Theo Bộ Y tế, ở nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh cả 4 tiêu chí: Ca mắc mới, ca nhập viện, ca nặng và số tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế ngày 25/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.417 ca mắc COVID-19 mới, tất cả đều ghi nhận trong nước (giảm 1.395 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 5.327 ca trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhẩt khoảng 5 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.571.772 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.870 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.564.023 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.541.683), TP. Hồ Chí Minh (608.048), Nghệ An (479.985), Bình Dương (384.609), Bắc Giang (383.239).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đến nay là: 9.092.760 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.435.999 trường hợp, trong đó có 664 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 523; Thở ô xy dòng cao HFNC: 65; Thở máy không xâm lấn: 19; Thở máy xâm lấn: 56 và thở ECMO: 1.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 9 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.021 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Dù dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực, tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, vận động người dân tham gia tiêm chúng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Về triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch và khẩn trương triển khai tiêm chủng cho trẻ ngay sau khi được phân bổ vắc xin. Tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học theo các hướng dẫn dã ban hành của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng theo quy định. Tăng cường chỉ đạo, truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tính an toàn của vắc xin; vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment