Group News: Tin copy

Theo dược sĩ Tuyến, các loại thuốc được quảng cáo kháng virus của Nga hay Trung Quốc bán trên mạng đều vi phạm Luật Dược và nó không được dành cho người bệnh Covid-19.

Tràn lan thuốc Covid-19 của Nga trên mạng: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khó lường

Tràn ngập thuốc không rõ nguồn gốc

Theo dược sĩ Hà Quang Tuyến, trưởng khoa Dược, bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, gần đây xuất hiện tình trạng người dân tự mua thuốc phòng/điều trị Covid-19 và tự điều trị theo các thông tin truyền miệng hoặc thông tin trên mạng xã hội. Đây thực sự là điều đáng lo ngại.

Trong khi đó, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus được cho là "xách tay" từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam như Arbidol (thành phần là Umifenovir), Areplivir (thành phần là Favipiravir) với lời quảng cáo 'có cánh' về khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid-19.

Các thuốc "xách tay" này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội nên người dân rất dễ tiếp cận và tìm mua. Tuy nhiên, nguồn gốc xuất xứ và tác dụng của chúng đều không rõ ràng.

Thực tế, dược sĩ Tuyến cho rằng thuốc Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng vi rút đối với một số vi rút đường hô hấp ở người như vi rút cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus,….

Tại Trung Quốc, Umifenovir được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch. Tuy nhiên kết quả về hiệu quả của Umifenovir đối với Covid-19 là không đồng nhất giữa các nghiên cứu, theo dược sĩ Tuyến.

Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol (umifenovir) trên bệnh nhân Covid-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự (2021) dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv (các trang web đăng tải các nghiên cứu khoa học).

Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân Covid-19. Sử dụng Arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ hay gặp phải khi sử dụng Arbidol là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn.

Tràn lan thuốc Covid-19 của Nga trên mạng: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ khó lường - Ảnh 1.

Các thuốc "xách tay" này còn được rao bán trực tiếp trên các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Umifenovir cũng như nhiều thuốc khác, cũng là một trong những thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn ban đầu của đại dịch để tìm hướng tiếp cận điều trị Covid-19 trên thế giới, và có nhiều nghiên cứu hiện cũng đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả.

'Nếu tốt đã cấp phép'

Theo dược sĩ Tuyến, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.

Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam; các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm các diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Trong khi đó, quy trình cấp phép thuốc tại Việt Nam rất chặt chẽ, vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến sức khỏe của con người, cả trước mắt và lâu dài. Điều này nhằm mục đích đảm bảo tác dụng, hiệu quả của thuốc đối với nhân dân khi sử dụng.

Dược sĩ Tuyến khẳng định nếu các thuốc này có hiệu quả trị Covid-19, Bộ Y tế đã liên hệ để đưa thuốc về theo đường ngoại giao, đường chính thức để cho nhân dân sử dụng, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo quy định thì việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược, làm giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho nhưng cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi.

Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh - dược sĩ Tuyến nói.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.