Hong Kong bắt đầu tiêu hủy lợn rừng khi số lượng loài tăng nhanh và tràn vào các đô thị, nhưng các nhà bảo tồn phản đối động thái này.'
Trước sự chứng kiến của truyền thông, quan chức Cơ quan Nông nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn Hong Kong (AFCD) tối 17/11 chặn một con đường ở quận Aberdeen và rải vụn bánh mì trên mặt đường. Bầy lợn rừng sau đó xuất hiện và 7 con bị bắn bằng phi tiêu tẩm thuốc an thần trước khi bị tiêm thuốc gây tử vong.
Roni Wong thuộc tổ chức bảo vệ lợn rừng cố vượt qua hàng rào cảnh sát để cứu những con vật, nhưng bị ngăn lại.
"Chúng tôi đồng ý với chính quyền một điều là mọi người không nên nuôi động vật hoang dã. Nhưng chúng ta không nên đổ trách nhiệm lên động vật", Wong nói.
Hong Kong nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời, nhưng cũng có những vùng núi cận nhiệt đới rộng lớn và vùng cây cối được chăm sóc để làm công viên, là nơi sinh sống của số lượng lớn lợn rừng Á-Âu. Ngày càng có nhiều cuộc đụng độ giữa người với loài động vật này khi chúng tràn vào các khu vực đô thị.
AFCD tuần trước công bố chính sách mới là bắt và tiêu diệt lợn rừng xuất hiện trong các khu vực đô thị, ba ngày sau khi một cảnh sát bị lợn cắn vào bắp chân.
Các nhóm bảo tồn tức giận trước quyết định này. Hiệp hội Phòng chống Ngược đãi Động vật cho biết họ "phản đối gay gắt" hoạt động của AFCD cũng như "bất kỳ biện pháp gây tử vong nào để đối phó" lợn rừng.
Hong Kong từng cho phép một số ít thợ săn bắn lợn rừng. Năm 2017, chính quyền chuyển sang chính sách bắt, triệt sản và tái định cư, nhưng AFCD nói rằng chính sách đó đã thất bại, số lượng lợn rừng tăng vọt lên khoảng 1.800 - 3.300 con.
Những con lợn rừng gần đây được phát hiện chạy dọc theo phương tiện giao thông trên đường, xuất hiện tại các bãi biển, đường băng sân bay quốc tế của thành phố, thậm chí rơi xuyên qua trần một cửa hàng quần áo trẻ em.
Giới chức cho biết 47 vụ lợn rừng tấn công đã được ghi nhận trong thập kỷ qua và hoạt động tiêu hủy sẽ nhắm vào các khu vực lợn rừng quen tìm kiếm thức ăn từ con người hoặc khu vực. Hơn 70.000 người đã ký bản kiến nghị trực tuyến của 13 nhóm bảo vệ quyền động vật, kêu gọi giới chức thu hồi chính sách này.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment