Trong lúc không có người lớn bên cạnh, bé trai ngã chìm vào chậu nước. Dù được cứu sống nhưng não của bé bị thiếu oxy, không thể phục hồi.
Bệnh nhi là bé trai 14 tháng tuổi ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Trong lúc mẹ làm vườn, em chơi chung với một bé khác ở trong nhà. Một lúc sau, mẹ phát hiện bé đang úp mặt vào xô nước sạch mà không rõ thời gian chìm.
Bé trai được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: BVCC |
Sau khi được vớt ra, bé hôn mê sâu, người tím tái. Người nhà đưa em đến Bệnh viện huyện Củ Chi cấp cứu. Khi nhập viện, bé trai đã ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ ngay lập tức hồi sức tim phổi 30 phút và thành công. Bệnh nhi được chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Tại đây, bé được ê-kíp bác sĩ Khoa Cấp Cứu nỗ lực điều trị thở máy, chống phù não tích cực. Tuy nhiên, có thể bé bị chìm lâu trong nước nên có tình trạng thiếu oxy não nghiêm trọng, không thể phục hồi.
Bác sĩ CK1 Phạm Hoàng Minh Khôi, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, đây là tai nạn rất thương tâm và thường gặp vào dịp hè hoặc khi nghỉ Tết. Đặc biệt, tai nạn xảy ra nhiều hơn trong giai đoạn nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Theo bác sĩ Khôi, do bản tính của trẻ con rất thích khám phá nên phụ huynh không để trẻ một mình. Các xô, chậu nước trong nhà cần có nắp đậy hoặc không chứa nước nếu đã dùng xong.
Khi phát hiện trẻ bị chìm trong nước, người lớn cần cố gắng bình tĩnh cấp cứu ban đầu. Đặt trẻ trên mặt phẳng cứng, dùng khăn lau và ủ ấm để tránh hạ thân nhiệt. Sau đó, có thể hà hơi thổi ngạt hoặc ấn tim ngoài lồng ngực, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Nguyên tắc cấp cứu là tại chỗ, khẩn trương, đúng phương pháp, giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân.
Các bác sĩ khuyến cáo, thời điểm vàng sơ cứu trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước (ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên). Đồng thời, người nhà xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).
Nhiều sai lầm khi cấp cứu đuối nước vẫn thường diễn ra như: xốc, vác nạn nhân gây ra những thương tổn thứ phát; hơ lửa nạn nhân làm mất thời gian cấp cứu và gây bỏng.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment