Nam bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, bứt rứt khó chịu trước khi tự đóng cây đinh 4cm vào đầu, xuyên sọ nguy kịch.
Ngày 10/1/2022, thông tin Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT) cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh tại đây đã phẫu thuật thành công một trường hợp tự đóng đinh vào đầu rất hi hữu.
Bệnh nhân là ông N.V.Đ. (70 tuổi, ngụ ở Vĩnh Long). Theo người nhà bệnh nhân Đ., ông mắc bệnh trầm cảm khoảng 12 năm nay, có uống thuốc điều trị. Gần đây, bệnh nhân thường xuyên mất ngủ, cảm thấy đau đớn, bứt rứt khó chịu. Khoảng 15 giờ ngày 7/1, bệnh nhân tự đóng một cây đinh vào ngay đỉnh đầu của mình.
Sau khi phát hiện, người nhà đưa bệnh nhân vào BV địa phương rồi chuyển đến BVĐKTWCT cấp cứu khuya cùng ngày với tình trạng tỉnh táo, đỉnh đầu có dị vật đường kính khoảng 5mm. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, dị vật kim loại khoảng 3-4cm cắm vào não vùng đỉnh bên trái, cạnh xoang tĩnh mạch dọc trên.
Nhận định đây là trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh tiến hành khám, hội chẩn phẫu thuật khẩn cấp lấy cây đinh ra. Ê-kíp phẫu thuật tiến hành rạch da từ dị vật về 2 hướng song song đường giữa, bộc lộ sọ, khoan gặm sọ xung quanh dị vật, lấy cây đinh dài 4cm chỉ cách xoang tĩnh mạch 5-10mm. Sau đó, các bác sĩ mở màng cứng kiểm tra, cầm máu kỹ. Thời gian phẫu thuật là 2 giờ.
Hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh kết hợp điều trị trầm cảm.
BS.CK2 Chương Chấn Phước, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết, đây là tai nạn rất ít gặp do bệnh nhân có chủ ý gây ra nhưng nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân rất may mắn khi cây đinh không đâm trúng các cấu trúc quan trọng của não. Đặc biệt, cây đinh nằm rất gần xoang tĩnh mạch sọ, chỉ cần lệch về bên phải 5-10mm thì tiên lượng rất nặng, khả năng phẫu thuật thất bại cao, kể cả tử vong trên bàn mổ.
Dị vật xuyên não màng não là cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, tùy theo vị trí tổn thương của dị vật mà có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: yếu liệt chi, rối loạn chức năng sống, áp xe não, thậm chí nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trường hợp bị dị vật đâm xuyên, không nên cố gắng rút dị vật ra mà nhanh chóng sơ cứu, rửa sạch và băng vết thương và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để xử trí kịp thời. Vì trong các trường hợp tổn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời, khi vội rút ra, bệnh nhân có thể tử vong vì chảy máu ồ ạt.
Chưa kể, rút dị vật không đúng phương pháp còn làm mạch máu, thần kinh tổn thương thêm nặng nề, gây khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật.
"Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong phẫu thuật thần kinh. Ê-kíp phẫu thuật có thể tính toán rút dị vật ra theo hướng nào và với góc bao nhiêu độ để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mạch não và các cơ quan lân cận, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh" - bác sĩ phân tích.
Theo Pháp luật và bạn đọc
Comments powered by CComment