Theo Bộ Quốc phòng Nga thì cuộc tập trận ngày 19/02 sẽ bao gồm phóng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Trong khi đó các nước châu Âu dồn dập tăng cường quân bị vì căng thẳng Nga-Ukraine.
Tàu chiến của Nga tham gia diễn tập trên biển Baltic vào tháng 10/2021
Đây sẽ là sự phô trương sức mạnh quân sự mới nhất từ phía Nga của trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với phương Tây liên quan đến Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói các cuộc tập trận là một phần của quá trình huấn luyện thường kỳ và bác bỏ cáo buộc khiến gia tăng căng thẳng tình hình.
Ông Dmitry nói vai trò của Tổng thống Putin là cần thiết và có thể sẽ tham gia giám sát từ "trung tâm tác chiến".
Các cuộc diễn tập theo sau việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới, hiện theo ước tính của phương Tây là 150.000 binh sĩ về phía bắc, đông và nam của Ukraine.
Ông Putin cùng các quan chức hàng đầu thường nói rằng Nga cùng với Mỹ là một trong những cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Bộ Quốc phòng Nga nói các cuộc diễn tập sẽ kiểm tra tính sẵn sàng của các bộ chỉ huy, tàu chiến, tàu khu trục tên lửa chiến lược và các vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân.
Theo cơ quan nghiên cứu International Institute for Strategic Studies (IISS) thì lực lượng tham gia tên lửa chiến lược của Nga bao gồm 50.000 quân nhân trong tổng số lực lượng binh sĩ là 900.000 người.
IISS cho rằng công nghệ tên lửa của Nga đã được nâng cấp đáng kể trong vòng 6 năm qua.
Châu Âu tăng cường quân bị
Tin tức từ khủng hoảng Nga-Ukraine cho thấy các quốc gia châu Âu đều tăng cường quân bị, thắt chặt các liên minh và mua sắm thêm vũ khí.
Hôm 18/02 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sang thăm Ba Lan và công bố bán cho Ba Lan 250 xe tăng Abrams.
Đây là loại xe tăng Hoa Kỳ đã dùng ở chiến tranh vùng Vịnh và cuộc chiến Iraq, phù hợp cho các trận chiến thiết giáp (tăng chống tăng), đồng thời có nòng pháo bắn được máy bay tầm thấp.
Trước đó, tuy không bán vũ khí cho Ukraine, nước nằm ngoài Nato, Đức đã dùng không vận đưa thêm binh sĩ sang Lithuania để hỗ trợ quốc gia vùng Baltic.
Từ vùng Baltic, giám đốc tình báo Estonia Mikk Marran cảnh báo rằng rằng quân Nga sẽ 'tấn công hạn chế' vào đất Ukraine trong nay mai.
Hôm 23/01/2022 Hà Lan và Tây Ban Nha tuyên bố họ sẽ gửi 9 phi cơ chiến đấu đến vùng Biển Đen của Bulgaria, nước đồng minh trong Nato để tuần tra.
Lý do là như bộ trưởng quốc phòng Bulgaria Stefan Yanev cho biết, nước ông không có đủ chiến đấu cơ để tuần tra biên giới, nên nhờ Tây Ban Nha triển khai giúp Eurofighter.
Cũng trong tuần, Anh, Ba Lan ký với Ukraine liên minh an ninh nhằm "bảo vệ hoà bình" ở phía Đông của châu Âu và thúc đẩy nền dân chủ, theo bộ trưởng ngoại giao ba nước này.
Anh Quốc và Ba Lan nêu quan điểm ủng hộ cho "sự tự do lựa chọn liên minh hoặc cơ chế an ninh của mỗi nước châu Âu" và ủng hộ Ukraine bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Nga sẽ tăng độ nóng ở vùng Donetsk?
Lãnh đạo tình báo Estonia Mikk Marran nói rằng quân Nga sẽ 'tấn công hạn chế' vào đất Ukraine bằng pháo kích, hỏa tiễn và 'chiếm giữ một số điểm trọng yếu'.
Trước đó, Nga công bố hình ảnh 'xe tăng rút ra khỏi vùng biên giới với Ukraine' nhưng Nato không tin đó là sự thực.
Đánh giá của ông Marran nêu ra được Reuters đăng tải hôm 16/02 cho rằng Nga "sẽ tránh đánh vào các đô thị lớn của Ukraine, vì không muốn dùng bộ binh đông đảo".
Nga cũng có thể đẩy mạnh chiến sự tại hai vùng ly khai ở Đông Ukraine vì làm gì thì Nga "cũng có thể chối là không gây ra chiến sự", ông Marran nêu ý kiến.
Bộ Quốc phòng Anh hôm 17/02 đăng trên mạng xã hội Twitter một hình ảnh trận đồ với các mũi tiến quân giả thiết Nga có thể triển khai để đánh Ukraine.
Comments powered by CComment