Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2022 được dự báo sẽ đạt mức 8%, vượt mục tiêu của Chính phủ đề ra, nhưng đồng thời nước này đang đối mặt sức ép lạm phát tăng, nguồn cung xăng dầu không ổn định và chi phí đầu vào gia tăng.
Đây là những nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo hôm 20/10 khi Quốc hội nhóm họp kỳ họp thứ tư.
Theo đó, tổng sản phẩm nội địa, tức GDP, của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 8,83% và cho cả năm ước sẽ tăng ở mức 8% so với năm 2021 trong khi mục tiêu của Chính phủ đề ra là từ 6 cho đến 6,5%.
Con số tăng trưởng này đánh dấu sự phục hồi của Việt Nam sau một năm lao đao vì đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa để chống dịch trong thời gian dài, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, trung tâm kinh tế của cả nước, khiến sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt.
Hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam đang là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất đông nam Á trong năm nay và cả năm sau với mục tiêu chính phủ đề ra cho năm 2023 là 6.5%.
Một chỉ số khác cũng được ông Chính ca ngợi là ‘nợ công và nợ nước ngoài được kiểm soát an toàn’. Theo số liệu ông Chính đưa ra, nợ công của Việt Nam hiện nay vào khoảng 43-44% GDP, so với giới hạn mà Quốc hội đề ra là 60%, nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, thấp hơn mức trần là 50% và nợ nước ngoài quốc gia vào khoảng 40-41% GDP (mức trần là 50%).
Sức ép lạm phát
Tuy nhiên, ông Chính cũng thừa nhận sức ép lạm phát đối với Việt Nam là rất căng thẳng và chính phủ nước này sẽ phải chật vật đối phó. Chính phủ dự báo lạm phát của Việt Nam trong cả năm 2022 là 4%, phù hợp với mục tiêu và dự báo sẽ tăng 4,5% trong năm 2023.
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, ông Chính nói trước Quốc hội, với sức ép lạm phát cao, giá xăng dầu biến động mạnh, chi phí nguyên vật liệu tăng trong khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp.
Trong những tháng còn lại trong năm 2022 và trong năm tới, chính phủ của ông ‘sẽ tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế’, ông nói trước Quốc hội.
Hồi tháng 9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất để chống lạm phát và bình ổn thị trường tiền tệ, tuy nhiên cơ quan này lại yêu cầu các ngân hàng thương mại xoay sở làm sao để giữ lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm kích thích nền kinh tế.
“Chính phủ đặt mục tiêu duy trì đủ lượng tiền cung ứng cho các doanh nghiệp trong khi kiểm soát chặt chẽ các khoản vay cho các khu vực có nguy cơ rủi ro,” ông Chính nói.
Việt Nam đạt mức độ tăng trưởng này trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động với nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng yếu hay đối mặt nguy cơ suy thoái do tác động của cuộc chiến của Nga ở Ukraine, giá năng lượng tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và hậu quả của đại dịch.
Chẳng hạn, nền kinh tế Trung Quốc vốn trong nhiều năm có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới nhưng trong quý 3 chỉ đạt 3,4% trong khi cả năm dự báo đạt 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 5,5%, theo Reuters. Trong khi đó, lạm phát tăng vọt ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, đến mức 8-10%.
Theo VOA
Comments powered by CComment