Group News: Tin copy

Trong vòng 10 năm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, cùng đồng phạm được cho là rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong đó bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.

BBC

Vì sao có sự khác biệt đó? Ở bài viết này, BBC sẽ giải thích những con số trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Các số liệu trong bài là từ kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an Việt Nam. BBC không có điều kiện kiểm chứng các con số này.

Con số 1 triệu tỷ đồng là gì?

Là tổng số tiền mà bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo cho các cá nhân, tổ chức thực hiện vay từ ngân hàng SCB, qua 2.527 khoản vay, từ ngày 01/01/2012 đến 07/10/2022, theo kết luận điều tra của cơ quan công an.

Nhưng đến ngày 17/10/2022, nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ là 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 nợ gốc và 193.315 nợ lãi). Đây là số tiền được xác định là không thể thu hồi.

Con số 677.286 tỷ đồng được chia làm hai giai đoạn.

  • Từ năm 2012-2017 là 132.247 tỷ (68.305 tỷ nợ gốc và 63.942 tỷ lãi)
  • Từ năm 2018-2022 là 545.039 tỷ (415.666 tỷ nợ gốc và 129.373 tỷ lãi)

Vì sao chia làm hai giai đoạn?

Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung sửa đổi 2017 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 mở rộng nội hàm khái niệm để xử lý hành vi tham nhũng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, tức khu vực tư nhân

"Tham ô tài sản" là một tội danh thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng.

Như vậy, từ 2012-2017, tuy đã có luật hình sự về tham ô tài sản nhưng chưa mở rộng áp dụng cho tổ chức, cơ quan ngoài nhà nước nên tội tham ô không áp dụng lên bà Trương Mỹ Lan. Các sai phạm của bà Lan và đồng phạm trong giai đoạn này được quy vào tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Còn sai phạm của bà Lan từ 2018-2022, với BLHS đã đi vào hiệu lực năm 2018, có quy định xử lý tội "Tham ô tài sản" trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì bà Lan bị đề nghị tội này.

BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUỒN: CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA, BỘ CÔNG AN

Biểu đồ giải thích hai giai đoạn gắn với hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan

304.096 tỷ đồng là gì?

Đây là con số mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an kết luận bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của SCB trong giai đoạn 2018-2022. Con số này được CSĐT quy vào tội "Tham ô tài sản", quy định tại Điều 353 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Con số này được tính bằng cách lấy tổng số nợ gốc là 415.666 tỷ mà bà Mỹ Lan và đồng phạm được cho là đã rút từ SCB từ 2018-2022 qua việc lập khống 916 hồ sơ vay, trừ đi giá trị tài sản đảm bảo có tính pháp lý là 111.570 tỷ đồng, ra con số 304.096 tỷ đồng. Đây là số tiền mà bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt, gắn với tội danh "Tham ô tài sản".

Bên cạnh số tiền trên, lãi phát sinh từ nợ gốc lên tới 129.373 tỷ đồng. Như vậy, tổng thiệt hại bà Lan và đồng phạm gây ra được công an xác định là hơn 433.469 tỷ đồng.

Hình phạt cao nhất của Tội Tham ô tài sản?

Theo luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế Giới Luật Pháp, tội "Tham ô tài sản" có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.

"Tuy nhiên, trong quá trình lượng hình, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể được hưởng mức án thấp hơn," luật sư Sơn nhận định.

Theo cơ quan điều tra, giúp sức cho bà Lan trong hành vi "Tham ô tài sản" là hàng loạt nhân sự cấp cao của SCB như các nguyên Chủ tịch HĐQT SCB - ông Đinh Văn Thành, và ông Bùi Anh Dũng. Hàng loạt cái tên khác giữ chức vụ cao đều được xem là "tay chân" của bà Trương Mỹ Lan và cũng chịu chung tội danh "Tham ô tài sản".

Trong số những nhân vật này có bà Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Trương Mỹ Lan), là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn VTP và được cho là người trực tiếp sử dụng số tiền mà VTP rút khỏi SCB, bằng việc dựng lên nhóm 52 công ty "ma" để tạo các khoản vay khống. Ông Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt, cũng góp phần lập các hồ sơ vay khống để rút ruột SCB.

Ông Hồ Bửu Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VTP, được cho là "kiến trúc sư" tham mưu cho bà Lan để bày binh bố trận các khoản vay khống.

Bà Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, giữ vai trò chỉ đạo cho nhóm nhân viên của Tập đoàn VTP lập ra các pháp nhân "ma" và là người điều hành việc sử dụng dòng tiền sau khi giải ngân theo chỉ đạo của bà Lan.

Ông Bửu Phương và bà Huệ Vân là những người bị bắt cùng lúc với bà Mỹ Lan vào tháng 10/2022.

64.621 tỷ đồng là gì?

Đây là con số mà bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại trong giai đoạn từ năm 01/01/2012 - 31/12/2017.

Những vi phạm của bà Lan và đồng phạm trong giai đoạn này được cơ quan điều tra liệt vào tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng..." quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Khung hình phạt cao nhất của tội này là 20 năm tù giam.

Trong giai đoạn này, bà Lan đã chỉ đạo hợp thức 3.680 hồ sơ vay vốn để SCB giải ngân cho 304 khách hàng thuộc nhóm bà Lan qua 204 mã tài sản.

Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ này còn hơn 132.247 tỷ đồng, gồm 68.306 tỷ đồng nợ gốc và 63.942 tỷ đồng nợ lãi, được xếp vào nhóm không có khả năng thu hồi.

Trên 204 mã tài sản đảm bảo, theo đánh giá của Ngân hàng SCB, chỉ có 96 mã tài sản có đủ pháp lý trích lập dự phòng rủi ro.

Vì vậy, sau khi trừ đi các tài sản đủ điều kiện và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm trị giá 67.626 tỷ từ 204 mã tài sản nói trên, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại 64.621 tỷ đồng.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.