Group News: Tin copy

Ukraine đã yêu cầu một cuộc họp với Nga và các thành viên khác trong một tổ chức an ninh quan trọng của Châu Âu liên quan đến vấn đề leo thang căng thẳng ở biên giới.

Mỹ đóng cửa toà đại sứ tại thủ đô Kiev trước e ngại Nga tấn công Ukraine

Chiến tranh Ukraina: TT Nga Putin dửng dưng trước mọi sức ép?

 
Quân đội và cảnh sát Ukraine đã tiến hành các cuộc diễn tập khác nhau trong những ngày gần đây

Quân đội và cảnh sát Ukraine đã tiến hành các cuộc diễn tập khác nhau trong những ngày gần đây

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Nga đã phớt lờ những yêu cầu chính thức giải thích việc tăng cường quân sự ở biên giới hai nước.

Ông cho biết "bước tiếp theo" là yêu cầu một cuộc họp với phía Nga trong vòng 48 giờ để có "sự minh bạch" về các kế hoạch của Nga.

Nga cũng đã bác bỏ bất kỳ kế hoạch xâm lược Ukraine mặc dù đã huy động khoảng 100.000 binh sĩ ở biên giới.

Thế nhưng một số quốc gia phương Tây cũng cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một hành động quân sự, và Mỹ nói rằng Moscow có thể bắt đầu ném bom từ trên không "bất kỳ lúc nào".

Hơn 10 quốc gia đã kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine và một số nước đã rút nhân viên ngoại giao ra khỏi thủ đô của Ukraine.

Theo đài CBS thì Mỹ đang chuẩn bị rút tất cả nhân sự khỏi thủ đô Kyiv trong vòng 48 giờ tới, viện dẫn 3 nguồn tin có được.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho biết vào ngày 11/2, quốc gia này đã yêu cầu các câu trả lời từ phía Nga về những ý định theo như quy định trong Công ước Vienna - một thỏa thuận về các vấn đề an ninh do các nước thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thực thi bao gồm Nga.

"Nếu Nga nghiêm túc khi nói đến tính chất không thể chia rẽ về mặt an ninh trong khuôn khổ OSCE thì Nga phải hoàn thành các cam kết đối với sự minh bạch về quân sự để tránh leo thang căng thẳng và tăng cường an ninh cho tất cả các bên," ông Kuleba nói.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người vốn đã chỉ trích "sự hoảng loạn" có thể lan xa từ những tuyên bố Nga xâm lược, cho biết ông không thấy bằng chứng nào về việc Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược vào những ngày tiếp theo.

 
 
Thường dân tại Kiev được huấn luyện bảo vệ thủ đô

Thường dân tại Kiev được huấn luyện để tự vệ.

Vào ngày 13/2, ông Zelensky đã có cuộc điện đàm gần một giờ với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà Trắng nói rằng ông Biden đã lặp lại cam kết hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và cả hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý về "tầm quan trọng tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao và răn đe".

Tuyên bố của Ukraine về cuộc điện đàm là Tổng thống Ukraine đã cảm ơn phía Mỹ về "sự hậu thuẫn vững chắc" và rằng, cuối cùng ông Zelensky đã mời ông Biden đến Ukraine. Không có bình luận về lời mời này từ phía Nhà Trắng.

Cuộc điện đàm kéo dài một giờ giữa ông Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin một ngày trước đó cũng không đạt được đột phá nào.

Một trong những yêu cầu chính của phía Nga đó là Ukraine sẽ không được phép gia nhập Nato và muốn liên minh quân sự loại trừ khả năng này. Nato và các quốc gia phương Tây cho biết cách cửa của liên minh vẫn mở rộng cho các các thành viên mới.

Thế nhưng Đại sứ Ukraine ở London, Vadym Prystaiko nói với BBC rằng quốc gia của ông có thể sẵn sàng bỏ tham vọng gia nhập Nato để tránh chiến tranh.

Ông Prystaiko nói Ukraine "linh hoạt" và sẵn sàng có "sự nhượng bộ nghiêm túc".

Khi được hỏi liệu Kyiv có đang cân nhắc lùi kế hoạch theo đuổi việc gia nhập Nato hay không, mặc dù điều này đã được ghi trong Hiến pháp Ukraine, ông Prystaiko trả lời: "Chúng tôi có thể - đặc biệt khi bị đe dọa như thế, bị hăm dọa và bị dồn ép vào tình thế."

 
 
BBC
1px transparent line

Trong một nỗ lực mới nhất để tìm kiếm giải pháp ngoại giao, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có các cuộc họp với Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kyiv vào ngày 14/2 và Tổng thống Nga Putin ở Moscow vào ngày thứ Ba 15/2.

Ông Olaf Scholz người vừa kế nhiệm cựu Thủ tướng Angela Merkel hồi tháng 12/2021 đã cảnh báo về những hậu quả kinh tế nặng nề nếu Nga tiến hành bất kỳ cuộc xâm lược nào, điều này thống nhất với các tuyên bố của những quốc gia phương Tây khác và những thành viên thuộc Nato.

Thế nhưng giới chức Berlin đã đánh giá thấp bất kỳ kỳ vọng đạt được sự đột phá nào.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson có kế hoạch tiến hành các cuộc hội đàm ngoại giao mới trên khắp Châu Âu để đưa nước Nga "quay trở lại từ bờ vực" chiến tranh.

Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Anh vào ngày 13/2 đã khiến Đại sứ Ukraine tại Anh giận dữ.

Ông Ben Wallace đã so sánh tình hình hiện tại với chuyện nhân nhượng Phát xít Đức trước khi Thế chiến lần 2 xảy ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times của Anh.

Lính Ukraine tham gia tập trận gần Crimea.

Lính Ukraine tham gia tập trận gần Crimea.

Trả lời trong một phỏng vấn trên radio của BBC, ông Prystaiko nói: "Đây không phải là thời điểm tốt nhất cho chúng ta để xúc phạm những đối tác trên thế giới, nhắc nhở rằng hành động này thật sự không mang lại hòa bình mà chỉ là sự trái ngược - đó là chiến tranh."

Tại Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng một cuộc xâm lược của Nga có thể bắt đầu "bất kỳ ngày nào bây giờ".

Ông Sullivan nói rằng Mỹ đang giám sát chặt chẽ chiến dịch "cờ giả" tiềm tàng của phía Moscow nhằm tạo tiền đề cho một cuộc xâm lược toàn diện, với cái cớ là muốn đáp trả sự tấn công từ phía Ukraine.

Nga cho biết việc huy động binh sĩ ở biên giới với Ukraine là mối quan tâm và bên trong lãnh thổ của mình. Vào ngày 13/2, một quan chức ngoại giao cấp cao của Nga là Yuri Ushakov mô tả những cảnh báo từ phía Mỹ về một cuộc xâm lược tiềm tàng là "sự cuồng loạn lên đến đỉnh điểm".

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.