Vì Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên và các bệnh viện tuyến trên không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên sau gần 1 tuần nằm viện, tình trạng bé gái 45 tháng tuổi quá xấu, được gia đình xin đưa về nhà.
Sáng 22-5, ông Phạm Văn Minh - giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên - cho hay tối 21-5, gia đình cháu S.T.N.N. (45 tháng tuổi, ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã xin đưa bé về nhà vì tình trạng bệnh bé tiến triển quá nặng, tiên lượng tử vong.
Theo BS Nguyễn Thị Hồng Hương - phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, bé N. được Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa chuyển đến bệnh viện này lúc 2h30 ngày 16-5 với tình trạng lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngưng thở. Bệnh viện phải can thiệp đặt nội khí quản ngay cho bé.
"Theo thông tin gia đình cung cấp, khoảng 0h ngày 16-5, khi bé T. đang ngủ trong nhà thì bị một con rắn bò vào cắn. Biết đó là rắn độc, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu ngay trong đêm và sau đó được chuyển viện lên tuyến tỉnh" - BS Hương cho hay.
Cũng theo BS Hương, từ hình ảnh do người nhà bé chụp lại, bệnh viện xác định đó là rắn cạp nia, một loại rắn rất độc. BS Minh cho biết Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên đều không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
"Chúng tôi liên lạc với cả 2 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 ở TP.HCM, nhưng trong đó cũng không có huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này, vì vậy không chuyển viện cho bé được" - BS Minh nói.
Do vậy sau gần 1 tuần nằm viện, diễn tiến bệnh của bé N. nặng hơn, suy gan, thận, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, tiên lượng tử vong nên gia đình xin đưa về nhà.
BS Minh khuyến cáo người dân, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi, mùa trời chuyển nắng sang mưa và mùa mưa, nhiều loài rắn thường hay bò vào nhà, trong đó có những loài rắn cực độc mà các bệnh viện không có sẵn hoặc không có huyết thanh để chữa trị.
Do đó người dân nên kiểm tra kỹ nhà cửa, những vùng nguy cơ cần đóng cửa và bít các lỗ hổng để ngăn rắn, rết.
Theo Tuổi trẻ
Comments powered by CComment