Ngày 23/2, phương Tây cho biết đã sẵn sàng các biện pháp đối phó với ngành công nghiệp năng lượng khổng lồ của Nga ngay cả khi khủng hoảng năng lượng đang ảnh hưởng mạnh đến châu lục này.
Dừng quá trình phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2
Trước đó, ngày 22/2, Đức cho biết đã dừng quá trình phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sau khi Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.
"Liên quan đến tín hiệu mới nhất, chúng ta cần đánh giá lại tình hình đối với dự án Nord Stream 2. Động thái này được xem là bước cần thiết để ngăn chặn Nord Stream 2 vận hành. Nếu không có giấy chứng nhận, Nord Stream 2 không thể tiếp tục triển khai", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tại Berlin.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh đất nước của ông sẽ không chấp nhận việc công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine và Berlin phải đánh giá lại tình hình liên quan đến Nord Stream 2.
"Trong các bài phát biểu gần đây, chúng tôi đều nhắc đến việc đánh giá lại tình hình cụ thể liên quan đến Nord Stream 2", Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.
Theo CNBC, Thủ tướng Scholz cũng yêu cầu phía Bộ Kinh tế Đức thực hiện các bước đi để đảm bảo rằng không thể cấp giấy chứng nhận hoạt động đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vào thời điểm này.
"Bộ Kinh tế Đức phải đánh giá lại về mức độ an toàn của nguồn cung khí đốt căn cứ theo những gì đã thay đổi trong vài ngày qua", Thủ tướng Scholz nói.
Theo CNBC, ngày 23/2, Thủ tướng Scholz khẳng định châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều giờ khó khăn vào thời điểm hiện tại. Đức và Nga đã thực hiện dự án Nord Stream 2 trong thời gian dài. Mỹ cũng từng bày tỏ lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn khí đốt từ Moscow. Đến hiện tại, quá trình xây dựng đã hoàn tất và chờ phê duyệt chứng nhận từ Đức để đi vào hoạt động.
Dự án đường ống dài 750 dặm đã hoàn thành từ tháng 9/2021 nhưng giới chức Đức chưa cấp giấy chứng nhận để đưa vào hoạt động. Nếu không có giấy chứng nhận, khí đốt tự nhiên không thể chảy qua đường ống từ Nga sang Đức qua biển Baltic.
Mỹ, Anh, Ukraine và một số nước châu Âu đã lên tiếng phản đối dự án đường ống khí đốt này ngay tại thời điểm Nga và Đức thông báo triển khai dự án trong năm 2015, cảnh báo dự án này sẽ gia tăng ảnh hưởng của Moscow đối với châu Âu.
Đường ống khí đốt dự án Nord Stream 2 có thể cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó dự kiến Đức có thể tiêu thụ hơn 50% lượng khí đốt này mỗi năm và đóng góp 15 tỷ đôla cho công ty khí đốt của Nga Gazprom. Là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga, Đức đã cố gắng giữ cho Nord Stream 2 nằm ngoài phạm vi chính trị trên toàn cầu trong suốt thời gian xây dựng. Tuy nhiên, giữa các căng thẳng gần đây về Ukraine, dự án dường như khó có thể tiếp tục.
Theo CNN, những động thái mới nhất của Nga ở khu vực phía đông Ukraine khiến Đức rơi vào tình thế khó khăn. Các quan chức Mỹ đã khẳng định sẽ dừng dự án Nord Stream 2 nếu Nga tiếp tục gia tăng căng thẳng trong vấn đề Ukraine.
Giá khí đốt tiếp tục tăng mạnh. Điều gì sẽ xảy ra?
Theo CNN, năng lượng là vấn đề gây tranh cãi chính ở Trung Âu và Đông Âu khi giá khí đốt tự nhiên lập kỷ lục tăng mạnh vào mùa đông vừa qua và khiến châu Âu đang rơi vào khủng hoảng năng lượng chưa từng thấy. Căng thẳng Ukraine gia tăng sẽ khiến khách hàng ngày càng chịu rủi ro cao.
Sau tuyên bố của Đức, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga đã cảnh báo giá năng lượng ở châu Âu nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh.
Theo ông Henning Gloystein, Giám đốc Năng lượng, Khí hậu và Tài nguyên của Tổ chức Eurasia Group, tình hình năng lượng ở châu Âu đang ở trạng thái tốt hơn so với vài tháng trước sau khi châu lục này tiếp tục tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Thời tiết hiện tại cũng tương đối ôn hòa.
Giới quan sát cho rằng, rất nhiều cơ hội sẽ xảy ra trong thời gian tới. Nguồn LNG từ Mỹ và Qatar chảy về châu Âu sẽ giúp khối này giảm áp lực từ sự gián đoạn dòng khí đốt của Nga nếu đường ống dẫn qua Ukraine bị dừng do căng thẳng.
Một số chuyên gia nhận định nếu Moscow đã giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và tiếp tục quyết định cắt giảm hơn nữa nhằm phản ứng với trừng phạt của phương Tây thì khủng hoảng năng lượng có thể tiếp tục leo thang đáng kể.
"Nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt đến châu Âu thì sẽ không có đủ LNG để đối phó với khó khăn hiện tại", ông Gloystein nói.
Tuy nhiên, ông Gloystein cũng nói rằng Moscow có thể không mong muốn những bước đi quyết liệt như vậy vì sẽ gây tổn hại cho Gazprom và kinh tế nước này./.
Theo Tiền Phong
Comments powered by CComment