấy phép “hùng hậu” (được gia hạn mỗi 10 năm) nêu trên không muốn khai thác ngay lập tức để giải quyết tình trạng thiếu thốn năng lượng hiện nay, mà họ sẽ chờ vào thời điểm có lợi nhuận cao nhất.
Kinh Tế Gia Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch tổ chức cố vấn chính trị trung hữu, American Action Forum, nhận định trên PolitiFact rằng: “Các công ty, sau khi có giấy phép khai thác, chờ đợi để bảo đảm thu được lợi nhuận từ các giếng dầu xứng đáng với mức đầu tư to lớn mà họ bỏ ra.”
Những người cả tin trút hết bất mãn vào ông Biden và không hề nghĩ đến hậu quả đại dịch COVID-19 làm thế giới tê liệt năm 2020-2021 và cuộc chiến Nga-Ukraine càng lúc càng tàn bạo làm ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường dầu thế giới.
Họ cũng không nghiệm ra được niềm ao ước giá xăng rẻ của mình mâu thuẫn hoàn toàn với lợi nhuận của kỹ nghệ khai thác dầu cùng các chính trị gia được giới tài phiệt năng lượng hóa thạch hậu thuẫn.
Để chấm dứt bị ngoại quốc “bắt chẹt” giá dầu, người dân Mỹ cần đoạn tuyệt với bệnh “nghiện dầu” bằng cách chuyển sang năng lượng xanh cũng như sáng suốt trong quyết định chính trị, qua lá phiếu.
Dù giới chính trị gia được kỹ nghệ dầu tài trợ có khéo tuyên truyền đến đâu, dân chúng cần nhớ rằng vì nền tảng thể chế, kỹ nghệ dầu Mỹ sẽ không bao giờ đạt được mức độ “năng lực sản xuất dự phòng” để thật sự độc lập về năng lượng.
Còn xài xăng là còn bị ngoại quốc bắt chẹt.
Theo NV
Comments powered by CComment