Tầng hai cổng tam quan thuộc lối chính dẫn vào chùa Thiên Mụ ở Cố đô Huế từng tồn tại một bức tranh vẽ rồng với họa tiết, màu sắc cầu kỳ. Từ hàng chục năm nay, bức tranh đã bị che khuất bởi một lý do đặc biệt.
Bức tranh rồng phong cách cung đình từng tồn tại trên cổng tam quan chùa Thiên Mụ, Huế. Ảnh T.L
Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, xây dựng vào năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Chùa nằm bên bờ bắc sông Hương thuộc địa phận phường Hương Long, cách trung tâm TP Huế 5km. Từ lâu, chùa Thiên Mụ đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ Huế, gắn với hình ảnh ngọn tháp Phước Duyên 7 tầng cao 21 mét nằm bên bờ sông Hương.
Chùa Thiên Mụ nhìn từ trên cao. Ảnh: FB Phan Thanh Hải
Từ chùa Thiên Mụ nhìn lên thượng nguồn sông Hương
Tháp Phước Duyên, hình ảnh mang tính biểu tượng về ngôi chùa nổi tiếng xứ Huế
Nhắc đến chùa Thiên Mụ, nhiều người liên tưởng tới ngọn tháp Phước Duyên - hình ảnh được xem là đại diện cho ngôi cổ tự, cùng với bảo vật quốc gia Đại Hùng chung nổi tiếng... Nhưng có một chuyện ít ai biết.
Cũng tại ngôi “quốc tự” này, từng có một bức tranh vẽ rồng, mây theo phong cách cung đình, với màu sắc rực rỡ, họa tiết tinh xảo cầu kỳ... Bức tranh được thiết trí ngay tầng hai cổng tam quan trên lối chính dẫn vào chùa. Theo các tài liệu và thông tin từ giới nghiên cứu văn hóa Huế, bức tranh rồng này đã bị che lấp kể từ năm 1945 trở về sau này.
Trong đợt trùng tu chùa Thiên Mụ từ năm 2003-2006, khi những người thợ tiến hành bóc tách các lớp vôi phủ ở tầng hai cổng tam quan, một bức tranh vẽ rồng đã phát lộ. Tuy nhiên, bức tranh cổ xưa này sau đó tiếp tục bị che lại.
Bức tranh rồng tồn tại một thời. Ảnh: T.L
Trao đổi với PV, tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh TT-Huế, xác nhận có một bức tranh vẽ rồng từng tồn tại trên tầng hai cổng tam quan chùa Thiên Mụ.
Theo TS Phan Thanh Hải, chùa Thiên Mụ là ngôi quốc tự dưới thời nhà Nguyễn, trụ trì chùa do triều đình bổ nhiệm. Vì là quốc tự, nên hình thức trang trí, cách sử dụng màu sắc luôn theo quy chuẩn của kiến trúc cung đình cùng thời. Bức tranh rồng trên cổng tam quan như nêu ở trên xuất hiện muộn vào đời vua Khải Định, Bảo Đại (1916-1945), tồn tại trong một thời gian ngắn thì bị che lại.
Trong quá khứ, bức tranh rồng từng bị che lại
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, Thiên Mụ không còn là quốc tự, ngôi chùa trở về đúng chức năng là nơi chuyên tâm tu tập của các sư, tăng; nhà chùa không muốn chịu ảnh hưởng của yếu tố Nho giáo, nên bức tranh mang phong cách cung đình đã bị che lấp kể từ năm 1945.
Trong lần trùng tu từ năm 2003-2006, các cơ quan chức năng đã tham khảo ý kiến nhà chùa đối với bức tranh rồng phát lộ trên cổng tam quan. Tôn trọng ý kiến nhà chùa, bức tranh một lần nữa được phủ lấp lại.
Cổng tam quan chùa Thiên Mụ ngày nay, bức tranh xưa vẽ rồng cũng bị che lấp bởi các tấm gỗ phủ màu sắc đậm chất thiền
Theo một tư liệu nghiên cứu của ông Phan Thanh Hải, trước đó, trong các lần tu bổ vào năm 1945, 1947, 1957, với nỗ lực “Thiền hóa” màu sắc các công trình, diện mạo nói chung của chùa Thiên Mụ đã có nhiều thay đổi.
Hình thức các công trình có vẻ bình dị, dân gian hơn, nhất là sau khi nhà chùa đã cho phủ lấp các trang trí cầu kỳ cũ, thay đổi các màu sắc nóng, mạnh bằng những màu sẫm, xám tro…
Hình ảnh chùa Thiên Mụ xưa. Ảnh: T.L
Bản vẽ chùa Thiên Mụ xưa. Ảnh chụp tư liệu
Còn trong đợt trùng tu tổng thể chùa Thiên Mụ vào các năm 2003-2006, việc phục hồi tôn tạo các công trình kiến trúc, cảnh quan chùa đảm bảo tuân thủ tính chất trang trọng, uy nghiêm vốn có. Việc trùng tu còn đảm bảo phù hợp hài hoà với thực tế hoạt động của chùa, gắn liền với hoạt động tín ngưỡng Phật giáo của đông đảo công chúng; không như các di tích cung đình khác.
Theo TPO
Comments powered by CComment