"Dựa trên cơ sở xác định nguyên nhân tử vong của bé V.A thì cơ quan điều tra sẽ có đủ chứng cứ để xác định tội danh của đối tượng Trang và Thái", Luật sư Trần Minh Hùng chia sẻ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đã bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp (Viện Kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn) đối với Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM) để điều tra về hành vi hành hạ, ngược đãi con theo điều 185 Bộ luật hình sự.
Ông Thái bị cáo buộc là đồng phạm, giúp sức bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai) hành hạ chính con gái ruột của mình là bé N.T.V.A (8 tuổi).
Trước đó, ngày 28/12, bà Trang đã bị bắt giam và khởi tố với tội danh "Hành hạ người khác" dẫn đến cái chết của bé V.A.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Minh Hùng (Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ: Việc xác định tội danh của ông Thái sẽ phải dựa trên 2 tình huống xảy ra sau khi có kết luận giám định, khám nghiệm tử thi, các chứng cứ liên quan.
Thứ nhất, bé bị bạo hành nhưng nguyên nhân tử vong không phải do đánh đập, không phải do các vết thương trên thân thể và thứ 2 bé bị bạo hành và tử vong do các vết thương mà đối tượng Trang đã gây ra.
Nếu khi đã có giám định pháp y và có đủ chứng cứ chứng minh nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu do đánh đập, thương tích trên cơ thể, thì khi đó cơ quan chức năng có thể thay đổi tội danh, truy cứu trách nhiệm hình sự bị can Trang về các tội nặng hơn như tội "Cố ý gây thương tích".
Còn nếu cháu bé bị người vợ đánh đập, đối xử tệ bạc như giam lỏng không cho ăn, hành hạ tuy nhiên nguyên nhân gây tử vong lại không phải do việc bạo hành gây ra thì việc cơ quan điều tra khởi tố Trang về tội "Hành hạ người khác" theo Điều 140 BLHS 2015 là có căn cứ.
"Từ những cơ sở xác định chính xác hành vi của Trang sẽ là một trong những căn cứ để xử lý đối với ông Nguyễn Kim Trung Thái đã có hành vi đồng phạm, giúp sức hay không. Thế nhưng, theo những thông tin bước đầu thì theo tối việc khởi tố " tội Cố ý gây thương tích" đối tượng Trang là cơ sở nhất" - luật sư Hùng nói thêm.
"Hiện nay, cơ quan chức năng quận Bình thạnh đang khởi tố ông Thái về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà , cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Đây là tội danh nặng hơn tội danh hành hạ người khác vì ông Thái là cha ruột, còn bà Trang không phải mẹ cháu nên khởi tố tội hành hạ người khác", vị luật sư nói.
Ngoài ra, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, cũng cho biết, việc Trang đánh đập cháu V.A rất nhiều lần và kéo dài mà ông Thái không biết, không đứng ra bảo vệ sự an toàn sức khoẻ và tính mạng cho con là điều khó có thể chấp nhận.
Theo bà Ngọc Nữ, trong Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng đã nêu rõ kể cả trong trường hợp ly hôn thì cha mẹ vẫn có nghĩa vụ với con cái, cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ này đối với con riêng của chồng, vợ mình. Pháp luật đã cấm các hành vi bạo hành trẻ em.
Đồng thời, việc ông Thái không cho bé V.A gặp mẹ sau khi ly hôn thì cũng đã vi phạm nghiêm trong bản án của toà án và Luật Hôn nhân và Gia đình.
Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:
"1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo."
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment