Trong 12 bệnh nhân mắc biến chủng Omicron được phát hiện sau khi nhập cảnh TP HCM, có 2 bệnh nhân bị sổ mũi nhẹ, ho ít đàm, còn lại không có triệu chứng.
Theo bà Mai, tính đến nay TP chỉ phát hiện 12 ca nhiễm Omicron sau khi nhập cảnh. Các trường hợp này đều được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM). Hiện tất cả bệnh nhân đã được xuất viện.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết 12/12 bệnh nhân mắc biến chủng Omicron tại TP đã được xuất viện
"Trong 12 trường hợp người bệnh mang biến chủng Omicron, có 2 người bị sổ mũi nhẹ, ho ít đàm, còn lại không có triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện bảo đảm theo quy định hướng dẫn của TP. Liên quan người cùng ngồi máy bay với các trường hợp trên, TP đã xét nghiệm trên 2.000 người và chưa phát hiện trường hợp có lây nhiễm" – bà Mai cho hay.
Về tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho nhóm nguy cơ, theo bà Mai, đến nay TP HCM có 18.493 người đã được tiêm ngừa, chiếm 71,6%. Hiện ngành y tế TP vẫn thực hiện đi từng ngõ gõ từng nhà thuyết phục người dân tiêm vắc-xin.
"Vẫn còn có người dân từ chối tiêm vắc-xin với nhiều lý do như người nhà không cho đi đâu, chỉ ở trong nhà. Với những trường hợp này, các bác sĩ và lực lượng tình nguyện sẽ tư vấn, vận động tiêm ngừa. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp tục có những tờ rơi để hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo sức khỏe cho các cô bác" – bà Mai nói.
Bà Mai cho biết thêm, bên cạnh những hoạt động trên, TP HCM cũng chỉ đạo Sở Y tế tham mưu tiếp các kế hoạch. Sắp tới, TP sẽ thực hiện xét nghiệm đợt 3 trong tháng 1, đây cũng là hoạt động thuộc chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ. Ngoài ra, giữa tháng 2, Sở Y tế TPH CM sẽ tiếp tục mở rộng các đối tượng thuộc nhóm cần bảo vệ
Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP HCM) cho biết bệnh viện cũng có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người hậu Covid-19.
Bác sĩ Hoàng lưu ý, sau khi xuất viện khoảng 2 - 6 tuần, người bệnh cần quay lại bệnh viện để được thăm khám cho đến khi khỏe mạnh hoàn toàn. Bởi vì nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không đồng nghĩa với bệnh nhân hoàn toàn khỏi Covid-19.
Bên cạnh những hoạt động chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, đơn vị còn phối hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành chuyển từ thụ động qua chủ động. Cụ thể, các bác sĩ liên hệ với trạm y tế, nắm được thông tin bệnh nhân tuổi cao, chuyển nặng để thăm hỏi, tư vấn cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hoàng, các bệnh nhân xuất viện không có bệnh nền kèm theo là 41%, và 30-50% người bệnh xuất hiện triệu chứng rối loạn lo âu, giấc ngủ. "Vì vậy chúng tôi triển khai phần mềm Doctor home để tiếp cận bệnh nhân. Bước đầu đánh giá tâm lý giấc ngủ, phát hiện triệu chứng bất thường, ngoài ra theo dõi hậu Covid-19 với bệnh nhân phục hồi chức năng. Sau đó khám với chuyên gia để được đánh giá, cấp mã (code) về nhà tập vật lý trị liệu đảm bảo bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh tại cộng đồng" – bác sĩ Hoàng nói.
Theo Người lao động
Comments powered by CComment