Một số nhà khoa học cho rằng virus corona, tổ tiên của nCoV, là dòng phụ, còn sót lại từ chủng cúm lây lan tại Nga năm 1889.
Tháng 5/1889, nhiều người dân sống tại Bukhara, Nga, ốm và tử vong một cách bất thường. Họ được cho là nhiễm một loại virus đường hô hấp gọi là cúm Nga. Nó càn quét thế giới, áp đảo bệnh viện, giết chết nhiều người cao tuổi.
Trường học và nhà máy buộc phải đóng cửa vì quá nhiều học sinh, công nhân nhiễm virus. Một số bệnh nhân có triệu chứng kỳ lạ: mất khứu giác và vị giác. Một số người khỏi bệnh báo cáo tình trạng kiệt sức kéo dài.
Bệnh cúm Nga chấm dứt vài năm sau đó, khi đã gây ra ít nhất ba đợt lây nhiễm.
Mô hình dịch tễ và các triệu chứng điển hình khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi "cúm Nga có phải mầm bệnh do virus corona gây ra?". Nó cung cấp cho cộng đồng những manh mối gì về thời điểm và cách thức đại dịch Covid-19 kết thúc.
Nếu một loại virus corona gây ra chủng cúm Nga, nhiều người tin rằng mầm bệnh vẫn lưu hành đâu đó. Hậu duệ của nó lây lan trên toàn thế giới như một trong 4 chủng coronavirus gây cảm lạnh thông thường, không nguy hiểm. Như vậy, nó khác với việc virus gây đại dịch cúm lây lan vài năm, sau đó được thay thế bằng biến chủng mới, dẫn đến đại dịch mới. Nếu đó là những gì đã xảy ra với bệnh cúm Nga, nó có thể là điềm tốt cho tương lai.
Phỏng đoán khác là virus hoạt động giống cúm mùa, khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian. Điều này có nghĩa cộng đồng sẽ phải tiêm vaccine Covid-19 hàng năm.
Nhà sử học y tế Frank Snowden, Đại học Yale, Mỹ, cho biết giới chuyên gia có rất ít dữ liệu cứng về dịch cúm Nga. Song các nhà sinh học phân tử có thể lấy virus cũ từ mô phổi của các nạn nhân cúm Nga, tìm hiểu loại virus đó là gì. Một số nhà nghiên cứu đang săn lùng những mẫu bệnh phẩm này, thường được bảo quản trong các lọ dung dịch tại viện bảo tàng và trường y.
Tom Ewing, một trong số ít nhà sử học đã nghiên cứu về bệnh cúm Nga, cho biết nó có điểm tương đồng đáng kể với Covid-19: Các nước phải đóng cửa trường học, cơ sở làm việc vì quá nhiều người bị bệnh, bác sĩ quá tải, nhiều đợt lây nhiễm kế tiếp nhau. Tiến sĩ Ewing phỏng đoán cúm Nga có thể bắt nguồn từ một loại virus corona.
Giáo sư Scott Podolsky, khoa sức khỏe toàn cầu Trường Y Đại học Harvard và giáo sư Arnold Monto, Đại học Michigan, Mỹ, cũng đồng tình với giả thuyết này.
"Chúng tôi từ lâu tự hỏi virus corona đến từ đâu? Đã từng có đại dịch từ virus này trong quá khứ chưa?", giáo sư Monto nói.
Trích dẫn báo cáo xuất bản năm 2005, nhà sinh vật học Harald Bruessow, biên tập viên tạp chí Công nghệ Vi sinh, nhắc đến một loại virus corona vẫn đang lưu hành (tên OC43) bắt nguồn từ bò, lây cho người năm 1890, gần với thời điểm bùng phát cúm Nga.
Ba virus corona khác độc lực thấp hơn cũng tồn tại đến ngày nay. Các chuyên gia cho rằng một trong số chúng (hoặc OC43) là biến chủng sót lại từ dịch cúm Nga. Tiến sĩ Bruessow và các đồng nghiệp đã phát hiện một số bệnh nhân trong đợt dịch năm 1889 phàn nàn về tình trạng mất vị giác, khứu giác và triệu chứng giống với Covid-19 kéo dài.
Một số nhà sử học y khoa suy đoán tình trạng mệt mỏi mạn tính ở thế kỷ 19 là di chứng của bệnh cúm Nga. Giống với Covid-19, cúm Nga gây tử vong cho những người lớn tuổi thay vì trẻ em. Kiểm tra hồ sơ từ Uỷ ban Y tế Bang Connecticut, tiến sĩ Ewing thấy mô hình dịch tễ tương tự. Nhưng các ghi chép không trả lời câu hỏi liệu virus corona có gây ra bệnh cúm Nga hay không.
Tại thời điểm này, ý kiến cho rằng dịch cúm Nga có thể do một loại virus coronavirus gây ra vẫn còn là suy đoán, Peter Palese, một nhà nghiên cứu bệnh cúm và là giáo sư y khoa tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York, cho biết. Ông nói "không có gì liên hệ rõ ràng với đại dịch cúm Nga với một loại virus corona" và loại trừ bệnh cúm.
Các đại dịch trước đây có thể đưa ra manh mối về thời điểm Covid-19 kết thúc. Theo Alexander Navarro, nhà sử học tại Đại học Michigan, khi dịch cúm Nga suy yếu, "mọi người nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường", tương tự với dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Những câu chuyện về nó trên báo chí ngày càng ít.
"Tôi nghĩ Covid-19 cũng đi theo hướng này", ông nói.
Trước đó, giới chuyên gia đặt ra giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ dơi, sau đó lây lan qua vật chủ trung gian rồi truyền cho người. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nhà khoa học không loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc.
Khá nhiều đại dịch trong thế kỷ qua bắt nguồn từ virus đường hô hấp. Trường hợp ngoại lệ là virus Zika và chikungunya (virus do muỗi truyền) hay virus HIV (lây qua đường tình dục và đường máu).
Dịch bệnh nổi bật nhất trong lịch sử là dịch hạch, mở ra thời kỳ khủng hoảng, giết chết hàng loạt người dân châu Âu kể từ năm 1347 đến năm 1357. Dịch hạch quay trở lại lục địa này trong nhiều thế kỷ. Song dịch hạch không đem lại nhiều bài học cho đại dịch ngày nay. Thời gian dài, các chuyên gia nỗ lực tìm kiếm yếu tố khiến nó ngừng lây lan, nhưng không có câu trả lời.
Vì vậy, họ chuyển hướng nghiên cứu virus cúm và đại dịch đường hô hấp nói chung. Quá trình này vẫn gặp nhiều khó khăn. "Chúng ta chỉ có 104 năm và 4 đại dịch khác nhau để đưa ra dự đoán", David Morens, cố vấn cấp cao của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết.
Đại dịch cúm đầu tiên khởi phát năm 1918, suy yếu sau ba đợt lây nhiễm. Virus khi ấy là H1N1 vẫn lưu hành ở dạng độc lực thấp đến năm 1957, sau đó biến mất. Tiếp đến, H2N2 nổi lên. Đến năm 1968, chủng H3N2 xuất hiện. Năm 1977, H1N1 quay trở lại sau hai thập kỷ. Nó và chủng cúm H3N2 lưu hành đồng thời từ đó đến nay.
"Trước năm 1977, thế giới chưa từng có hai loại cúm lưu hành cùng một lúc", tiến sĩ Monto nói.
Năm 2009, H1N1 xâm nhập trở lại cộng đồng, nhưng tồn tại ở phiên bản khác biệt về mặt di truyền, còn gọi là "cúm lợn", gây ra đại dịch.
Trong suốt quá trình đó, các nhà khoa học không thể lý giải vì sao các chủng cúm trước đây biến mất vĩnh viễn. Song họ đã phát triển thành công vaccine hữu ích chống bệnh cúm, được tiêm hàng năm.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment