Tuy số ca nhiễm mỗi ngày liên tục tăng, nhưng số ca nặng, tử vong có xu hướng giảm và trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cũng tăng cao. Liệu đã đến lúc, Việt Nam nên xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường?
Tuy số ca nhiễm mỗi ngày liên tục tăng, nhưng số ca nặng, tử vong có xu hướng giảm và trong tầm kiểm soát.
Tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cũng tăng cao. Đến nay, Việt Nam đã tiêm được 185.254.387 liều, trong đó 79.203.047 liều mũi 1; 74.674.139 liều mũi 2 và 31.377.201 liều mũi 3 (tiêm bổ sung/nhắc lại).
Trước thực tế đó, nhiều người nêu quan điểm, đã đến lúc nên xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường.
Bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, thời điểm này, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường. Do đó, cơ quan y tế chưa nên loại Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Theo ông, nếu xem Covid-19 là một loại bệnh thông thường, thì dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca bệnh chuyển nặng và tử vong, gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt, hiệu quả phòng bệnh của vaccine Covid-19 ở mức nhất định, chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Hiện, Việt Nam đã chuyển từ chiến lược "Zero Covid-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây được xem là lộ trình nới lỏng dần các biện pháp phòng chống dịch, tạo điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Việt Nam có thể sớm xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường. Tuy nhiên, cần tiêm phủ vaccine và đặc biệt bảo vệ những người có nguy cơ diễn biến nặng nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Theo ông, việc "đếm ca", cách ly không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, chính quyền địa phương cần điều tra, tiêm vét vaccine Covid-19, bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ, cố gắng phủ mũi 3.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội, nêu quan điểm không nên xem Covid-19 là đại dịch nữa, mà như một bệnh chuyên khoa. Tuy nhiên, người dân vẫn nên tuân thủ quy định 5K, không chủ quan và tiêm phủ vaccine Covid-19.
Trong trường hợp Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo bác sĩ Hải, người dân nên chi trả tiền khám, điều trị. Cụ thể, việc thanh toán tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác. Nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Ngoài ra, theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, việc thống kê ca mắc mới mỗi ngày không còn chính xác. Bởi khoảng 50% người dân ở nhà tự test nhanh dương tính gọi cho tổ tư vấn, nặng tự vào viện nên không thống kê được. Thậm chí, nhiều người tự xét nghiệm dương tính nhưng không khai báo với y tế cơ sở.
"Người dân điều trị tại nhà nên khai báo với y tế địa phương để được theo dõi và cho lời khuyên. Việc này sẽ hỗ trợ tốt nhất F0 nên và không nên làm gì trong quá trình điều trị tại nhà, tránh tự phát", bác sĩ Hải khuyến cáo.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment