Theo chuyên gia, việc biến thể Omicron xuất hiện có thể là một điều tương đối tốt với Việt Nam nếu không để số ca bệnh gia tăng quá mức.
Vào tháng 11/2021, biến thể Omicron xuất hiện tại Nam Phi, cả thế giới đã rất lo lắng. Do vậy, rất nhiều nước ngay lập tức đóng cửa đường bay với các quốc gia bùng dịch có biến thể Omicron vì lo ngại làn sóng dịch mới.
Tuy nhiên, hiện nay những thông tin cơ bản của Omicron đã được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về biến thể này. WHO xếp biến thể Omicron là một biến thể đáng lo ngại.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết sự xuất hiện của biến thể Omicron trong cộng đồng sẽ khiến cho số ca mắc gia tăng nhiều trong thời gian tới, với 2 lý do:
- Thứ nhất, bản chất Omicron (virus đã tiến hoá) dễ lây nhiễm;
- Thứ 2, biến thể này có thể lẩn tránh vắc xin.
Tuy nhiên, PGS Dũng cho biết với biến thể Omicron chúng ta có thể an tâm hơn một chút. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy biến thể này chủ yếu gây ảnh hưởng ở đường hô hấp trên, tức là virus nhân bản và phát triển mạnh ở cổ họng và mũi. Điều đó phần nào giải thích việc phát tán virus này nhanh hơn biến thể Delta hay các biến thể trước đây - vốn xâm lấn nhiều ở phổi.
Khi làm lây nhiễm mô hình trên động vật có tế bào giống người thì thấy chủng cũ làm chuột chết nhiều, còn biến chủng Omicron thì chuột chết ít hơn.
Trên thực tế, nghiên cứu dịch tễ tại một số quốc gia như ở Nam Phi, Anh… cho thấy mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron giảm 20-30%.
Đối với người đã tiêm vắc xin, khả năng bảo vệ trước việc nhiễm biến thể Omicron giảm (do virus trốn tránh miễn dịch), nhưng mức độ bảo vệ tránh khỏi tử vong vẫn còn rất cao. Vì cơ thể con người có những tế bào ghi nhớ, nếu bị nhiễm virus thì miễn dịch của cơ thể có thể tạo kháng thể nhanh. Kết quả là bệnh nhân sẽ không bị nặng.
Thời gian gần đây, ở một số quốc gia như Nga, Mỹ và các quốc gia khác, tỷ lệ mắc tăng nhưng số tử vong không tăng.
PGS Dũng nói thêm: "Với biến thể Omicron xuất hiện sẽ là một điều tương đối tốt với Việt Nam nếu không để nó gia tăng quả mức. Số ca nhiễm biến thể Omicron thường nhẹ, nhưng nếu gia tăng nhanh có thể gây quá tải cho hệ thống y tế".
Khi được hỏi Omicron xuất hiện tại Việt Nam có giúp dịch nhanh kết thúc hay không, PGS Dũng cho rằng chủng Omicron vẫn có nhưng độc lực với người cao tuổi nên vẫn cần phải e dè. Ở Việt Nam, số người mắc Covid-19 chỉ chiếm một phần của dân số. Do vậy, từ 5-6 tháng sau vẫn sẽ xuất hiện một làn sóng dịch mới.
"Sau làn sóng dịch Omicron vẫn chưa thể kết thúc được dịch Covid-19. Chắc chắn vẫn sẽ có các làn sóng dịch khác, nhưng làn sóng dịch sau sẽ nhỏ hơn. Do tỷ lệ tiêm chủng cao và người mắc trước đó. Không nên nghĩ rằng khi chúng ta có làn sóng dịch Omicron thì sau đó chúng ta không còn sợ Covid-19", PGS Dũng nói.
Hiện nay, việc áp dụng các biện pháp 5K có hiệu quả là rất quan trọng để làn sóng dịch gia tăng từ từ, không xảy ra quá tải y tế. Chúng ta cần phải tiêm mũi cơ bản, mũi vắc xin tăng cường để giảm gánh nặng của dịch, chuyên gia nói thêm.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment