Group News: Tin copy

Những ngày gần đây, hoạt động mua bán các loại thuốc "trị COVID" như Molnupiravir, Favipiravir… trở nên sôi động trên mạng xã hội.

Đây vốn là các loại thuốc kháng virus đang được sử dụng theo chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 và được chỉ định cấp phát miễn phí cho bệnh nhân F0. Số thuốc này được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ Y tế và chưa được cấp phép lưu hành sản phẩm và bán trên thị trường.

Tuy nhiên, nhiều hội, nhóm mua bán các loại thuốc dành cho điều trị F0 này đua nhau xuất hiện trong thời gian gần đây khi thông tin về dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại.

Chỉ cần gõ “thuốc trị F0” trên thanh tìm kiếm của Facebook, ngay tức khắc xuất hiện hàng loạt bài viết quảng cáo kèm hình ảnh về mặt hàng này với giá bán công khai.

Trong số những tài khoản buôn bán trên mạng có “S.K”. Tài khoản này thường xuyên đăng tải nội dung chào hàng trên các hội nhóm Facebook. Mỗi bài đăng của S.K luôn có nhiều lượt tương tác, hỏi mua.

Phóng viên (PV) báo Dân Trí đã thử liên hệ với S.K để thăm dò và hỏi mua thuốc. Sau lời giới thiệu qua tin nhắn trên Facebook, S.K gọi điện thoại tới cho phóng viên để trao đổi. Đầu dây bên kia là giọng một người đàn ông khoảng 25 tuổi.

Người thanh niên giới thiệu: “Bên tôi có thuốc Molnupiravir Molaz loại 200 mg được nhập từ Ấn Độ và thuốc Molnupiravir loại 400 mg. Loại Molnupiravir nhập từ Ấn Độ luôn có sẵn, có thể giao ngay trong ngày. Còn nếu muốn mua thuốc Molnupiravir 400 mg anh phải báo trước để chúng tôi kiểm tra xem có hàng hay không”

Theo giá mà anh ta chào bán, thuốc Molnupiravir 200 mg nhập từ Ấn Độ gồm một hộp chứa 40 viên thuốc có giá 11 triệu đồng. Còn thuốc Molnupiravir 400 mg cũng có giá 11 triệu đồng cho 2 vỉ gồm 20 viên thuốc.

Khách muốn mua số lượng lớn từ 5 hộp trở lên sẽ được bớt khoảng 100.000-200.000 đồng/hộp. Theo người bán, hai loại thuốc này đều có khả năng kháng virus như nhau chỉ khác nhau về liệu trình uống. Về nguồn gốc số thuốc này, Facebook S.K cho biết đó là hàng xách tay từ nước ngoài về và “có ông anh làm bác sĩ nên lấy ra bán”.

Theo chủ tài khoản S.K, toàn bộ số thuốc này không có giấy tờ hợp lệ chứng minh về nguồn gốc xuất xứ.

Trong quá trình trao đổi, người đàn ông liên tục hối thúc PV đặt hàng mua càng sớm càng tốt vì theo anh ta thị trường mua bán thuốc điều trị Coivd-19 đang rất nóng, khan hiếm hàng, giá thuốc có thể tăng theo từng giờ.

Về phương thức giao dịch, người này nói sẽ giao hàng thông qua shipper và thanh toán khi đã nhận hàng.

Tuy nhiên, khi PV đặt mua 4 vỉ thuốc Molnupiravir 400 mg thì vài giờ sau người này thông báo hiện đã hết hàng loại này. Facebook S.K cho biết sẽ liên hệ lại sau khi nhập lại được hàng.

Sau đó, các PV lại tiếp cận một thanh niên có Facebook tên N.V.D. qua các group mua bán thuốc tây trên mạng. Người này rất tích cực đăng bài chào bán các loại thuốc kháng virus dành cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Facebook N.V.D giới thiệu loại Molnupiravir 400 mg được bán với giá 13,5 triệu đồng/hộp. Còn các loại Molnupiravir 200 mg hay Favipiravir xách tay ở Ấn Độ có giá từ 7 triệu trở lên.

PV sau đó nói với chủ tài khoản N.V.D rằng giá thuốc quá đắt và muốn khảo giá thêm những người bán khác. Tuy nhiên, khi PV liên hệ thêm một Facebook tên “T.k.Đ.t” cùng một số tài khoản khác thì thật bất ngờ những tài khoản này đều do một người quản lý và bán hàng.

Sau 2 ngày khi PV hỏi lại để mua một hộp thuốc Molnupiravir 400 mg thì giá lúc này đã lên 14 triệu, nhưng hàng chưa biết khi nào có. Người này giải thích lý do giá thuốc tăng cao hơn so với 2 ngày trước: “Thuốc Molnupiravir 400 mg giờ khan hiếm nên muốn mua phải cọc 100% tiền hàng, có hàng lúc nào thì trả lúc đó. Giờ cán bộ sợ không dám lấy, thỉnh thoảng mới lấy được vài hộp thôi”

Một tài khoản khác là N.T.T.H thì lại chào mời trên FB với nội dung: “Bên em có bán thuốc Molnupiravir 200 mg của Ấn Độ giá 9 triệu/hộp và Molnupiravir 400 mg giá 14,5 triệu/hộp. Anh muốn mua bao nhiêu em cũng sẽ lo được”

Người bán quảng cáo rằng, bản thân có liên kết với một kho thuốc và có thể nhập một lượng lớn các loại thuốc kháng virus đặc trị Covid-19. Về nguồn gốc số thuốc Molnupiravir, tài khoản này cho biết đây là bí mật không thể tiết lộ nhưng khi khách nhận hàng sẽ cho kiểm tra thoải mái và đảm bảo hàng nguyên hộp cùng tem mác và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, muốn mua hàng, chủ tài khoản yêu cầu khách phải cọc trước 500.000 – 1 triệu đồng để làm tin.

Khi PV tỏ ra hoài nghi và sợ rằng sẽ bị “nuốt cọc”, tài khoản N.T.T.H lập tức gọi điện thoại cho phóng viên để trấn an. Đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ. Theo tài khoản này, khi mua, khách kiểm tra thuốc mà nghi ngờ là hàng giả thì hoàn toàn có thể đổi trả hoặc chuyển sang loại khác.

PV sau đó đã quyết định đặt mua 2 hộp thuốc Molnupiravir 400 mg của người phụ nữ này và chờ ngày nhận hàng.

Theo DKN News

 

Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.