Quan chức Nga so sánh căng thẳng tại châu Âu với khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, kêu gọi phương Tây coi trọng đề xuất an ninh của Moskva.
- Hàng ngàn người Mỹ ‘mất’ lễ Giáng Sinh vì nhiều chuyến bay bị huỷ
- Singapore ghi nhận 98 ca nhiễm Omicron 1 ngày!
- Ngành hàng không: Vietjet Air đón tàu bay thân rộng A330 đầu tiên
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm nay cho biết Moskva đánh giá nguy cơ bùng phát cuộc khủng hoảng tên lửa mới là rất nghiêm trọng, nhấn mạnh phương Tây cần nghiêm túc xem xét những đề xuất bảo đảm an ninh được Moskva công bố cách đây 10 ngày.
"Không, tôi từng nhấn mạnh điều này nhiều lần", Thứ trưởng Ryabkov bình luận trước ý kiến cho rằng cảnh báo của ông về khả năng xảy ra khủng hoảng tên lửa giữa Nga và phương Tây chưa đủ mạnh mẽ. "Dù vậy, khủng hoảng tên lửa Cuba không thể tái diễn như quá khứ. Nhân loại, trong đó có Nga và Mỹ, đã nhận được bài học và tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí".
Quan chức Nga cũng khẳng định Moskva không tung đòn hỏa mù khi công bố loạt điều kiện bảo đảm an ninh với NATO. "Đó là những đề xuất thật sự. Phương Tây cần hiểu rõ điều này và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được điều đó", Ryabkov nói thêm.
Thứ trưởng Ryabkov từng so sánh căng thẳng hiện nay với khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, sự kiện đẩy Mỹ và Liên Xô đến bờ vực chiến tranh hạt nhân. Ông nhấn mạnh "có những dấu hiệu gián tiếp" cho thấy NATO đang thúc đẩy tái triển khai tên lửa tầm xa tại châu Âu.
Dự thảo hiệp ước đảm bảo an ninh gồm 8 điểm được Bộ Ngoại giao Nga chuyển cho Mỹ hồi giữa tháng, cảnh báo rằng hành động phớt lờ những lợi ích của Moskva có thể dẫn tới "phản ứng quân sự" như những gì từng diễn ra trong khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Trong dự thảo, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moskva muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.
Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.
Căng thẳng về Ukraine gần đây leo thang, biến điểm nóng này thành một "ngòi nổ" xung đột ở châu Âu. Giới chức phương Tây cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.
Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự của họ ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi cáo buộc Nga âm mưu tấn công Ukraine là "cơn cuồng loạn được khuấy động trên truyền thông phương Tây và Ukraine", đồng thời tuyên bố điều này "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/12 cho rằng NATO đã ép Nga tới sát lằn ranh, khiến Moskva không còn đường lùi. Khi được hỏi Nga sẽ làm gì nếu phương Tây khước từ các đề xuất an ninh do Moskva đưa ra, Putin trả lời rằng Nga có nhiều phương án đáp trả khác nhau. "Điều đó sẽ phụ thuộc vào đề xuất từ các chuyên gia quân sự của chúng tôi", ông nói.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment