Kể từ khi hệ thống 1G được Nordic Mobile Telephone ra mắt năm 1981 cho tới 4G, Trung Quốc luôn chậm chân. Nhưng tới 5G, nước này với cơ chế công - tư kết hợp đã vượt lên dẫn đầu thế giới.
Bứt phá trong cuộc đua
5G không đơn giản chỉ là sự tiếp nối của 4G mà hứa hẹn mang đến những cơ hội to lớn trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến an ninh, chính trị, quân sự đối với các quốc gia. Do vậy, nước nào thắng trong cuộc đua 5G thì cũng có cơ thắng trong các lĩnh vực khác, mang lại ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Trung Quốc đến với 5G rất sớm. Ảnh: China Daily |
Với Trung Quốc, 5G còn là cơ hội đầu tiên để vượt Mỹ và dẫn đầu thế giới. Họ hiểu rằng để tạo sự bứt phá thì không thể phó mặc hoàn toàn cho khu vực tư nhân và thị trường mà cần có sự hỗ trợ đắc lực từ khu vực công. Trung Quốc tự tin là thể chế chính trị tập trung quyền lực sẽ giúp nhanh chóng huy động các nguồn lực nhà nước, xã hội và thị trường để đạt tham vọng dẫn đầu về công nghệ 5G.
Trung Quốc đến với 5G rất sớm, bắt đầu với các nghiên cứu về mã cực của Huawei từ năm 2009. Năm 2013, Trung Quốc lập Nhóm vận động IMT-2020 để điều phối hoạt động hợp tác giữa các nhà mạng, nhà sản xuất và các viện nghiên cứu. Trung Quốc còn lập trung tâm R&D về 5G lớn nhất thế giới ở quận Hoài Nhu, Bắc Kinh với sự tham gia của những tên tuổi lớn nhằm phát triển một tiêu chuẩn công nghệ của riêng mình.
Kể từ năm 2015, các khoản đầu tư cho 5G được triển khai ở cấp độ quốc gia thông qua 3 nhà mạng lớn là China Mobile, China Unicom và China Telecom. Trung Quốc chi cho 5G rất bạo tay. Họ có kế hoạch chi 441 tỷ USD để phát triển 5G từ 2020 - 2030.
Các mục tiêu cụ thể về kết nối 5G được đặt ra cho 3 nhà mạng cùng các nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn. Nhà mạng Trung Quốc xác định nhiệm vụ ưu tiên là nhanh chóng hoàn thành mục tiêu của chính phủ hơn là mục tiêu lợi nhuận.
Năm 2017, Trung Quốc thử nghiệm ứng dụng công nghệ 5G qua việc chính quyền Phòng Sơn ở Bắc Kinh và China Mobile lập con đường dài 10km với các tháp 5G, kết nối 5G để thử nghiệm liên lạc giữa các phương tiện tự hành và môi trường xung quanh. Ngày 1/11/2019, Trung Quốc là quốc gia thứ hai sau Hàn Quốc triển khai mạng 5G thương mại. China Telecom, China Unicom và China Mobile đưa ra các gói thuê bao với giá khởi điểm 18 USD/tháng.
Đại dịch đã thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng triển khai hàng loạt robot và áp dụng nhiều công nghệ tối tân nhờ mạng 5G như chẩn đoán Covid-19 từ xa bằng mạng 5G. Một loạt dự án mô hình giáo dục thông minh 5G+, y tế thông minh 5G+, mô hình du lịch văn hóa 5G, thành phố thông minh 5G+ được triển khai.
Đại lục còn hậu thuẫn cho các công ty và dự án lớn về 5G trên toàn thế giới với tham vọng gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu. Với sự hậu thuẫn của nhà nước, Huawei nhanh chóng vượt mặt các đối thủ lâu đời như Nokia và Ericsson, trở thành "nhà vô địch" trong cuộc đua 5G.
Lợi thế dẫn đầu thế giới
Đến nay, Trung Quốc đã vượt Mỹ dẫn đầu thế giới về 5G trên nhiều phương diện, từ quy mô và tốc độ phổ cập cơ sở hạ tầng 5G, thương mại mạng 5G cũng như ứng dụng công nghệ 5G trong sản xuất công nghiệp, phát triển thiết bị 5G, số bằng sáng chế, cả trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu…
Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ cả về quy mô, tốc độ phủ sóng 5G. Nước này đạt tỷ lệ trung bình 1.400 người có 1 trạm gốc trong khi đến giữa năm nay, tỷ lệ này của Mỹ mới là 3.300 người có 1 trạm. Tốc độ mạng 5G của Trung Quốc cũng nhanh hơn Mỹ.
Sự phổ cập mạng 5G sớm mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc trong việc triển khai, phát triển các ứng dụng. Ảnh: China Daily |
Đặc biệt, Trung Quốc có số lượng mạng 5G chuyên biệt dành riêng cho các ứng dụng công nghiệp. Trong khi Mỹ vẫn đang loay hoay thử nghiệm 5G trong sản xuất công nghiệp thì Trung Quốc đã có một hệ sinh thái 5G mạnh, doanh nghiệp đã vận hành 5G đầy đủ.
Sự phổ cập mạng 5G sớm mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc trong việc triển khai, phát triển các ứng dụng, kiếm tiền từ nhiều dịch vụ cần 5G, giống như Mỹ đạt được với Instagram, Uber hay YouTube sau khi mạng 4G bao phủ. Mỹ là nước đầu tiên cung cấp 4G trên diện rộng, các công ty Mỹ nhanh chóng tận dụng lợi thế này để bán ứng dụng trên toàn cầu. Trung Quốc có tiềm năng làm điều tương tự với 5G.
Trung Quốc cũng dẫn đầu về số lượng sáng chế 5G. Ở các thế hệ công nghệ trước, trong lĩnh vực viễn thông, Trung Quốc đã phải trả một khoản tiền lớn để có giấy phép bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mạng do các nhà sản xuất phần cứng lớn như Qualcomm, Cisco phát triển và vì vậy ngành viễn thông Trung Quốc gặp bất lợi.
Nhưng ở 5G, Trung Quốc có những lợi ích kinh tế to lớn, với nguồn thu từ tiền bản quyền cấp phép 5G, các doanh nghiệp tập trung phát triển nghiên cứu và mở ra những hướng đi mới. Hơn nữa, với lợi thế sở hữu nhiều bản quyền sáng chế quan trọng, Trung Quốc có tiếng nói hơn khi thiết lập các tiêu chuẩn ngành, trong xây dựng các quy tắc, quy chuẩn liên quan tới công nghệ 5G.
Thiết bị 5G Trung Quốc chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu, len sâu vào cả cơ sở hạ tầng viễn thông của các nước đồng minh của Mỹ. Đặc biệt, nước này đang lấp đầy các “khoảng trống” 5G trải khắp thế giới, trọng tâm là các nước đang phát triển, nhằm đón đầu xu hướng bùng nổ về viễn thông.
Tử huyệt 5G
Trung Quốc cũng có điểm yếu trong phát triển 5G mà không dễ khắc phục một sớm một chiều. Họ phụ thuộc vào Mỹ về linh kiện quan trọng, nhất là về chip. Gần 30% giá trị trạm gốc 5G của Huawei thuộc về các linh kiện Mỹ, hầu hết trong số đó là các con chip tối quan trọng cho việc xử lý tín hiệu radio, điều khiển nguồn năng lượng cũng như chip nhớ.
Từ năm 2019, Mỹ đã tấn công vào 2 điểm yếu lớn của Huawei là chip và linh kiện điện tử khiến hãng này gặp khó khăn lớn. Trong nửa đầu năm nay, doanh thu các thiết bị viễn thông và bộ định tuyến đã giảm 14% so với 1 năm trước đó, thị phần thiết bị viễn thông của Huawei đã giảm xuống 28,8% từ 31% năm 2020.
Mỹ ngày càng khoét sâu vào “tử huyệt” chip tiên tiến của Trung Quốc khiến cho đường tới mục tiêu “tự chủ công nghệ bán dẫn và chip tiên tiến” của đại lục trở nên khó khăn gấp bội. Cũng vì thế, Trung Quốc khó lòng tiến nhanh, tiến xa về công nghệ tiên tiến.
Theo VietNamNet
Comments powered by CComment